Chữ PHÚC trong cuộc sống tâm linh của người Á Đông.

 Bài viết của Việt Hải Trần
Trong cuộc sống hàng ngày, chữ Phúc (còn gọi là Phước) được coi là biểu trưng của sự may mắn, vui vẻ, sung sướng và hạnh phúc. Người xưa coi chữ Phúc là chữ Thánh Hiền, chữ của Thần, có nội hàm rất uyên thâm.
Chữ Phúc và những hình tượng biểu thị chữ Phúc được con người xưa, nay sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, trong các tài liệu nghiên cứu, các áng văn chương, các vật trang trí, trong kiến trúc hay cả trên y phục… Nhiều kết hợp từ có yếu tố Phúc nhằm chỉ sự vui vẻ, no ấm, an lành: phúc đức, phúc ấm, phúc tinh, phúc hạnh, hạnh phúc, hồng phúc, diễm phúc v.v.
Phật gia giảng: Cứu một người là Phúc đẳng hà sa. Cứu được một người thì Phúc Đức sẽ tới nhiều như cát sông vậy. Riêng mình, vừa tới tuổi “tri thiên mệnh” thì vô phúc mắc trọng bệnh. Nhưng nhờ Phúc ấm tổ tiên và bao kiếp tích được Đức nên mấy năm nay tu luyện Pháp Luân Đại Pháp mà khỏe mạnh. Vậy nên, việc bàn về chữ Phúc của mình hôm nay âu cũng là một cơ duyên tiền định nhằm để cứu mình, cứu người, cứu mệnh…
Chữ Phúc được coi là tấm huy xuân có ý nghĩa tâm linh
Thường thì cái chữ này có tính thời vụ. Dường như 360 ngày nó nằm co ro đâu đó trong góc nhà. Mặt lem luốc bụi, mạng nhện và phân gián; phân chuột… Vậy mà, cứ gần Tết là người ta lau chùi, rảy nước thơm, rồi trang điểm những đóa hoa, rồi treo bên cạnh đủ thập quang ngũ sắc. Cứ gần Tết là Phúc lại đỏ rực trong nhà. Nó ôm quả dưa hấu bằng màu vàng đỏ. Nó treo lơ lửng trên cành mai cành đào cũng dồi dào những sắc màu mãn mục… Ở Bến Tre người ta cho ra đời những trái dừa nổi hình chữ Phúc thật đẹp, ngày Tết bán cứ đắt như tôm tươi. Chẳng thế mà, Nguyễn Công Trứ đã làm 2 vế câu đối:
“Chiều 30, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng BẦN ra khỏi cửa
Sáng mồng Một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông PHÚC vào nhà “
Thực ra, những vị đại quan này, thời thế dù đổi thay nhưng đến tối 30 vẫn còn người đòi nợ thì thật khó tin. Chợt nghĩ thầm, khi nào bi đát như cụ Trứ, mình sẽ lấy cái mẹt xứ Nghệ, dán vào đó chữ Phúc đỏ cùng vài cành đào hồng nho nhỏ, lấy phẩm đỏ ghi chữ vào trán và mượn áo dài hoa hậu có 100 chữ Phúc.., biết đâu mình chẳng rinh được ông Phúc vào nhà.
Hai câu đối trên có nói đến rượu, có nói bồng bế ông Phúc vào nhà. Thi sỹ quả là am hiểu chữ Thánh Hiền từ thời để chỏm… Bởi … Chữ Phúc trong thời nguyên sơ của nó có nghĩa rất đơn giản. Trong Giáp Cốt Văn, ta nhìn thấy hình tượng của 2 bàn tay rất trang trọng bưng một cái bình được chạm khắc tinh xảo. Đó là hũ rượu quý. Người ấy đứng trước bàn thờ, có lẽ là trong đêm trừ tịch rất thiêng liêng…
Đây là một Thánh Lễ rất thiêng liêng của văn hóa người xưa. Văn hóa hữu Thần. Văn hóa kính trọng, thờ cúng Thần Linh. Hiển nhiên, Kính thì phải Yêu, phải Sợ; phải ý thức thường trực 3 chữ Chân Thiện Nhẫn… Vì ông mình ngày xưa là nhà Nho nên mình cũng hiểu chút ít văn hóa xưa. Chẳng hạn, cả đám ruộng, ông chăm sóc một khóm lúa, một khóm nếp đã cách ly bởi khoai sắn…
Tự tay ông lấy liềm gặt hái phơi phong rồi xay, giã, giần, sàng… Đó là sản vật cho ba ngày Tết không được động đến. Ông cũng tự nấu rượu. Nấu xong, nút lá chuối khô. Rồi chôn trong đất, trồng lên đó cây bạc hà làm dấu.. Chỉ thứ rượu ấy mới cúng Thần Linh, Tổ tiên mấy ngày Tết. Suốt cả năm, đọc sách Thánh Hiền có câu nào hay, Ông viết vào giấy gió, có cả những chữ khuyên bằng màu son chu sa… Tệp giấy ấy là dành để tự mình ông mua trầm mua bả mía về quấn những cây hương thơm lừng… Người xưa coi chuyện cúng bái rất Tinh, rất trân trọng…
Vì vậy không lạ gì, chữ Phúc lại được coi là tấm HUY XUÂN có ý nghĩa tâm linh đến vậy. Nói nghiêm khắc, nếu chúng ta vô thần thì không có ông Phúc nào đến nhà. Trong cái gốc, chữ Phúc ở bên trái là chữ Kỳ (có khi đọc là Thị) là cái bàn độc, bàn thờ. Đó là nơi thiêng liêng mà gia chủ đối thoại với những sinh mệnh có khả năng chi phối mình cũng như thế gian.
Người xưa tin và tin tuyệt đối vào Thần. Họ luôn nghĩ rằng trên đầu 3 thước có Thần linh. Việc làm của mình chỉ có thể che mắt người đời, bởi họ đều mù như mình, nhưng không thể lấy vải thưa che mắt Thánh. “Dễ đâu yếm thắm mà lừa trôn kim”. Chữ bên phải đọc là Phúc nghĩa là tràn trề, đầy đủ…Nói tới chữ Phúc, những người học chữ Thánh Hiền thường hay liên hệ tới những chữ có cấu trúc tương tự.
Đây là sự liên tưởng về hình sắc của con chữ chứ không giống sự liên tưởng chỉ thông qua Âm Thanh như tiếng Việt hiện nay do chúng ta theo ký âm phương Tây mà có Quốc ngữ hôm nay. . Tiếng Hán trong nghệ thuật ngôn từ, có những biện pháp tu từ về Âm và về Hình. Cha ông mình ngày xưa cũng triệt để sử dụng hai hệ thống này để làm phong phú thi hứng sáng tạo. Đáng tiếc, chữ ghi âm hiện nay chỉ cho chúng ta múa võ một tay…
Chữ Phúc dễ tương đồng với chữ PHÚ 富nghĩa là giàu có, của cải tiền bạc thừa thãi, dư dật. Trong” Luận Ngữ”( 論語): “Nhiễm Hữu viết: Kí thứ hĩ, hựu hà gia yên? Viết: Phú chi” 冉有曰: 既庶矣, 又何加焉? 曰: 富之 (Tử Lộ 子路) Nhiễm Hữu hỏi: Dân đông rồi, phải làm gì thêm? (Khổng Tử) đáp: “Làm cho dân giàu.”
Chữ Phúc rất dễ liên tưởng xa tới chữ HỢP (合) nghĩa là tất cả hội tụ lại, sống với nhau thân mật hòa ái. Khi nói “hợp gia hoan“( 合家歡), tức là, “cả nhà vui mừng”. Điều này chúng ta đã nói tới vợ chồng con cái hạnh phúc khi bàn về chữ Phúc ở trên.
Chữ Phúc dễ cho ta liên tưởng tới chữ ĐỒNG (同) nghĩa giống chữ Hợp, cũng có nghĩa là “cùng với nhau, cùng chung làm”. Ví dụ: “hữu phúc đồng hưởng, hữu nạn đồng đương” 有福同享, 有難同當 có phúc cùng hưởng, gặp nạn cùng chịu.
Lục Du có hai câu thơ thật ngậm ngùi về thân phận người mất nước:
“Tử khứ nguyên tri vạn sự không, Đãn bi bất kiến Cửu Châu đồng”

死去元知萬事空,

但悲不見九州同

(Thị nhi 示兒)

(Chết đi vốn biết muôn sự là không cả, Nhưng chỉ đau lòng không được thấy Cửu Châu thống nhất.)
Sở dĩ mình liên hệ tới Hợp và Đồng bởi bên phải chữ Phúc có chữ Nhất, Khẩu và Điền. Hai chữ Hợp và Đồng đều có Nhất và Khẩu… Liên tưởng theo chiều khác, thì Phúc dễ liên tưởng tới chữ Thần, chữ Lộc là những chữ liên quan tới Thần, Phật, Đạo,Thánh. Rõ ràng, người xưa cho rằng, muốn có Phúc, có Lộc thì phải tôn trọng Thần Thánh, phải sống có Đạo Đức, hợp quy luật mà Thần Thánh đòi hỏi con người thì con người mới có Phúc, có Lộc.
Mỗi con chữ của người xưa đều ẩn chứa trong đó nội hàm về Đạo Đức. Khi người xưa viết chữ Phúc, nét bút thứ nhất vừa đưa lên để ghi chữ Ky phía bên trái thì Tâm của họ đã nghĩ tới Thần Phật rồi. Họ biết có được Phúc hay không là sự ban thưởng rất công bằng, công minh của Thần. Học chữ xưa cũng là tự mình học và chiêm nghiệm về Đạo Đức về kính ngưỡng những Sinh Mệnh cao cấp đang chi phối nhân loại cùng vạn sự vạn vật vậy!
———————————————————
Trong cuộc sống hàng ngày, chữ Phúc (còn gọi là Phước) được coi là biểu trưng của sự may mắn, vui vẻ, sung sướng và hạnh phúc. Người xưa coi chữ Phúc là chữ Thánh Hiền, chữ của Thần, có nội hàm rất uyên thâm.
Phúc là kết quả của Đức
Chuyện kể rằng: Sau khi lên ngôi, Nguyễn Phúc Ánh là vua Gia Long đã ban thưởng công lao cho cận thần. Ngài dành ưu đãi nhất cho một tướng vào sinh ra tử với mình. Cho anh ta yêu cầu bất cứ sở ước gì. Vị ấy nói: “Tâu Hoàng Thượng, hạ thần chỉ xin chữ Phúc thôi!” Vua buồn rầu, mỉm cười nói: “Tiền bạc và chức tước là quyền của ta. Còn Phúc thì chỉ có Trời mới có quyền ấy. Dòng họ nhà ta cũng chỉ nhờ chữ ấy mà vinh hiển. Không biết còn cháu ta có giữ được Đức lâu dài mà hưởng Phúc gia tộc?”
Như vậy, Phúc là kết quả. Cái làm cho nó xanh tươi, ra hoa đơm trái lại là Đức. Kết cấu ngôn ngữ phụ – chính của người Tàu khẳng định chữ Đức chính là quan trọng để có Phúc. Hãy tích Đức, còn nhiều quá rồi thì lo mà Thủ Đức. Đây không khuyên các bạn lên chơi quận Thủ Đức, lang thang trong Suối Tiên rồi bái lạy cái cây đa cổ thụ thắt toàn những dải lụa đỏ cầu đủ thứ Danh, Lợi, Tình rồi đêm ngày phập phù may rủi. Mà khuyên là lo giữ cái Đức, “thu”̉ ở đây là cố thủ, giữ lấy. Ai xin tiền, xin bạc mình cho. Đừng cho Đức. Mất Đức là Nghiệp đến, là Tội vào, là thần Phúc ba chân 4 cẳng chạy ra khỏi nhà… Nhớ đấy, thờ hằng ngày chữ Đức! Ăn ở cho có Đức, mọi may mắn Phước lành sẽ hành quân đóng chật nhà mình. Thần ở khắp nhà Mãn Phúc Đường! Khi nói Phúc Đức trong tư duy người xưa, Đức là ông cố nội, còn Phúc chỉ là cháu chắt chạy le te chờ sai vặt thôi.
Hãy nhìn bên phải. Chữ Phúc đồng âm này có tách ra thành 3 chữ :Nhất, tiếp là Khẩu cuối là Điền Có người giải thích: “nhất khẩu” là 1 người. Chữ Điền với người xưa chính là gia sản của cải, giàu có; giai cấp thượng lưu, có của ăn của để; có mọi thứ tiện nghi… Suy ra, vợ chồng giàu có với 1 đứa con thì đó là Phúc..
Ông anh mình, giám đốc một công ty làm đường nói thế này: Biết thế này có 1 đứa thôi chú à… Cứ mỗi sáng lé mắt trông sang thấy chăn mền là tim đập bình thường. Thấy giường ông con trống trơn là “tim ta ơi, hãy cất cao tiếng hát”. Sang phòng bên thấy chiến trường game vẫn đì đùng trên màn hình và ông con khác, nằm co ro như lính bị thương trong công sự là khó nói ra lời. Tiếng hát thành lời than thành rên rỉ. Mở phòng khác thấy bé út ôm búp bê đang giữ nụ cười hàm tiếu với hơi thở khẽ khàng như gió nhẹ thì thở phào lẩm nhẩm: “Ôi, đại Phúc… “.
Cách giải này chắc động chạm tới nhiều người có nhiều hoàng thái tử, xích công chúa (xích: màu đỏ).
Thế thì thế này, Nhất Khẩu nghĩa là toàn thể gia đình, Điền nghĩa là giàu có, dư giả. Suy ra, nhờ kính sợ Thần Linh, và nhờ “Đức lưu phương” từ Tổ Tiên được con cháu phát huy, nên cả nhà bao nhiêu nhân khẩu đều dồi dào bạc vàng, châu báu. Như vậy, Phúc có quan hệ rất biện chứng giữa đạo đức, tinh thần và vật chất của cải.
Hãy nhìn bên phải. Và nhìn từ dưới lên trên. Đó là Điền, rồi Khẩu và Nhất. Đây là cái nhìn từ gần tới xa. Bắt đầu còn thấy 4 ô vuông. “Nơi thì cuốc bẫm, nơi thì cày sâu“. Nơi thì lúa chín, nơi thì bắp râu. Nhìn xa và rộng thì cánh đồng chỉ còn thấy 4 đường viền như chữ Khẩu khổng lồ. Nhìn xa hơn nữa, ruộng đồng chỉ còn đường chân trời hình chữ Nhất. Suy ra, nhờ thờ cúng và tin tưởng Thần Phật mà ruộng đất cò bay thẳng cánh… Thật giàu. Những người này có thể sánh ngang với bá tước nhà văn Nga Lep Tonx-tôi có điền trang và những khu rừng hàng ngàn ha.
Biết tin, kính Thần Phật, biết sống có Đạo Đức thì Phúc đẳng hà sa
Nói tóm lại: Phúc là điều tốt lành do biết tin, biết, kính, biết sống đạo đức theo tiêu chuẩn mà Thần Phật đặc định. Như vậy, Phúc là thuận lợi. Trên thuận dưới; trong thuận ngoài; trời đất, vua tôi, cha mẹ và con cái; tinh thần và vật chất đều hài hòa, đều thuận. Trái với Thuận là trắc trở trục trặc, làm cái gì cũng có con kỳ đà, nghĩ cái gì cũng là gà mắc tóc…
Chữ Phúc có biểu tượng con Dơi. Nếu bạn lấy chữ Trùng (côn trùng) thay chữ bên trái thì ta đọc là Phúc. Nhưng nghĩa của nó là con Dơi. Dựa vào mặt chữ bên phải giống và đọc âm Phúc y hệt nên Dơi là biểu tượng của Phúc. Điều này trái ngược văn hóa phương Tây coi Dơi là ma, là ác quỷ. Sa-tan thường xuất hiện là con Rồng đỏ, nhưng phần lớn nó được vẽ là con Dơi khổng lồ đen thui, bay liệng, đập cánh như bão tố trong trong đêm đen.. Nhà nào nuôi hoặc treo 2 con Dơi thì gọi là Trùng Phúc Lâm Môn.
Nhà ngoại mình ngày xưa có một cái nhà kho nhỏ giữa vườn. Nơi ấy thường cất cất các đồ cúng tế, các loại đồ cổ, đồ gia bảo bằng đồng hoặc sứ. Ông ngoại thường ngồi trong ấy đọc hoặc viết chữ Thánh hiền. Xung quanh nhà toàn hoa. Dưới gầm toàn trồng cây Diếp Cá. Trên góc tường là bầy Dơi làm tổ. Ban ngày vào ngắm những con dơi lớn nhỏ treo từng chùm thân thiện trông thật thích mắt. Buổi tối, ngồi học bài bên chấm đèn dầu Hoa Kỳ, hưởng gió nồm và đàn dơi bay liệng như muốn va vào đầu để bắt muỗi.. Những ấn tượng tuổi thơ không dễ lũ học trò giờ có được…
Con người vốn tham. Chưa tích được bao lăm chữ Đức nhưng hay viết và treo hình ảnh 5 con Dơi trước cửa nhà gọi là: Ngũ Phúc Lâm Môn. Đó là: sống thọ, giàu có, bình an không gặp rắc rối trả Nghiệp nhân gian, Đức tốt và chết thanh thản như giấc ngủ dài… Có người thì cho 5 Phúc là: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh.
Muốn có Đức để gặt hái Phúc thì cha ông mình thường khuyên nên theo những Đấng Thánh Hiền hoặc theo Chính Giáo. Đạo Nho giảng: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Đạo Phật giảng Ngũ Giới: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nghiện ngập, và đặc biệt là cái miệng. Gọi nôm na là cái mồm – oanh vàng ngân nga, xấu xa cũng nó. Tu khẩu là khó nhất (nói dối, nói đòn xóc 2 đầu, nói tục tĩu, nói chuyện bé xé chuyện to..). Bạn nào có điều kiện thì tham khảo: Mười điều răn của Chúa…
Ở Việt Nam, chữ Phúc còn được đọc thành Phước. Có 2 giải thích: Nguyễn Huệ có tên giả là Phúc, mọi chữ Phúc đều phải biến âm thành Phú. Rõ nhất là 1883, Ưng Đăng lên ngôi lấy niên hiệu Kiến Phúc. Để tránh kỵ húy bởi dòng họ Nguyễn Phúc và sự kiện 1883 nên Phúc đọc chệch thành Phước.
Người Hoa hay treo chữ Phúc ngược. Có 2 câu chuyện liên quan đến tích này:
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương vi hành dịp Tết. Vua gặp một đám đông trai tráng đang có những hành vi khả ố với một bức tranh vẽ người đàn bà xấu xí, bàn chân to, tay ôm quả dưa hấu. Đó là hoàng hậu. Vua sai lính theo dõi đến tận nhà và viết chữ Phúc đánh dấu. Khi quân lính tróc nã những người phạm tội thì thấy nhà nào cũng có chữ Phúc Ngược. Thì ra, hoàng hậu nửa đêm đã sai người làm điều ấy cứu muôn dân. Quả là bà đã làm Phúc, đã cứu một tai họa của ông vua thích tru di đến 9 tộc chứ không phải 3 tộc. Cũng cần lưu ý người xưa coi phụ nữ bàn chân to là xấu xí, thô lậu. Họ thường bó chân để có gót son 3 tấc. Người xưa cho hành động bổ đôi quả dưa mà vục đầu vào ăn là hạng tiểu nhân vô lại… Sỉ nhục vậy mà hoàng hậu tha thứ, thật là Nhân Từ vậy. Bổ quả dưa làm 2 được viết là Phúc Qua. Đây chính là 2 chữ Phúc được viết liên tục. Nghĩa là bổ ra… Chắc Chu Nguyên Chương nghĩ rằng: Tụi mày muốn bổ thì tao sẽ bổ đầu tụi mày. Đây là lý do ông ta viết chữ Phúc mà không phải là chữ nào khác…
Câu chuyện nữa được lưu truyền là thời nhà Thanh. Sáng 30 một người lính được giao treo chữ Phúc ở phủ Thái Tử. Anh ta treo ngược và bị hỏi tội. Viên quan nhân từ biết Thái Tử đang nung nấu từng ngày để lên làm vua. Ông ta nói rằng: Chữ Phúc đảo nghĩa là Phúc Đáo. Điềm lành đang đến. Thái Tử đã cho người lính 30 lạng bạc và mọi người trực đêm ấy đều được thưởng…
Có thuyết cho rằng, thuở đó, có con thú luôn ăn thịt trẻ con. Người ta vẽ tranh nữ thần Phúc, con thú không dám tới. Bức tranh này qua nhiều đời nó đã cố định lại thành con chữ ngày nay…
Trong truyện Kiều của Nguyễn Du, có nhiều câu thơ nói đến chữ Phúc:
“Kiếp tu xưa ví chưa dày
Phúc nào nhắc được giá này cho ngang”
“Sư rằng Phúc Họa đạo Trời
Cội nguồn cũng bởi lòng người mà ra”
“Một nhà Phúc Lộc gồm hai
Nghìn năm dằng dặc, quan giai lần lần”
chu phuc trong cs 12
“Trách vì Phúc bạc, xứng đâu má đào”
“Từ đây Phúc đẳng hà sa vô cùng”
Đời người có 5 loại phúc lớn nhất, làm thế nào để có được?
Mọi người thường nói câu: “Ngũ phúc lâm môn” (Năm loại phúc vào nhà) , vậy “ngũ phúc” là bao gồm những loại phúc nào? Và “ngũ phúc” này như thế nào mới có thể “lâm môn”, thực sự không phải ai cũng hiểu cho thấu đáo.
“Ngũ phúc” là gì?
“Ngũ phúc” bao gồm năm loại phúc là: “Trường thọ”, “Phú quý”, “An khang”, “Hảo đức” (đạo đức tốt) và “Thiện chung” (cái chết an lành) .
“Trường thọ” là không chết yểu, chết trẻ, sống thọ lâu dài.
“Phú quý” là tiền tài dư dật, giàu có hơn nữa còn có địa vị tôn quý, cao sang.
“An khang” là thân thể khỏe mạnh và tâm linh an bình, yên vui.
“Hảo đức” là phẩm hạnh, đạo đức tốt đẹp.
“Thiện chung” là có thể dự đoán được ngày chết của mình. Những năm tháng cuối đời, không gặp phải tai họa bất ngờ, thân thể không ốm đau, trong nội tâm không lo lắng hay phiền não, an tường tự tại mà rời khỏi nhân gian. Đó là một cái chết an lành, nhẹ nhàng.
“Ngũ phúc” như thế nào mới có thể “lâm môn”?
Mỗi người chúng ta đều mong muốn sống thọ, đều hy vọng có vinh hoa phú quý, tối thiểu là được “ăn no mặc ấm”, trong tay không thiếu thốn, túng quẫn. Đồng thời chúng ta cũng mong muốn có một thân thể khỏe mạnh, thể xác và tinh thần cả đời được an khang, sau trăm tuổi có thể nhẹ nhàng rời đi, khi chết rồi cũng không bị đày xuống nơi địa ngục. Những điều này cũng chính là điều mà con người cả đời khổ sở theo đuổi.
Nhưng ngoài những theo đuổi về vật chất này, con người còn phải có “hảo đức”. Nói cách khác, ở phương diện tinh thần còn phải bồi dưỡng phẩm hạnh đạo đức và hành vi tốt đẹp. Trong sâu thẳm tâm hồn không có sầu lo uẩn khúc thì mới sống được an lành, mỹ mãn.
Trong “ngũ phúc” thì “hảo đức” là loại phúc quan trọng nhất. Bởi vì “đức” là ngọn nguồn của cuộc đời hạnh phúc. “Hảo đức” là gốc rễ của hạnh phúc và vui sướng, khoái hoạt. Từ “Hảo đức” mà có thể bồi dưỡng ra bốn phúc còn lại. Một người nếu không có “Hảo đức” thì sẽ không có bốn phúc còn lại, hay cho dù có một chút thì cũng sẽ không thể được lâu dài.
Cổ nhân dạy rằng “Đức” gồm có tám phương diện, bao gồm: Hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Tám chữ này được gọi chung là “bát đức”, hay còn gọi là “bát đán”, cũng là tiêu chuẩn của con người.
Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử viết: “Hảo đức” thể hiện ra hành vi bao gồm năm phương diện: Ôn hòa, lương thiện, cung kính, tiết kiệm, nhường nhịn.”
Ôn hòa tức là mềm mại, nhẹ nhàng, tâm tình ôn hòa có thể khiến tâm lý khỏe mạnh. Lương thiện là nhân từ, thương người. Người lương thiện, nhân từ bởi vì thường xuyên bố thí, giúp đỡ người khác mà có thể sống lâu, sống thọ. Cung kính là giữ lễ, người biết giữ lễ nghĩa, lễ độ thì thường tránh được tai ương, bảo trì được tâm thái bình tĩnh, an bình. Tiết kiệm chính là cần cù, không hoang phí. Người cần cù tiết kiệm thì sẽ mang đến tài phú và thân thể khỏe mạnh bởi không sa đà vào lòng tham. Nhường nhịn chính là khiêm tốn, nhún nhường, lễ nhượng. Nhường nhịn có thể khiến cho ôn hòa, lương thiện, cung kính, tiết kiệm phát huy được tác dụng.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường thường phát hiện thấy rằng, người có đạo đức tốt đẹp, lương thiện thường gặp được những việc tốt đẹp mà trong tâm họ không ngờ tới. Đôi khi họ còn có thể gặp họa lại hóa thành may mắn, việc xấu hóa thành việc tốt. Đồng thời, cả đời họ còn có nhiều phúc báo, vĩnh viễn không bần cùng và thiếu thốn. Đây chính là bởi vì người “hảo đức” vốn là người có phúc phận, cũng chính là người có “ngũ phúc”
Aucun texte alternatif disponible.
Aucun texte alternatif disponible.
L’image contient peut-être : plein air
L’image contient peut-être : intérieur
L’image contient peut-être : 1 personne, ciel, nuage, crépuscule et plein air
Ce contenu a été publié dans Français. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.