2014 Một người chị văn học

Một người chị văn học

Tôi được biết đến tên Minh Đức Hoài Trinh từ rất lâu, vào những năm 1964-1965, lúc đó, tôi còn rất trẻ, mới bắt đầu tham gia sinh hoạt thanh niên, hoặc những khi đi hát với nhạc sĩ Phạm Duy, Nguyễn đình Nghĩa…để được gặp Nguyễn Đức Quang tại giảng đường đại học Thụ Nhân ở Dalat, cũng như vừa tốt nghiệp nhạc viện Saigon chưa bao lâu…
Năm 1969, nhân chuyến xuất ngoại trình diễn đi qua các nước Âu châu với phái đoàn thân hữu các dân tộc cùng với Nguyễn Đức Quang, Khánh Ly, Thanh Lan, thì tôi mới được diện kiến nhà văn Minh Đức Hoài Trinh thật sự trong buổi trình diễn cho kiều bào tại khuông viên toà đại xứ Việt Nam tại Paris.
Từ trên sân khấu nhìn xuống, trước mắt tôi, một người phụ nữ Việt Nam xinh xắn, nhỏ nhắn, với mái tóc bồng bềnh xoả dài phủ trên vai rất nghệ sĩ, tôi đã nhìn thấy chị say sưa theo dõi chúng tôi trong lúc trình diễn đã làm tôi để ý đến chị. Trong lúc dự tiệc khoản đải, chúng tôi nói chuyện với nhau. Chị hỏi thăm tôi tin tức ở quê nhà, và được biết chị là nhà văn, nhà thơ cũng là ký giả chiến trường Minh Đức Hoài Trinh…với những bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc rất nỗi tiếng….

Đầu năm 1975, tôi lại sang Pháp cùng với gia đình chồng. Trong lúc ổn định cuộc sống mới tại đây, tôi đi dự buổi tiếp tân do nhà nhiếp ảnh Hà Phong tổ chức năm 1976, tôi lại được gặp chị. Hai năm sau, nhờ sự động viên của bè bạn, tôi có ý định lập lại Phượng Ca, vì lúc đó Paris không có nhiều hội đoàn hoạt động trong lãnh vực âm nhạc dân tộc. Thời gian này, cha Ngô Duy Linh và chị Minh Đức Hoài trinh đã nâng đở tôi rất nhiều về tinh thần cũng như vật chất trong lúc lay hoay của bước đầu tái lập. Không bao giờ tôi quên giây phút đầu này, vì chị là người giơ tay đón rước, cho mượn phòng khách nhà để dạy nhạc, trong thời gian này, tôi đã cùng với chị làm chương trình phát thanh tiếng Việt trên đài RFI.

Nhà chị ở bên cạnh đại học Jussieu Paris 7, nơi đây quy tụ hầu hết những sinh viên Việt Nam, vì thế sau khi hết giờ học, là các cô sinh viên có thể đến lớp đàn tranh dễ dàng, không bị mất thời gian di chuyễn.Trong nhiều năm, tá túc nhà chị để dạy đàn, hai lần trong tuần, vừa cho mượn chỗ chị lại cho ăn cơm trưa, những bữa cơm thân tình đơn sơ nhưng đã cho tôi nhiều can đãm để vượt qua mọi khó khăn nơi xứ người.

Năm 1984, nhận lời cha Ngô Duy Linh đến New Orléans mở lớp đàn tranh cho thiếu nhi, thu xếp vài ngày sang Cali thăm bè bạn, thì tôi được bạn đưa Ngõ Trúc thăm chị…

Viết về chị, chắc chắn sẽ có nhiều bài viết hay hơn, sâu sắc hơn có giá trị hơn về cuộc đời chị do những tay viết bè bạn chuyên nghiệp. Tôi chĩ muốn góp thêm vài cảm nghĩ của mình, với tâm tình của người em gái cảm mến và kính phục chị, một người phụ nữ nhỏ nhắn, nhưng rất phi thường. Đã can đảm đứng lên vận động cho văn bút Việt Nam hải ngoại có mặt trong văn đoàn quốc tế từ hơn 50 năm qua cũng như muốn gửi đến chị những tâm tình không bao giờ phai trong tim mình từ gần 40 năm gặp chị.

Phượng Ca 1978

Phượng Ca chỉ có hai tấm hình duy nhất có mặt chị trong buổi diễn đầu tiên và mấy mươi năm trôi qua, sự giúp đỡ của chị đã cho Phượng Ca có sức mạnh tiến bước trên con đường phục sự cho tha nhân, cho quê hương và trao truyền cho thế hệ trẻ tình yêu âm nhạc dân tộc nơi xứ người.

MD HT

MD HT 1

MD HT 2

Sự giúp đở này rất có quan trọng cho tôi, để có thể làm được mọi điều tốt đẹp cho âm nhạc truyền thống Việt Nam tại hải ngoại và giữ được văn hoá cội nguồn cho thế hệ trẻ sinh ra lớn lên tại đây.

Paris đầu thu 2014

Phương Oanh.

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.