Mưa Huế

Hơn 40 năm, tôi mới trở lại Huế trong cái nóng oi bức của mùa hè, mặc dù bây giờ đã bước qua tháng 1 năm 2007, theo âm lịch, thì đang là tháng chạp, trời đã vào đông.

Vừa tới Huế trong chuyến bay Saigon lúc 19g tối, về nhà, ăn cơm xong, Yến đã rủ tôi đánh một vòng thăm Huế ban đêm, nhà ở An Cựu, qua cầu mới, vào thành nội, dọc theo sông Hương, qua cầu Trường Tiền để trở về nhà...

Những con đường xưa với hàng cây xanh cao ngất vẫn đứng im trong không khí vắng lặng ban đêm, ngồi sau lưng Yến tôi thật vui vì không ngờ mình đã tới Huế thật bất ngờ trong lúc chưa định trước. Cầu Trường bây giờ không còn sức thu hút tôi như ngày xưa mỗi khi ra Huế, tôi không còn thấy những chiếc xe đạp của bầy em gái áo trắng hay áo tím, chạy hàng ngang trên cầu, tà áo phất phơ tung bay theo gió nữa.

Huế ngày nay không còn gặp mái tóc thề xỏa ngang vai e ấp dưới vành nón lá bài thơ, làm tôi quên mất một đặc sản của Huế rất nỗi tiếng mà du khách khi rời Huế là phải tìm mua đem về làm quà cho mẹ cho chị, em gái hay người yêu. Huế giờ đây, vào giờ đi học, đầy xe gắn máy với những chàng trai, những cô gái ăn mặc rất thời trang, về đây, tôi như lạc lỏng và buồn buồn như bị mất mác cái gì mà tôi không hình dung ra được…

Hơn hai tuần ở đây, ngày ngày được Quỳnh Phi, con gái người bạn đến đón đi công việc hay đi thăm nơi này nơi nọ, nhất là các quán chè, quán bánh bột lọc, bánh bèo.., ngồi sau xe cháu chở, tôi cảm thấy mình trẻ lại như 20 tuổi , vui và hoà mình vào nhịp sống ở đây.

Một đặc điểm của Huế là mưa…

Tới Huế mà không được thấy mưa của Huế là một thiếu sót lớn, là …chưa hay không biết Huế.

Mưa xứ Huế  không mạnh như trong Saigon, mà lất phất có khi như bụi, nhưng dai dẳn không ngừng. Tạnh khi nào không hay, mưa rơi lúc nào không biết, trời đang nắng gắt bổng rào rào rơi. Khi đã rơi, thì  kéo dài ngày này sang ngày khác, 1 tuần, 2 tuần không ngớt.. Mưa như thế đó, mưa rỉ rả, rỉ rả như tiếng thì thầm dù không lớn lắm, cứ từ từ thôi, cũng làm mọi người bị nước mưa làm ướt áo… Mưa dai đến nỗi  cái nhà, cái sân không lúc nào khô ráo được. Tôi có cảm tưởng như tường mái nhà, tường nhà bị nước mưa làm mục rửa ra. Nước đi qua lớp tôn lớp ngói, theo thời gian, thấm vào nhà, cái lạnh thấu xương từ trong người phát ra, ban đêm không thể ngủ được, mặc dù nằm trong mấy lớp chăn…mặc bao nhiêu  lớp áo… đội nón, đội khăn…, mang vớ kín mít từ đầu tới chân…mà vẫn co ro.

Mỗi buổi sáng, sau khi ăn sáng xong, Yến chở tôi đi chợ.  Ngày nào cũng đi chợ, tôi hình như quên mất cái thói quen này từ lâu, cho nên thấy mất thì giờ quá, thêm nữa, mưa cứ đi theo mọi người, từ hàng gà sang hàng thịt, hàng rau cải, chỗ nào cũng ướt . Đôi guốc, đôi dép lúc nào cũng ướt dưới chân, thật là khổ. Các hàng thức ăn, mỗi ngày dưới cơn mưa, mọi người không thấy đó làm ngại, trời mưa cứ mưa, người đi chợ cứ đi chợ, thản nhiên như không có gì…

Yến dắt tôi qua hàng cá, Yến chọn cá nước mặn hay cá nước ngọt để làm cơm. Hơn hai tuần tôi được ăn cá mỗi ngày, chẳng bù cho ở Paris, lúc nào cũng thịt. Thỉnh thoảng mới ăn cá tươi một lần vì sợ hôi nhà, vì ông chồng tôi không muốn như thế, có lẽ tại anh ấy không thích cá chăng, nên viện cớ này nọ không cho tôi nấu?

Huế có nhiều cái thay đổi, nhưng mưa Huế muôn thuở làm khổ người dân. Vì trời lạnh, không đủ áo ấm, hoặc nhà cửa không đủ kín và không có lò sưởi như bên này. Ai cũng rầu khi thấy mưa bắt đầu rơi hột, nhà nào cũng bị mưa làm khó dễ, áo quần luôn luôn ướt, giặt xong phơi không khô, lúc nào trong nhà cũng giăng dây phơi đầy quần áo…

Ngày xưa, mỗi khi đi làm việc ở Huế, vào tháng bẩy, mùa sen ở hồ Tịnh Tâm nỡ rộ. Buổi trưa, sau khi ăn cơm xong, tôi hay ra ngồi bên ven hồ để nhìn cánh hoa lung lay, những búp sen vươn cao lên trên các lá sen, xoè ra như những bàn tay nâng lấy đài sen. Hương thơm nhè nhẹ của sen trắng hay hồng pha lẫn nhau, người ta nói sen ở đây là ngon nhất.

Nếu phải đi Huế vào mùa đông, thì ai cũng ngại cái lạnh rét căm căm.

Vì cứ nghĩ mùa đông bây giờ cũng vậy nên kỳ này, tôi chuẩn bị quần áo ấm thật ấm…

Ông trời cũng thật tếu, có lẽ muốn cho tôi hưởng tí xíu cái nóng ngày xưa, nên trời thật nóng khi vừa ra khỏi máy bay, mồ hôi nhuễ nhoại, tôi đang lo lắng chắc phải đi mua áo mỏng để mặc, nhưng chưa kịp làm gì, ngày hôm sau, trời bắt đầu mưa và kéo dài cho tới khi chúng tôi lên máy bay đi Hà nội và bao nhiêu áo ấm cũng không đủ cho ba tuần ở tại đây.

Mưa xứ huế không báo trước, nên mình không thể dự đoán được, phải chuẩn bị trước, nếu không thể nào cũng bị đau.

Có lẽ đã lâu tôi không có dịp đi Huế, nên kỳ này, tôi không tìm thấy bóng dáng cái aó mưa cài nút phía trước, mà chỉ thấy những áo choàng, chùm kín người giống như những cái poncho lính ngày xưa. Người ngồi đàng sau lại chui trong cái áo, có người lại dùng áo choàng có hai đầu trông thật ngộ nghĩnh. Nhưng thật nguy hiễm vì tà áo bay phất phơ, nếu mà tà áo máng vô bánh xe thì hậu quả sẽ như thế nào ?

Mỗi ngày sau khi thức dậy, không đi chợ với Yến, thì  tôi đi ra tiệm internet để viết mail và xem tin tức. Mưa lất phất trên má, trên đầu, giống như mơn man nhè nhẹ làm cho mình tỉnh dậy. Vì đường luôn luôn ướt, đi trên lề sợ bị té vì trơn, tôi đi men men dưới đường nhưng cứ phải ngó chừng xe đi ngược trở lại. Có những xe đi ẩu, mình bị nước văng tùm lum.

Lúc bắt đầu quen quen đường xá, tôi mới quan sát chung quanh tôi, con đường từ nhà ra chợ, đi dọc theo bờ sông, giòng An Cựu vẫn lặng lẽ theo thời gian, chứng kiến những cảnh sống của cuộc đời từ bao năm qua, trong thơ, trong những lời thơ được nghe qua, được đọc qua trong những bài ca Huế… Trên giòng sông, bây giờ có nhiều cầu bắt qua cho người dân có thể đi vào thành nội dể dàng như cầu Lò Đúc, cầu Lò Rèn, cầu An Cựu, cầu Mới hay còn tên gọi là cầu Phú Xuân…Nơi này, ngày xưa là đất của các ông hoàng bàç chúa, con cái của các vua thời Nguyễn sống, cho nên tôi còn nhìn thấy các cổng ghi tên như phủ Tùng Thiện Vương, phủ …

.. sông An Cựu nắng đục mưa trong

Trên lề bờ sông, tôi nhìn thấy có nhiều cái an, lớn nhỏ đủ thứ, những chiếc chén để cắm nhang đặt dưới chân những cây đa hay cây si già có nhiểu rễ  lòng thòng xuống đất, tạo nên một không khí huyền hoặc.

 Phương Oanh.

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.