2012 06 24 Mừng bạn lên lão.

Jun 14, ’12 9:44 AM

pour tout le monde

 

 

Tôi biết Hoan đã từ lâu lắm rồi.

Thời gian trôi hơn bốn mươi năm qua, tình bạn chúng tôi vẫn là keo sơn muôn thuở. Vì sự vô tình hay hữu ý, tên của Hoan và tôi là cùng một chữ chỉ có đổi vị trí H
đàng trước hay đàng sau mà thôi…

Tôi nhớ hoài một ngày, năm 1966 – 1967, anh Đông, con trai chủ tiệm đàn Đông Hưng (chuyên làm các loại đàn dân tộc Việt Nam), đến nhà chơi với các chị, thấy tôi
có giọng hát hay, thích âm nhạc, nên đề nghị dắt tôi đến nhà thầy Nguyễn Hữu Ba, ở đường Nguyễn Thiện Thuật để xin học đàn, lúc đó tôi khoảng chừng 11, 12 tuổi.

Khi tôi đến, thì thấy có một cô gái gầy gầy, tóc thả dài ngang lưng, mặc bộ áo dài trắng có huy hiệu trên áo và một người con trai trong y phục học sinh quần xanh
áo trắng theo bố, bước ra cổng…

Lúc đó, tôi chưa biết Hoan và Trường, vì mình là lính mới tò te, chưa biết đàn tranh, đàn tỳ bà, chưa bao giờ nhìn thấy một cây đàn dân tộc nào hết, nói tóm lại
cứ đi theo anh bạn của chị đến nhà thầy Nguyễn Hữu Ba mà không biết sẽ được học đàn gì…gì gì cả.

Hoan và Trường vừa ra khỏi cửa, thầy Ba quay sang chúng tôi, anh Đông giới thiệu xin ghi danh cho tôi học đàn, thầy Ba vui vẽ nói là đúng lúc học để chuẩn bị thi
vào trường Quốc Gia Âm Nhạc luôn.Năm đó trường vừa dọn tới đường Nguyễn Du và đang cho ghi danh nhạc sinh để thi tuyển vô..

….


Thời gian trôi qua, tình bạn chúng tôi lớn dần theo năm tháng, bao nhiêu biến chuyễn trong trường, bao nhiêu đổi thay của thời cuộc. Trường đã được điều hành qua
các vị giám đốc Nguyễn Phụng, Đỗ Thế Phiệt, Nghiêm Phú Phi cho đến ngày tôi rời trường để đi sang nhà người ta tháng 1 năm 1975…

Ngày tôi ra phi trường, Hoan đã tiển chân tôi với những lời nói mà không bao giờ tôi quên… Oanh đi, quê hương Việt Nam mất đi một nhân tài….. nhưng tôi đã trả
lời …Oanh sẽ không bao giờ quên ngày hôm nay, và ở xứ người, nếu Oanh không làm được gi cho âm nhạc dân tộc, Oanh sẽ không trở về để gặp lại Hoan.

Qua những lá thư liên lạc với nhau, Hoan hay kể cho tôi nghe những gì xảy ra ở trường, và hay nhắc đến ‘ đám’  học trò của tôi gần 50 em, lớn nhõ đủ cở, buồn
hiu hắc từ khi cô giáo đi xa, các em hay ngồi ở bực thang cấp trước lớp chứ không còn tung tăng chạy nhảy đùa dỡn hoặc chạy qua lề đường dinh độc lập có những cây me thật to, trái chín rất ngon
rớt xuống đất, để lượm về cho tôi ăn như thuở nào.


                               
                  

Buổi ra mắt HOA SIM ở khuôn viên Đại Học Văn  Khoa:

Phạm Thúy Hoan, Phương Oanh, Ngọc Dung, Ngọc Anh.

Khi tôi viết những giòng chữ này, không biết Hồ Thụy Trang, Thùy Dương, Phương Ninh, Kim Uyên, Kim Hiền có còn nhớ những kỷ niệm này không…

Các em tôi vừa nhắc tên hiện nay cũng đã trở thành thầy giáo giỏi ở Pháp, Canada, Úc….hoặc là người trách nhiệm một trung tâm văn hoá Việt Nam ở xứ
người.

Tôi cứ nhớ hoài, anh Nguyễn văn Đời nói với tôi là tại sao Oanh không đem nhóm con nít của Oanh theo luôn?..Nhưng sau khi số học trò của tôi được chia đều cho các
giáo sư, họ đã rất ngạc nhiên vì các bé mặc dù nhỏ, học rất giỏi và có căn bản về nhạc lý vững vàng, nên các thấy cô không vất vã khi dạy đàn chúng.

Những học trò giỏi này cũng đã được qua tay thầy giáo Phạm Thúy Hoan uốn nắn tiếp, khi tôi rời xa trường.

Hơn 20 năm sau, lần trở về đầu tiên, sau khi thăm mẹ, tôi đã tìm đến thăm Hoan để nhắc lại những lời mà Hoan đã nói khi chia tay nhau năm nào và nói…Hôm nay,
Oanh hảnh diện đứng trước bạn mà không hổ thẹn mình không làm được gì cho âm nhạc dân tộc Việt Nam ở xứ người.

Tôi đã kể cho Hoan nghe việc tôi làm ở Pháp thế nào để làm sống dậy tinh thần yêu dân ca, học nhạc cổ đối với sinh viên Việt Nam và phong trào về nguồn văn hoá
dân tộc đã phát động mạnh với các hội đoàn Việt Nam tại đây cũng giống như việc Hoan và tôi đã khơi mạch cho làn sóng yêu thích học đàn tranh, dân ca và nhạc cổ đến học sinh, sinh viên trong nước
của những năm 1964, 65 thuở nào.

Lúc đó, với tuổi trẻ, với bầu nhiệt huyết hăng say của những cô giáo mới ra trường, Hoan và tôi đã lập ra nhóm HOA SIM, gồm năm cô gái (Phạm Thúy
Hoan, Phương Oanh, Quỳnh Hanh, Ngọc Dung và Huyền Trân, sau đó có thêm Ngọc Anh, nên Hoa SIM năm cánh trở thành sáu cánh). Dó đó, trong Hoa Sim, Hoan lo lắng mọi việc nội bô, còn tôi thì lo việc
bên ngoài cho Nhóm. Mỗi khi trình diễn,trên sân khấu cả một khung trời màu tím đằm thắm, dịu dàng của nhóm đàn tranh với những cô gái mảnh mai, duyên dáng.

Dù thời gian,không gian có thay đổi,  nhưng lòng yêu
nhạc dân tộc luôn tìm ẩn trong lòng. Dù ở trong nước, dù ở xứ người, chúng tôi vẫn cùng nhìn về một hướng là làm cho âm nhạc dân tộc được tiếp nối, được phát triễn, được phổ biến với những hình
ảnh tươi đẹp, nhưng không mất đi cái phong cách thuần túy nguyên vẹn dòng nhạc quê hương.

Ngày hôm nay, mỗi khi gặp Hoan, tôi rất cảm động, thấy bạn làm việc cũng như mình, không nệ hà gian khổ, Tiếng Hát Quê Hương càng ngày càng phát triển mạnh đến
mọi tầng lớp trong xã hội, và lan qua các nước trong những kỳ đại hội Đàn Tranh.

Ở Saigon, nếu không có Câu Lạc Bộ Tiếng Hát Quê Hương, thì âm nhạc dân tộc sẽ đi về đâu, khi nền tân nhạc trong nước đã bị ngoại hóa quá mạnh và người ta cũng có
chiều hướng đi xa dần văn hoá dân tộc. Ở ngoài nước, bên Pháp có Trường Âm Nhạc Dân Tộc Phượng Ca, bên Cali với Đoàn Lạc Hồng  (Nguyễn Văn Châu – Nguyễn Thị Mai),  ở  San Jose có
Đoàn Tiếng Vọng Quê (Ngọc Dung), và còn nhiều hội đoàn, ban nhạc dân tộc ở khắp nơi trên thế giới đã làm sống âm nhạc cổ truyền Việt Nam thực sự.


Những năm gần đây, với hệ thống internet, việc thông tin dễ dàng đến với mọi người, nên ai cũng có thể lên mạng để xem, nghe và bắt liên lạc với nhau, nên âm nhạc dân tộc lại được phổ biến rộng
rải hơn.

Nhờ hoạt động thông tin này, mà tôi có thể nhìn thấy Hoan bất cứ khi nào, và có thể liên lạc với Hoan bất cứ lúc nào.

Vài dòng khơi lại kỹ niệm xưa với bạn, tôi thật vui khi thấy Hoan đã được 70 tuổi, luôn khoẻ mạnh, hăng say trong việc trao truyền nét nhạc dân tộc đến thế hệ trẻ
qua các sáng tác của mình và nhất là đã có Hải Phượng, Hải Yến, hai con gà nòi của Hoan đã tiếp nối con đường nghệ thuật Hoan đi, sẽ đi xa hơn nữa qua tiếng đàn, qua đôi bàn tay vàng trời cho từ
trong bụng mẹ…

Và nhất là có cô học trò cưng Khánh Vân đã lo lắng trong ngoài cho căn nhà Tiếng Hát Quê Hương trên mạng luôn luôn tươi mát và đầy sáng tạo….


Viết tặng Hoan, mừng ngày lên lão 70.
Taverny ngày 12/6/2012.
Phương Oanh   
 

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.