Phỏng Vấn cô Phương Oanh (2)

 

 

Việt Hải: Xin cô cho biết ít chi tiết về nhóm Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc mà cô đã thành lập.

 

GS Phương Oanh: Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc được thành lập tại Sài Gòn vào năm 1967.
Năm 1976 tại Pháp, cùng với cây đàn tranh, với mái tóc dài cô cũng đã chinh phục khán giả Việt Nam ở Pháp, để tạo lại phong trào học đành tranh, học hát dân ca và bắt đầu cho mọi người biết tới
Phượng Ca. Sau khi ổn định cuộc sống tại Pháp, cô thấy việc tái lập Phượng Ca rất cần thiết để cho sinh viên và trẻ em Việt Nam sinh và lớn lên tại đây có môi trường đến với âm nhạc dân tộc, cũng
như những người địa phương muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam qua âm nhạc có thể đàn hay hát được nhạc cổ truyền Việt Nam. Năm 1978 Phượng Ca đã có nhiều người trẻ Việt Nam theo học. Tới năm 1980,
Phượng Ca chính thức có giấy phép hoạt động với tên trường âm nhạc truyền thống Việt Nam tại Âu Châu cho đến bây giờ.

Thời gian hơn 40 năm hoạt động tại Pháp, Phượng Ca đã có một chỗ đứng rất quan trọng trong lãnh vực giáo dục. Trường âm nhạc dân tộc Phượng Ca được chính phủ công nhận là trường nhạc dân tộc duy
nhất tại Pháp với chương trình giảng dạy đàn tranh đã có chính thức trong bộ văn hóa giáo dục. Và đàn tranh cũng đã được dạy trong 3 nhạc viện Sevran, Villepinte (phía Bắc Paris), và Antony (phía
Nam Paris).

 

phong-van-3-copie-1.JPG

 

Việt Hải: Xin cô cho biết thêm chi tiết về câu châm ngôn “một truyền thống đang được tiếp nối” cũng như ý nghĩa của cái tên Phượng Ca. PHƯỢNG CA DÂN CA QUỐC NHẠC một truyền thống đang được tiếp
nối phỏng vấn

 

GS Phương Oanh: Phượng Ca được chọn làm tên như chim Phượng, lấy màu vàng làm màu áo để nhớ mình là dân da vàng. “Một truyền thống đang được tiếp nối” là châm ngôn của Phượng Ca đã nói lên công
việc của Phượng Ca rồi. Đó là gìn giữ, phát huy, bảo tồn và phổ biến âm nhạc dân tộc đến với mọi từng lớp người trong xã hội.

 

Việt Hải: Khác với ở Hoa Kỳ khi nhạc cổ truyền Việt Nam chỉ được dạy qua loa vài buổi để nâng cao kiến thức cho các nhạc viên. Ở Pháp, thì các học viên có thể chuyên ngành về đàn Tranh với các
bằng cấp từ cử nhân (bachelor), thạc sĩ (master), đến cả tiến sĩ (Phd) về đàn tranh. Có thể nói chỉ có ở Pháp thì bộ môn đàn tranh mới có một chỗ đứng giá trị và ý nghĩa, vì ngay cả Việt Nam cũng
chưa có bằng cấp tiến sĩ về đàn tranh? Để giữ cho cây đàn tranh Việt Nam có một chổ đứng giá trị trong nhạc viện Pháp ắt phải trãi qua nhiều khó khăn và nhiều chông gai phải không cô?

 

GS Phương Oanh: Những năm đầu cô cũng gặp khó khăn đôi chút vì ngôn ngữ, vì không quen biết ai, nhưng tiếng đàn tranh nhẹ nhàng êm ái đã đưa mọi người đến gần mình hơn, qua đó, sự liên hệ cũng
trở nên dễ dàng hơn, và nhất là nhờ những buổi trình diễn có tính cách quốc tế, không thu gọn trong phạm vi chỉ dành riêng cho người Việt đã cho đàn tranh có chổ đứng tốt đẹp hơn. Pháp là một
nước có nền văn hóa lâu đời trên thế giới, họ rất chú trọng đến nghệ thuật. Ở Paris, có những trung tâm văn hóa quốc gia quy mô như các viện bảo tàng Musée de l’homme, Musée d’Orsay, Musée quai
de Branly, v.v. đã có chưng bày các tài liệu, nhạc cụ, vật dụng xa xưa của các nước trên thế giới và nhiều thư viện, lớn cũng như nhỏ, nơi đó, chúng ta có thể tìm được tài liệu về văn hóa của xứ
mình. Đại học Sorbon, đại học Nanterre có nghành học về nhân chủng học, âm nhạc học, đã đào tạo những nhà nghiên cứu chuyên môn trong lãnh vực này. Song song với đại học,bộ văn hoá giáo dục Pháp
cũng tổ chức những kỳ thi lấy bằng cấp giáo sư quốc gia chuyên môn, nâng cao trình độ giáo sư của các nhạc viện cho các nhạc cụ. Đàn tranh và các nhạc cụ khác như đàn bầu, đàn nhị hay ca Trù cũng
đã có người trình luận án tiến sĩ, thạc sĩ…


Với bằng cấp “Giáo sư quốc gia Pháp” về âm nhạc truyền thống Việt Nam và hơn 40 năm dạy đàn Tranh khắp nơi từ Pháp qua các nước lân cận như Bỉ, Hoà Lan, Thuỵ sĩ, Đức… Cô đã làm cho đàn tranh xuất
hiện và nhiều người bản xứ cũng theo học. Từ hơn 20 năm qua, đàn tranh cũng được học sinh chọn làm môn nhiệm ý trong các kỳ thi tú tài.


Đàn tranh được dạy trong nhạc viện Pháp từ năm 1987. Nhạc sinh phải học nhạc lý, nhạc ngữ, phải ở trong dàn nhạc. Chương trình đàn tranh ở nhạc viện Pháp có 4 cấp:
• cấp dự bị có 2 năm học dành cho trẻ em từ 4 tuổi đến 6 tuổi.
• đệ I cấp gồm 4 năm học
• đệ II cấp gồm 2 hay 3 năm học.
• đệ III cấp gồm 2 hay 3 năm học

 

Khi học xong năm cuối của các cấp phải qua kỳ thi tốt nghiệp. Sau đệ III cấp, nhạc sinh tốt nghiệp chuyên khoa (D.E.M. – xin coi định nghĩa của D.E.M. trong journal officien của bộ văn hoá), nếu
muốn tiếp tục để trở thành chuyên nghiệp sẽ phải thi thêm bằng cấp diệu tài (Perfectionnement), thì nhạc sinh mới có thể trở thành thầy giáo dạy đàn tranh chính thức.


Việt Hải: Không chỉ tuổi trẻ ngày nay, mà đa số khán giả Việt Nam cho rằng đàn tranh nói riêng hay nhạc cổ truyền nói chung, là nhạc của người già, của một thời đại đã qua, đã lỗi thời. Cô có ý
nghĩ gì cho nhận định này?

 

GS Phương Oanh: Câu hỏi này của Việt Hải làm cô nhớ lại khi mới định cư ở Pháp, cũng có người đã nói, công việc cô làm đã không còn phù hợp với xã hội đang sống (1979). Vì trong khi mọi người đã
theo nhau để chạy theo mới thì cô lại vẫn cố duy trì cái việc dạy đàn tranh cũ này. Âm nhạc dân tộc là tiếng nói riêng của một nước, những ai chối bỏ âm nhạc dân tộc, có nghĩa là đã chối bỏ con
người VN của mình. Cô có những người bạn, ngày xưa cùng dạy ở nhạc viện Saigon về các bộ môn nhạc lý hay đàn dương cầm, vĩ cầm..v.v.., khi đã định cư ở nước ngoài, họ đã phải làm luận án lại với
âm nhạc dân tộc, để lấy bằng cấp tương đương mới có thể được làm việc.


Với những người trong ngành giáo dục thì mới cảm thấy việc gìn giữ âm nhạc dân tộc ở xứ người là điều quan trọng, còn phần đông, hầu như ai ai, cũng chạy theo âm nhạc hiện đại. Còn nếu trình diễn
nhạc cổ thì phải hiện đại hoá cho phù hợp với xã hội. Tại sao tuổi trẻ hay đại đa số khán giả Việt Nam không thích nhạc cổ? Điều này cũng dễ hiểu thôi. Cây đàn tranh có 16, 17 dây, với hệ thống
năm nốt nhạc, không đủ để đàn tất cả những bài tân nhạc (phải chuyển từ ton
này sang ton kia. Mỗi lần thay đổi ton, phải xê xích con nhạn và trong khi đàn nhiều khi con nhạn bị đổichỗ bị lạc ton). Tại Pháp, qua các buổi văn nghệ do các tổ chức văn hoá địa phương, các hội
đoàn tổ chức, đàn tranh, dàn nhạc dân tộc VN với các nhạc cụ như đàn Tranh, đàn Nguyệt, đàn Nhị, đàn tỳ bà, sáo, bộ gõ, hay đàn Trưng, đã lôi cuốn khán giả theo dõi say mê. Và sau mỗi buổi hoà
nhạc, chắc chắn, Phượng Ca lại có những học viên mới xin ghi tên học. Phượng Ca đã lôi cuốn được khán giả thích thú tham gia hát theo những bài hát ngắn và dễ thuộc. Trong chương trình, những bài
dân ca, những bài độc tấu, song tấu đã đem đến cho khán giả thấy được nét đẹp của âm nhạc Việt, dễ nghe nhưng không nghèo nàn cách diễn tấu, đơn sơ nhưng không mất đi sự đậm đà của tình tự dân
tộc, mộc mạc nhưng không mất đi sự trang nhã của đồng phục mình mặc… Phượng Ca đến với khán giả qua chương trình có tính cách văn hoá Việt Nam thật sự, qua đó, người xem có thể thấy được nét
đẹp về tập quán, phong tục của mình.

 

Việt Hải: Hơn 40 năm hoạt động gìn giữ và trùng tu nhạc cổ truyền tại Pháp, cô thấy có những gì khó khăn không?

 

GS Phương Oanh: Gần 45 năm hoạt động để gìn giữ và phổ biến nhạc cổ truyền tại Pháp, việc phải gặp nhiều khó khăn lúc đầu luôn luôn có. Nhưng với ý chí, với mục đích và lòng đam mê, thì mình có
thể gở được những khó khăn đó.

Ví dụ, những thời gian đầu, khi trình diễn, hay bị trục trặc về hệ thống âm thanh, khán giả chưa biết tới cây đàn, âm nhạc dân tộc Việt Nam, thì mình phải giải thích để họ hiểu. Ngươì Pháp có
trình độ thưởng thức âm nhạc rất cao đã từ lâu. Nhất là về nghệ thuật, họ rất quí trọng. Do đó, đàn tranh nói riêng, nghệ thuật cổ nói chung đã được người địa phương đón nhận và cũng được sự nâng
đỡ của chính quyền trong việc gìn giữ và bão tồn.

 

Việt Hải: Ngoài những khó khăn, ắt phải có những niềm vui? Cô có thể chia sẽ với quý độc giả được không?

 

GS Phương Oanh: Phượng Ca có những kỷ niệm khó quên khi đi trình diễn qua các tỉnh của Pháp vào những dịp hội hè… Các đại hội âm nhạc dân tộc, các buổi diễn dẫn giải cho trẻ em các trường
học… đặc biệt năm 1988, ngày trình diễn trước Đức Thánh Cha Jean Paul II ở đại thính đường Vatican ở Rome nhân đại lễ phong thánh cho các Thánh Tử Đạo VN là một kỷ niệm không bao giờ quên trong
cô. Trong 1 tuần lễ, người Việt công giáo trên thế giới đã tới Rome dự lễ. Ra ngoài đường, đi đâu cũng nhìn thấy người Việt, làm cô có cảm tưởng như mình đang ở thành phố Saigon trong cái nóng
nực, mồ hôi nhuễ nhoại và cái nắng cháy da. Ở Pháp, tháng 7, có đại hội về âm nhạc và kịch tại tỉnh Avignon. Nơi này hằng năm các nghệ sĩ chuyên nghiệp đã tìm đủ cách để được diễn tại đây. Đây là
mùa diễn rất quan trọng, vì những nhà tổ chức khắp nơi ở âu châu đã đi xem và chọn lựa ban kịch, ban nhạc để chuẩn bị cho năm sắp tới của rạp hát của mình.


Việt Hải: Cô có ước mơ gì cho nhạc cổ truyền Việt Nam tại hải ngoại?


GS Phương Oanh: Vì đã dạy ở nhạc viện Saigon, nên khi tái lập Phượng Ca năm 1978 tại Pháp, cô rất mong, cây đàn tranh sẽ được một chỗ đứng trong nhạc viện ngang hàng với các nhạc cụ khác… cho
nên cô luôn khuyến khích các học viên phải ghi danh học nhạc lý và 1 nhạc cụ trong nhạc viện. Vì kiến thức âm nhạc rất cần thiết cho họ. Ngày nay, ước mơ
này đã thành sự thật khi cây đàn tranh được có mặt trong nhạc viện và đã có những người tốt nghiệp với bằng cấp nhạc viện Pháp với cây đàn tranh, hiện nay đã thay thế cô dạy đàn tranh trong nhạc
viện. Và một mong ước nữa là mọi người đều có thể hát được một số những bài dân ca phổ thông Việt Nam cũng như người bản xứ.


Việt Hải: Cô có nhắn nhủ gì cho các học viên đàn tranh hay âm nhạc cổ truyền nói chung trong dịp đầu xuân 2012?


GS Phương Oanh: Nhân dịp đầu năm, cô xin chúc các bạn học đàn tranh, dù là người VN hay ngoại quốc, sẽ có được ngón đàn hay và có tâm hồn việt trong tiếng đàn.


Việt Hải: xin cám ơn cô và cũng xin thay mặt tuần báo Người Việt Ngày Nay, kính chúc cô và Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc một năm mới nhiều niềm vui, có thêm nhiều cánh Phượng tham gia học đàn, cũng
như gặt hái thêm nhiều thành quả trong công việc phổ biến cổ nhạc Việt Nam tại xứ người.


Quý độc giả nếu muốn biết thêm chi tiết về giáo sư Phương Oanh hoặc Phượng Ca có thể vào trang web http://www.phuongca.org
Việt Hải
Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Hướng Việt
http://www.vietmelody.org

phong-van-4.JPG

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.