2017 05 22 Nguyệt San Ngày Mới phỏng vấn Kim Uyên

Chuẩn bị Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam lần thứ IV tại « kinh đô ánh sáng Paris » , Phượng Ca xin được giới thiệu người khởi xướng phong trào đã không quãn ngại gian lao, mong ước mình có thể làm gạch nối để nối liền những người cùng chí hướng ở khắp nơi cùng nhau góp sức để gìn giữ âm nhạc truyền thống của dân tộc không bị mất gốc, không bị biến dạng, không bị đồng hoá bỡi những giòng nhạc khác, nhưng vẫn tiến triển theo xã hội hiện đại và hội nhập vào môi trường sống của người dân dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Cũng như các lần Đại Hội trước, mục đích của Đại Hội lần IV là:
► trau giồi kinh nghiệm giảng dạy, trình diễn và học hỏi về âm nhạc truyền thống
► kết chặt tình thân giữa các tổ chức, các nhóm nhạc dân tộc Việt Nam trên khắp thế giới
► phổ biến, duy trì và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam

Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam do Nghệ sĩ đàn tranh Kim Uyên khởi xướng thành lập vào tháng 7 năm 2011 và được tổ chức cứ mỗi hai năm một lần luân phiên khắp nơi trên thế giới, nhằm mục đích bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống của đất nước.

-Đại Hội lần thứ I đã diễn ra vào năm 2011 tại Mississauga, Toronto, Canada.

-Lần thứ II vào năm 2013 tại Seattle, Washington, USA.

-Lần thứ III vào năm 2015 tại Bank town (Sydney) và Victoria (Melbourne), Australia.

Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam lần thứ IV sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm 2017 tại Paris, Pháp quốc do Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc, trường âm nhạc dân tộc do giáo sư Nhạc sĩ Phương Oanh đứng ra tổ chức.

Đây là cuộc hội ngộ Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam lần thứ IV giữa các nghệ sĩ, giáo sư, nhạc sĩ đến từ nhiều miền khác nhau trên thế giới. Nhân dịp này Nghệ sĩ Kim Uyên sẽ cùng các nghệ sĩ, nhạc sĩ sang Pháp tham dự Đại Hội.

Lê Trân (tập san Ngày Mới Paris) : Chào chị Kim Uyên,

Hân hạnh được tiếp chuyện với chị nhân dịp Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam lần thứ IV tại Paris do Giáo sư Phương Oanh tổ chức

Nghệ sĩ Kim Uyên : Dạ xin cám ơn quý tập san Ngày Mới Paris, đã tạo điều kiện cho Kim Uyên có cơ hội trình bày về chương trình Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống lần thứ tư sắp diễn ra tại Paris vào ngày 20-22 tháng 7, 2017.

Diễm Thy (tập san Ngày Mới Paris) : Động cơ nào đã thúc đẩy chị thành lập Đại hội Âm nhạc Truyền thống Hải ngoại ?

Nghệ sĩ Kim Uyên : Động cơ đã thúc đẩy Kim Uyên nghĩ đến việc thành lập Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống. Do chính từ kinh nghiệm bản thân, Kim Uyên nghĩ không chỉ riêng cá nhân Kim Uyên mà còn rất nhiều người cùng có tâm nguyện như Kim Uyên, sau khi hiểu được nhạc truyền thống Việt nam mình thật hay,  nếu không được gìn giữ và phát triển thì một ngày nào đó sẽ bị mai một đi, do vậy ý tưởng thành lập Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống đã thôi thúc Kim Uyên và ý nghiã của việc thành lập Đại hội là kêu gọi những người yêu thích âm nhạc dân tôc, có dịp tìm đến nhau để trao đổi, lắng nghe và có thể đi xa hơn nữa là thống nhất chung với nhau, về những gì có liên quan đến âm nhạc dân tộc, ví dụ cụ thể là đàn hát chung với nhau,trao đổi những thắc mắc, hoặc cùng giải quyết với nhau những ưu tư , truyền đat những kinh nghiêm hoặc chia xẻ những suy nghĩ làm sao để giử gìn nguyên vẹn bản sắc  chung của âm nhạc dân tộc, nhưng bên cạnh đó vẫn phát triển thêm những sáng kiến mới, để sao cho nền âm nhạc dân tộc ngày một phong phú hơn để có thể tiếp bước và duy trì âm nhạc dân truyền thống Việt Nam nơi hải ngoại.

Lê Trân (NM) : Là sáng lập viên chương trình Đại hội Âm nhạc Truyền thống Hải ngoại lưỡng niên, chị cho biết cảm nhận của mình đối với đại hội lần này.

Nghệ sĩ Kim Uyên : Kim Uyên rất vui vì thấy được việc làm của mình có đươc nhiều sự hỗ trợ của tất cả các Thầy Cô kính yêu trong cũng như ngoài nước, nhưng đặc biệt lần nầy Kim Uyên đã được  sự hỗ trợ của chính người đã đưa Kim Uyên đến với cây đàn Tranh, đến với âm nhạc tuyền thống, đó là người Thầy và cũng là người Mẹ nuôi của Kim Uyên Giáo sư Phương Oanh, Kim Uyên hy vọng với tài tổ chức và nhiều kinh nghiệm của Giáo sư Phương Oanh cùng với tất cả những thành viên của nhóm Phượng Ca ví dụ như quý Anh, Chị có tên là  Lý Diệu Sang, Ngọc Dung, Vân Anh, Thùy An, Võ Quang Long v…v..  hiện đang nổ lực làm việc để chuẩn bị cho  Đại Hội lần thứ tư tại Paris.

Kim Uyên tin tưởng  với sự giúp đỡ của tất cả quý cơ quan truyền thông tại Pháp như quý tập san Ngày Mới Paris , đại hội làn thứ tư sẽ thành công vượt trội.

Diễm Thy (NM)) : Chị có thể chia sẻ cho độc giả về cảm nghĩ của mình qua ba kỳ đại hội vừa qua.

Nghệ sĩ Kim Uyên : Như Kim Uyên đã trình bầy qua, Kim Uyên rất vui vì thấy được việc làm của mình có đươc nhiều sự hổ trợ của tất cả các Thầy Cô kính yêu trong cũng như ngoài nước và Kim Uyên mong ước những tiếng vang về chương trình Đại hội sẽ là động cơ thôi thúc cho những tâm hồn luôn sống và hy sinh cho âm nhạc truyền thống sẽ cùng nhau giữ gìn và phát triển âm nhạc truyền thống Việt nam luôn giữ đúng phương châm luôn phát triển nhưng không bị mất đi văn hóa cội nguồn..

Lê Trân (NM) : Duyên nào đưa chị đến với cây đàn tranh ?

Nghệ sĩ Kim Uyên : Kim Uyên đã có duyên đến với đàn Tranh khi được « Mẹ nuôi là Giáo sư Phương Oanh » truyền đạt khi vừa 6 tuổi, nhờ có năng khiếu Kim Uyên đã sớm thành công và không chỉ vì hình ảnh gương mẫu của Giáo sư Phương Oanh mà còn những người Thầy Cô mẫu mực khác đã có công truyền dạy cho Kim Uyên như Giáo sư Nguyễn Hữu Ba, Phạm Văn Nghi, Tuyết Hương, Nguyễn Văn Đời, Giáo Sư Phạm Thuý Hoan v…v…   Kim Uyên luôn tâm niệm sẽ không làm phụ lòng những người Thầy, Cô kính yêu của mình.

Diễm Thy (NM) : Giáo sư Phương Oanh, « người nắm phần hồn âm nhạc truyền thống Việt Nam tại hải ngoại« .

Ngoài ra giáo sư Phương Oanh còn được mệnh danh là một người thầy tận tâm với môn sinh, đã đào tạo được rất nhiều những nghệ sĩ đàn tranh thành công và có tên tuổi trong lĩnh vực này.

Từng là « học trò » của giáo sư Phương Oanh, chị cho biết những cảm nghĩ về người thầy của mình.

Nghệ sĩ Kim Uyên : Kim Uyên được nuôi dạy rất kỷ lưỡng, nghiêm khắc, tuy thời gian không lâu, nhưng ảnh hưởng của Giáo sư Phương Oanh thật rõ ràng trong việc trau giồi kiến thức về âm nhạc truyến thống của mình, Giáo sư Phương Oanh đã cho Kim Uyên hiểu được và luôn xác định hướng đi của mình, luôn sống và trân trọng những gì mình đang làm. Kim Uyên nhớ mãi câu nói một lần Giáo sư Phương Oanh đã giành cho mình trước khi đi thi, cho dầu sau nầy Kim Uyên đã trưởng thành : « Má kỳ vọng nơi con ! »

Lê Trân (NM) : Nếu âm nhạc nói chung là nghệ thuật dùng ngôn từ là âm thanh để diễn đạt những tình cảm, cảm xúc của con người thì âm nhạc dân tộc là âm thanh diễn tả tâm hồn, văn hóa, trí tuệ của dân tộc.

Là một nghệ sĩ đàn tranh, chị đã có những cảm xúc như thế nào khi trình diễn âm nhạc truyền thống ?

Nghệ sĩ Kim Uyên : Chứng minh cho những người của các dân tộc khác hiểu được,  âm nhạc Việt nam có những nét độc đáo riêng, các bậc Thầy,  Cô và hiện nay Kim Uyên cũng đang làm công việc truyền dạy , một công việc « Giữ Lửa » duy trì và phát triển âm nhạc truyền thống, giữ được vốn cổ nhưng luôn tìm tòi phát huy những sáng kiến mới. 

Kim Uyên mong ước sao tất cả các bạn trẻ thấy được điều nầy và đây là những cảm xúc khi Kim Uyên đem tiếng đàn tiếng hát của mình trình diễn những bài nhạc thật cổ truyền chân phương song song bên cạnh là những bài nhạc với những phong cách mới nhưng vẫn luôn giữ gìn những gì thuộc về âm nhạc truyền thống. 

Diễm Thy (NM) : Dòng âm nhạc truyền thống Việt Nam có 11 di sản văn hóa phi vật thể : Nhã nhạc cung đình HuếKhông gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – Dân ca quan họ Bắc Ninh – Ca trù – Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền SócHát XoanTín ngưỡng thờ cúng Hùng VươngĐờn ca tài tử Nam BộDân ca Ví, Giặm Nghệ TĩnhNghi lễ và trò chơi kéo coThực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO vinh danh là di sản thế giới.

Sau khi các di sản âm nhạc cổ truyền lần lượt được vinh danh trước thế giới, chị có cảm thấy ưu tư, sợ rằng « vốn quý » này đang dần bị mai một trong đời sống cộng đồng ?

Nghệ sĩ Kim Uyên : Ông Bà mình thường nói « Sóng trước sao, Sóng sau vậy ». Kim Uyên tin tưởng với những tâm huyết của các bậc Thầy đã đào tạo ra Kim Uyên hôm nay thì (nói có vẻ hơi tự cao một chút!), Kim Uyên tin là sẽ có nhiều bạn trẻ khác như Kim Uyên xuất hiện. Nói một cách khác là làm bất cứ chuyện gì chúng ta nên luôn có ước mơ, sự tin tưởng,thì mới đạt được những gì mình mong muốn như người Anh có câu  « dreambelieveachieve ».

Lê Trân (NM) : Giữ gìn bản sắc là vấn đề sống còn của âm nhạc dân tộc cổ truyền trong bối cảnh toàn cầu hoá, âm nhạc truyền thống dân tộc đang có nguy cơ sẽ bị mai một, theo chị, có phương thứ nào khả dĩ có thể khơi dậy nền âm nhạc dân tộc Việt Nam giúp cho quần chúng nâng cao khả năng thưởng thức các giá trị của nghệ thuật âm nhạc truyền thống để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này ?

Nghệ sĩ Kim Uyên : Phương thức học và làm việc của Kim Uyên rất đơn giản. Luôn có một tâm huyết trong lòng « phải làm được một  việc gì đó cho âm nhạc truyền thống Việt nam mình », chuyên cần tập luyện luôn luôn trau giồi và tìm tòi học hỏi.

Trân trọng vốn cổ, theo sát quần chúng, hiểu được họ cần gì ? luôn nhớ đặt lên vai mình trọng trách như những người truyền giảng, nếu không có những người truyền giảng chúng ta sẽ không thu hút được  mọi người đến  với nhau. Kim Uyên tin tưởng với phương châm của mình và khi truyền đạt cho những học trò của mình Kim Uyên luôn bày tỏ ý nguyện của mình, từ đây Kim Uyên tin tưởng được là âm nhạc truyền thống Việt nam mình sẽ luôn được trân trọng giữ gìn và bên cạnh vẫn có những sáng kiến mới phát triển thật vững chắc trên nền tảng truyền thống mẫu mực. 

Diễm Thy (NM) : Vốn được mệnh danh là « nghệ sĩ tài danh đàn tranh Lê Thị Kim Uyên », nhân dịp tham dự Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam lần thứ IV tại « kinh đô ánh sáng Paris », chị đã có lịch trình … sẽ giới thiệu những tác phẩm qua tài nghệ sở trường của mình, làm sống động dòng âm nhạc truyền thống dân tộc đến cộng đồng Việt Nam và bạn bè quốc tế tại Paris ?

Nghệ sĩ Kim Uyên : Dạ có, chắc chắn Kim Uyên sẽ trình bày và giới thiệu những sáng tác vừa mới viết gần đây qua 2 CD có tựa đề là  Tìm Về và Những Giấc Mơ.

  Kim Uyên sẽ giải thích ý nghĩa tại sao Kim Uyên vận dụng  những kỷ thuật mới vào những tác phẩm cho đàn Tranh của mình. 

Châm ngôn làm việc của Kim Uyên là dùng những vốn sẳn có của những bậc tiền nhân, sáng tạo thêm những gì của riêng mình để góp phần làm phong phú thêm vào kho tàng âm nhạc truyền thống Việt nam.  

Đại diện cho tập san Ngày Mới và độc giả tại Paris, thành thật cảm ơn chị đã dành cho chúng tôi buổi tiếp chuyện kỳ thú này.

Lê Trân & Diễm Thy

tập san Ngày Mới Paris

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.