Ngày Mới phỏng vấn Phương Oanh.

DH AN TT VN Paris x

 Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Lần thứ IV được tổ chức tại « kinh đô ánh sáng Paris »  thủ đô nước Pháp do giáo sư Phương Oanh cùng trường Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc tại Paris tổ chức vào tháng 7 năm 2017.

Đại Hội  sẽ quy tụ các giáo sư nhạc sĩ trên thế giới về tham dự nhằm bảo tồn và phát huy Âm Nhạc Truyền Thống VN tại hải ngoại.

                                                        PO f x

              Giáo sư Phương Oanh,

                        « người gieo mầm âm nhạc truyền thống Việt Nam nơi xứ người« .

Gs Phương Oanh tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn năm 1962. Năm 1964-1975 dạy nhạc tại Nhạc Viện Quốc Gia Cao Đẳng Sài Gòn.

Nhạc viện Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc do Gs Phương Oanh thành lập năm 1969 tại Saigon cùng với các nhạc sĩ như Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang … đã khơi dòng chảy âm nhạc dân tộc vào các học đường, các trường đại học và còn tiếp nối hoạt động tại hải ngoại cho đến hôm nay. Phượng Ca đã có một chỗ đứng rất quan trọng trong lãnh vực giáo dục tại Pháp.

Là giáo sư quốc gia tốt nghiệp ở Strasbourg, Phương Oanh đã được ban giám đốc của các Nhạc viện quốc gia Pháp : Antony 9216 (Nam Paris) – Sevran, Villepinte 93 27 (Bắc Paris) lựa chọn vào vị trí giảng dạy nhạc Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam. Đàn tranh đã được dạy trong 3 nhạc viện này.

Sau một thời gian ổn định, năm 1978 Phượng Ca đã có nhiều người trẻ Việt Nam theo học. Năm 1980, Phượng Ca chính thức có giấy phép hoạt động với tên viện Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam tại Âu Châu cho đến bây giờ. Nhạc viện Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc đã được chính phủ công nhận là trường nhạc dân tộc duy nhất tại Pháp với chương trình giảng dạy đàn tranh đã chính thức có trong bộ văn hóa giáo dục.

Song song với việc giảng dạy tại nhạc viện, gs Phương Oanh đã cùng Phượng Ca trình diễn nhạc truyền thống Việt Nam khắp mọi miền từ tòa thánh Vatican đến viện Bảo tàng Boston ở Hoa Kỳ, Nouvelles Orléans đến Trung Phi, Canada … còn tham gia các lễ hội âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn trong và ngoài nước.

Với gần 50 năm hoạt động nghệ thuật từ quốc nội đến hải ngoại, giáo sư Phương Oanh (Võ Quang Phương Oanh) đã đạt nhiều thành tựu trong nhiều lĩnh vực : giảng dạy, nghiên cứu, sau nhiều năm dầy công khảo cứu đã xuất bản bộ sách giáo khoa giảng dạy đàn tranh. Truyền thông luôn luôn là người bạn trung thành với các nhà nghiên cứu & sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo âm nhạc, một lĩnh vực rất nhạy cảm, có sự lan tỏa rất rộng lớn trong đời sống xã hội của những người đã và đang âm thầm, nỗ lực vì một nền âm nhạc truyền thống Việt Nam, đậm đà bản sắc dân tộc nên ngoài ra, giáo sư Phương Oanh còn soạn nhạc, sáng tác và, phối nhạc cho nhóm và thiết lập các hình thức khác nhau của nghệ thuật biểu diễn Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam, bao gồm các hình thức mới của dàn hợp xướng trong âm nhạc truyền thống.

Từng được trao tặng Huân Chương Vàng Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Á Châu (1988) cho những cống hiến mà cô dành cho nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Năm 1994, Huân Chương Công Trạng Hoa Kỳ cho những thành công trong việc truyền bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ở giới trẻ.

Thành quả đã đạt được của PHƯỢNG CA : Gs đã đào tạo hằng trăm nghệ sĩ nổi tiếng cho bộ môn âm nhạc truyền thống như nghệ sĩ đàn tranh Kim Uyên (giải nhất đàn tranh toàn quốc năm 1984, hiện là cố vấn viên cho Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Hướng Việt), các giáo sư đàn tranh đang giảng dạy ở các nhạc viện Pháp như Ngọc Dung,Vân Anh, và Kim Hiền, Lê Tuấn Hùng ở Úc là những kẻ đang kế thừa

           « TRUYỀN THỐNG DÂN CA QUỐC NHẠC ĐANG ĐƯỢC TIẾP NỐI »

Chào chị Phương Oanh,

Nhận được thông cáo Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Lần thứ IV được tổ chức tại Paris do chị cùng trường Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc tại Paris tổ chức vào tháng 7 năm 2017.

Xin chúc mừng chị cùng Phượng Ca.

Sau đó lại nhận được tin nhắn của chị : « Ngày Mới (anh chị Lê Trân – Diễm Thy) nhớ để dành tháng 7/2017 cho Phượng Ca : đảm nhận phỏng vấn các giáo sư, nhạc sĩ tham dự đại hội « .  

          Nghe đến hai chữ « phỏng vấn » tôi đã sợ, mà phỏng vấn đây là « tiếp chuyện » với các các giáo sư, nhạc sĩ chuyên về âm nhạc truyền thống đến tham dự Đại Hội khiến tôi càng rét đậm, mặc dầu lúc đó chúng tôi đang ở Singapour nóng đến 34° – 35°.

Tôi vội vàng : Không được đâu chị … về lãnh vực Âm Nhạc Truyền Thống chúng tôi không dám đâu!

          – Không khó lắm đâu, anh chị cứ hỏi rồi « họ » sẽ trả lời. Anh chị là « nhà báo Ngày Mới » ở Paris mà …

– « Họ » đây toàn là giáo sư nhạc sĩ chuyên về Âm Nhạc Truyền Thống, biết hỏi « cái gì » đây ?!

– Anh chị hỏi đi …

– Vậy chúng tôi xin hỏi chị trước …

Gần năm thập niên qua vốn là « con Phượng đầu đàn » nên « Phương Oanh và Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc » gắn liền nhau như hình với bóng không chỉ ở Pháp, mà ngay cả các quốc gia trên thế giới « Phượng Ca » cũng vỗ cánh bay tới để giới thiệu và phát triển âm nhạc truyền thống VN, không chỉ với cộng đồng VN hải ngoại mà đặc biệt với cộng đồng thế giới biết đến vì đó là di sản vô cùng quí báu, là tinh hoa sáng tạo nghệ thuật của bao thế hệ tiền nhân muốn truyền đạt cho hậu thế kế thừa, để phát triển nền văn hóa âm nhạc của dân tộc mà chị đã lãnh hội và đã cùng Phượng Ca tiếp nối truyền thống đó.

Trong bài này chúng tôi xin miễn phần giới thiệu, vì « Phương Oanh và Phượng Ca » đã rất quen thuộc với mọi người qua các buổi hòa Nhạc Truyền Thống VN ở mọi miền trên hoàn cầu. Điểm đặc biệt tìm thấy ở Phương Oanh & Phượng Ca mà  cộng đồng VN hải ngoại thường được biết đến : « Phương Oanh & Phượng Ca luôn ý thức vai trò và trọng trách của mình trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa & nghệ thuật trong âm nhạc truyền thống của dân tộc nơi xứ người ».      

Phải chăng Phương Oanh & Phượng Ca đã thấm nhuần câu nói của tiền nhân:

   « Mất gia phong hỏng mất một dòng họ

    Mất chính trị, hỏng một đất nước

    Mất văn hóa, hỏng muôn đời. »

  Từ nhận thức rõ về điều này, đối với di sản âm nhạc cổ truyền điều phải làm và bắt buộc phải làm là bảo tồn và phát huy, vì có phát triển và phát triển mạnh mẽ, nền âm nhạc truyền thống mới có khả năng phản ánh đời sống một cách sinh động đáp ứng nhu cầu thưởng thức của con người hiện nay nên trong suốt nhiều thập niên qua, tại hải ngoại Phương Oanh & Phượng Ca lúc nào cũng sẵn sàng tham gia các buổi văn nghệ trình diễn âm nhạc truyền thống do các hội đoàn tổ chức để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc. (lợi nhuận thường không đề cập đến).

          Riêng với Ngày Mới, Phượng Ca luôn cộng tác vô điều kiện trong các buổi văn nghệ, hòa nhạc với chủ đề « Tình thương không biên giới » nhằm gây quỹ cứu trợ cho các đồng bào tỵ nạn, các nạn nhân chiến tranh Rwanda, Kosovo, Tsunami Thailande … trợ giúp các Cô nhi viện, Chẩn y viện, Viện dưỡng lão ở VN do Ngày Mới bảo trợ.

Đó chính là « nét đẹp » qua cái Tâm mà Phượng Ca có được từ trước đến nay !

                                DH Sydneyd

Lê Trân (tập san Ngày Mới Paris) : Chị có kỳ vọng gì khi đứng ra tổ chức Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống VN Lần IV  2017 tổ chức tại Paris

Giáo sư Phương Oanh : Khi Phượng Ca nhận lời tổ chức Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Lần IV tại Pháp là tôi đã suy nghĩ rất kỹ là Phượng Ca phải làm gì để cho âm nhạc dân tộc kỳ này sau khi rút kinh nghiệm từ ba đại hội đã qua.

Phượng Ca là một trường nhạc, nên tổ chức phải phù hợp với khuôn khổ và cách làm việc của mình có nghĩa là Phượng Ca sẽ làm những khoá học-master class để các tham dự viên được học hỏi với các thầy cô chuyên ngành được mời đến. Ví dụ như học hỏi sâu hơn về nét nhạc ba miền, đây cũng là dịp để tham dự viên được trực tiếp đặt câu hỏi những thắc mắc của mình về âm nhạc dân tộc, để khi trở lại nơi mình cư ngụ, tham dự viên có thể đem về thêm kiến thức, khả năng học hỏi nhạc dân tộc về chiều sâu, chiều rộng cho mình.

Diễm Thy (NM) : Âm nhạc cổ truyền Việt Nam vốn phong phú bởi sự tích đọng những thể loại thuộc nhiều thời đại khác nhau và bởi cả tính đa sắc tộc.

Xin chị cho biết, để bảo tồn các giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống mà chị là một trong những người miệt mài làm công tác nghiên cứu âm nhạc, chị đã có những giải pháp hữu hiệu nào mang tính khả thi để truyền đạt Âm Nhạc Truyền Thống VN đến cộng đồng VN và thế giới, đặc biệt nơi các thành phần trẻ VN ở hải ngoại ?

Gs Phương Oanh : Ngày trước, khi chưa có vấn đề truyền thông tự do qua mạng internet, người ta chỉ có thể xem truyền hình, xem vidéo do các trung tâm giải trí làm, thì việc lan rộng cái hay cái đẹp, cái xấu cái tốt không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng từ lúc xử dụng được internet dễ dàng, người ta xem các thông tin, báo chí, văn nghệ trên youtube như ăn cơm bữa. Cần biết tin tức gì,  cần tìm hiểu gì, là chạy lên mạng ngay… Nhưng  internet là con dao nhiều lưỡi, không phải cái gì được để lên đều có giá trị. Phượng Ca rất thận trọng điều này.

Chúng tôi, trước khi tốt nghiệp ra trường, phải học chuyên môn gồm nhiều bộ môn, khi đã dạy học, mình cũng phải học hỏi, tìm tòi thêm để có thể thấu hiểu rỏ để cho nhạc sinh những nhu cầu cần có. Khi còn ở Saigon, gần 10 năm dạy ở nhạc viện Saigon, mỗi mùa hè, tôi đều nhìn lại cách làm việc của mình để đến năm học mới, mình rút kinh nghiệm nầy cho việc dạy học năm tới được hoàn hảo hơn. Ở bên Pháp gần 30 năm dạy ở nhạc viện, mỗi năm đều có những khóa học chuyên ngành cho giáo sư, chúng tôi đều đi học để nâng cao kiến thức âm nhạc của mình, do  đó, muốn học trò tiến bộ, giỏi, thì chính thầy giáo phải nâng cao kiến thức âm nhạc của mình trước.

Để truyền đạt Âm Nhạc Truyền Thống VN đến cộng đồng VN và thế giới, đặc biệt nơi các thành phần trẻ VN ở hải ngoại, câu hỏi anh chị đặt ra rất nặng vì việc truyền đạt đến cộng đồng VN nói riêng và thế giới nói chung là phải do cơ quan của chính phủ  trách nhiệm. Riêng chúng tôi, với lương tâm nhà giáo, người làm công việc giáo dục âm nhạc dân tộc, thì mình cứ làm, vì Phượng Ca là một tổ chức phi chính phủ tại Pháp.

Tôi thấy phần lớn, người VN không coi trọng âm nhạc dân tộc như những dân tộc khác. Thử hỏi, những người làm ngoại giao trước khi đi làm việc ở xứ người, họ có được đào tạo như những sứ giả văn hoá không?  Các toà đại sứ Trung hoa, Nhật Bản, Đại Hàn họ đầu tư rất nhiều vào văn hoá, vào âm nhạc dân tộc, nhưng Việt Nam thì không. Ở đại học, âm nhạc dân tộc là một môn trong các môn học chính thức của phân khoa ngôn ngữ,. Họ mở  lớp học nhạc cụ dân tộc, lập ban nhạc, để sinh viên được trình diễn trước khán giả những bài nhạc dân ca truyền thống. Riêng phân khoa Việt học thì không. Có một số các sinh viên trẻ tìm đến Phượng Ca, đến với âm nhạc dân tộc, cũng như có những gia đình có con còn nhỏ, cũng mong muốn cho con mình đpực học đàn tranh song song với dương cầm,vỉ cồm ở trường nhạc. Cũng có những em trẻ tự mình tìm đến âm nhạc dân tộc mà không được sự hổ trợ, khuyến khích của gia đình..

Lê Trân (NM) : Trong thời gian qua  với nhiệt tình và ý thức trách nhiệm của nhiều thế hệ nhạc sĩ mà chị là một trong những « người đó », là giáo sư, nhạc sĩ, chị có nghĩ rằng việc phát triển âm nhạc truyền thống trong thời gian tới sẽ thu được nhiều thành công rực rỡ tại hải ngoại ?

Gs Phương Oanh : Mặc dù có nhiều nhiệt tình và ý thức trách nhiệm, nhưng làm được tới đâu trong khả năng của mình có thể là quí lắm rồi. Tôi không giám nghĩ  việc phát triển âm nhạc truyền thống trong thời gian tới sẽ thu được nhiều thành công rực rỡ tại hải ngoại vì có nhiều lý do :

– Vì người mình xem quá nhiều phim Đại Hàn, Trung Hoa, do các nhà sản xuất vidéo bị ảnh hưởng và vô tình làm biến dạng của âm nhạc dân tộc qua cách ăn mặc, qua cách diễn đạt và qua cách soạn thảo bài bản, vì họ nghĩ là có như thế mới đặc biệt cho âm nhạc dân tộc.

– Trước sự bành trướng ồ ạt của những người  muốn bắt chước cho giống với người ta, coi đó là một sự tiến bộ không được học hỏi đàng hoàng.

– Điều rất khó khăn cho người làm văn hóa lội ngược dòng như chúng tôi như kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược… Vì lý do đó, mà Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống được thành hình. Chúng tôi luôn mong mõi các đồng nghiệp, các người làm công việc gìn giữ âm nhạc truyền thống, nên đến với nhau trong tinh thần trao đổi và học hỏi kinh nghiệm cùng nhau, đừng đặt cái tôi quá nặng, mà hãy nghĩ đến sự sống của âm nhạc dân tộc trong tương lai, có như thế thì việc đến với nhau không bị giới hạn và sẽ  không gặp nhiều trở ngại khi việc làm chung.

Diễm Thy (NM) : Để phát triển « âm nhạc truyền thống »  ở xứ người,  theo chúng tôi, trước hết cần tiếp tục làm tốt hơn nữa « công tác bảo tồn các giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống ».

Chị có lạc quan và đặt niềm tin khi đã « bàn giao Phượng Ca » cho những kẻ kế thừa ?

Gs Phương Oanh : Mình không biết phải trả lời anh chị như thế nào, vì mình tính, nhưng trời có cho thuận buồm xuôi gió hay không…chuyện sẽ tới như thế nào trong tương lai, thời buổi này rất khó mà biết trước được. Ngày xưa, mình có thể xét đoán tâm tính học trò dễ dàng hơn bây giờ. Tuy nhiên, chuyện chuẩn bị, vẫn luôn được chuẩn bị cho việc tiếp nối của một truyền thống. Đừng cố gắng quá sức mình, vì đường đi luôn tiến tới, cứ làm đều đặn trong khả năng và nhiệt tình mình có, để mình đủ sức mà đi tới cùng.

Chuẩn bị cho người kế thừa Phượng Ca tôi cũng âm thầm huấn luyện, vì muốn giữ Phượng Ca, điều đòi hỏi đầu tiên là phải đủ khả năng, có tư cách, có tác phong đạo đức. Có nghĩa phải hội đủ một số điều kiện về Đức -Trí -Tài (CHÂN -THIỆN –MỸ) , cũng như ngày trước, tôi đã được các thầy đã dạy dỗ và trao truyền vốn liếng âm nhạc cho.

Lê Trân (NM) : Trong cương vị giáo sư  Âm Nhạc Truyền Thống VN ở các Nhạc viện quốc gia Pháp, đối với các học viên ngoại quốc, chị có phương pháp giảng dạy nào đặc biệt giúp họ lãnh  hội dễ dàng và tiếp thu được nhiều thành quả khi học đàn tranh ?

Chị có gặp phải những khó khăn gì không?

     Gs Phương Oanh : Đối với nhạc sinh người Pháp học đàn tranh, tôi dẫn dắt họ từng bước để họ có thể làm quen và đến với âm nhạc dân tộc từ từ qua nhạc cụ họ xin học, đến cách học. Khi họ hiểu và yêu thích hơn, họ có thể phân tích cái hay, cái đặc biệt của âm nhạc VN, có như thế họ sẽ học như người VN. Gặp những khó khăn khi gặp những người học trò khó tính, thì mình cũng tìm cách giải thích cho họ hiểu, nếu giải quyết được mọi chuyện này, thì mình sẽ giữ được học trò và mình sẽ có kinh nghiệm hơn cho về sau.

Diễm Thy (NM) : Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc giữ gìn bản sắc là vấn đề sống còn của âm nhạc dân tộc cổ truyền. Chị có trăn trở gì về âm nhạc truyền thống VN có nguy cơ sẽ bị mai một ở hải ngoại, vậy chị cho biết quan niệm của mình (đã, đang và sẽ) … nghĩ ra những phương thức nào khả dĩ có thể duy trì được (phần nào) Âm Nhạc Truyền Thống VN trong khi giới trẻ VN ở hải ngoại đa số đã thờ ơ với bản sắc và truyền thống của mình. Họ đã không nói, đọc, viết được tiếng mẹ đẻ (nói gì đến âm nhạc truyền thống) đang là vấn nạn không nhỏ nơi giới trẻ VN ở xứ người mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng không mấy quan tâm.

« Gió bay về ngàn »

Vậy phải bảo tồn Âm Nhạc Truyền Thống VN ở xứ người bằng cách nào ?!

Gs Phương Oanh :Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, việc gìn giữ bản sắc là vấn đề sống còn của âm nhạc dân tộc cổ truyền. Người Việt Nam ở hải ngoại có nhiều cách sống khác nhau, mình không thể lôi cuốn họ cùng đi chung hướng nếu họ không muốn có cùng mục đích như mình. Vấn đề âm nhạc truyền thống VN có nguy cơ sẽ bị mai một ở hải ngoại như anh chị nói, tôi nghĩ cũng là do họ không có lập trường vững, nên mới có thể bị ảnh hưởng, bị đồng hoá, bị hoà nhập vào môi trường sống. Nhưng nếu mọi người có lòng quyết gìn giữ, thì cũng giữ được phần nào, điều quan trọng là phải đào tạo những người để tiếp nối. Nếu không có người trẻ đến với mình, có nghĩa là mình sẽ bị đào thải. Người trẻ hiện nay nói tiếng bản xứ nhiều hơn tiếng Việt, nhưng nếu các em thấy được cái hay cái đẹp cúa âm nhạc dân tộc thì chính các em tìm tới mình chứ không phải bị bố mẹ ép buộc. Với những người trẻ này sẽ là những người lo việc gìn giữ âm nhạc truyền thống trong tương lai, họ sẽ có cái nhìn và cách tổ chức theo đúng thời đại họ sống cho âm nhạc.

Lê Trân (NM) :  Người ta có thể đầu tư bạc tỷ cho nhiều loại hình âm nhạc gọi là « mới », nuôi dưỡng nhiều mô hình nghệ thuật phát triển … nhưng lại chẳng đầu tư bao nhiêu cho kho tàng di sản cổ nhạc của cha ông.

Khi biết được 10 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO công nhận. Ai cũng hô hào cần phải tôn vinh, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa mà tiền nhân đã truyền lại, ai cũng công nhận là phải làm, nhưng tất cả dường như chỉ dừng lại ở đó khi nhìn thấy sự tồn tại của các tuồng hát chèo, cải lương hay các đoàn quan họ … vẫn còn diễn cho người xem, tưởng rằng thế là đủ … để bảo tồn mà quên rằng trước hết, phải gấp rút sưu tầm & lưu giữ những giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống đang có nguy cơ mai một trong sinh hoạt âm nhạc truyền thống. Đây là một công việc vô cùng quan trọng và khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của VN.

Theo chị làm cách nào để khơi dậy nền âm nhạc dân tộc Việt Nam ở quốc nội nói chung và ở hải ngoại nói riêng ?

Gs Phương Oanh : 10 di sản văn hoá đã được Unesco công nhận, tôi có cảm tưởng như người Việt mình thấy làm gì cũng dễ dàng …., nhưng tất cả dường như chỉ dừng lại mà không có sự nuôi dưỡng trao dồi cho tốt đẹp hơn. Đã là di sản văn hoá dân tộc là phải sống và hiện hữu theo người dân. Đây là một công việc vô cùng quan trọng và khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của VN là phải lưu giữ và tìm kiếm những di tích đã bị thất lạc đem về, Đồng thời phải nghiên cứu, trao dồi, học hỏi để biết rõ gốc gác di tích này để ghi lại cho đời sau không bị thất truyền. .

Khơi dậy nền âm nhạc dân tộc Việt Nam ở quốc nội, điều này không thuộc vào phạm vi khả năng của chúng ta ở ngoài nước vì không có sự giao tiếp với người làm âm nhạc dân tộc trong nước. Nói tóm lại, chính người trách nhiệm của nước phải ý thức được điều này, thì người dân sẽ theo gương, dĩ nhiên phải học hỏi và phải biết được cái giá trị của nó so với các nước bạn.

Diễm Thy (NM) : Xin chị cho biết những cái mới trong âm nhạc Việt Nam hải ngoại là gì? Những cái mới đó đã phát huy cái gì, kế thừa cái gì và khước từ cái gì trong âm nhạc Việt Nam truyền thống ?

Gs Phương Oanh : Anh chị nói cái mới trong âm nhạc VN hải ngoại là gì?

Hiện nay, ở hải ngoại, có nhiều nhạc sĩ được đào tạo ở các nhạc viện tại đây, họ chịu ảnh hưởng rất nhiều giai điệu tây phương trong việc sáng tác. Muốn sáng tác một bài hát trên âm giai ngủ cung thì phải nghe nhiều âm nhạc truyền thống của ba miền, (vì làn điệu nét nhạc mỗi miền khác nhau giống như giọng nói), phải hiểu rỏ hơi, điệu của bài nhạc vui, buồn ra sao. Ví dụ trong nhạc miền Nam có ba bài nam, sáu bài bắc, 20 bài tổ, miền Trung có điệu nam, điệu bắc, miền Bắc có chèo, có hát ca trù v.v…Nắm được căn bản như thế, bài hát được sáng tác mới phong phú hơn.

Kiến thức về nhạc dân tộc không có thì các sáng tạo này không đạt được nhu cầu mà chỉ là một sự phối trộn cao độ các nốt nhạc mà thôi. Nếu không có vốn âm nhạc truyền thống thì cái những sáng tác này rất nghèo nàn về giai điệu, làn điệu địa phương của ba miền.

Lê Trân (NM) : Là một giáo sư âm nhạc truyền thống, một nhạc sĩ sáng tác, chị thấy nền âm nhạc Việt Nam hải ngoại so với âm nhạc trong nước có gì khác, có gì mới, có gì hơn và có gì còn chưa tới ?

Gs Phương Oanh : Sáng tác bây giờ của các nhạc sĩ thay đổi rất nhiều không như ngày trước, cái điều này là dĩ nhiên, vì ranh giới đã không còn. Ngày nay, người ta có điều kiện đi ngoại quốc cái nhìn của mình cũng rộng hơn, người ta có điều kiện đi du lịch, được tiếp xúc với bên ngoài nên cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, họ không chú trọng lời ca như là  một thông điệp, mà chĩ sáng tác theo tùy hướng, cảm xúc. Mà hình như mọi sáng tác này, mình cảm thấy ở trong nước họ chịu ảnh hưởng rất nhiều bên ngoài, nên không phân biệt được nhạc sĩ sáng tác ở trong hay ngoài nước.

Diễm Thy (NM) : Khách du lịch nước ngoài khi đến VN thường không bỏ qua những dịp có lễ hội, họ thường tìm đến để tham dự những tiết mục đặc sắc : Nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù mà họ biết rằng đây là những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO công nhận.

Chị có nghĩ và hy vọng rằng trong tương lai gần đây, tại hải ngoại sẽ có những giáo sư, nhạc sĩ, những nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống VN sẽ quan tâm đến những di sản văn hóa phi vật thể này mà chung tay thành lập một trung tâm (trường) nghệ thuật nhằm đào tạo một lớp người trẻ có kiến thức để những bộ môn này có một vị thế quan trọng khi trình diễn ở ngoại quốc ?

Gs Phương Oanh : Đã hơn 40 năm qua, đã có những giáo sư, nhạc sĩ, những nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống VN ở trong nước, lập ra những trung tâm âm nhạc truyền thống VN.. Các trung tâm này cũng chưng bày một số các nhạc cụ họ tìm kiếm được để khi có khách ngoại quốc muốn  tìm hiểu có nơi mà đến tham quan, họ sẽ biểu diễn và dạy nhạc . Đây là công việc làm của người nghệ sĩ và việc làm để sống.

Ở ngoại quốc thì không có được điều kiện như thế này. Các em trẻ ở đây, họ vẫn yêu thích học hỏi nhạc dân tộc bên cạnh việc học ở trường, ở đại học nhưng họ không đi sâu vào lãnh vực chuyên nghiệp. Trừ những nhạc sĩ đã được đào tạo trong nước và đi ngoại quốc để tu nghiệp thì họ mới có khả năng biểu diễn chuyên nghiệp.

Lê Trân (NM) : Đối với mỗi dân tộc trên thế giới, âm nhạc cổ truyền bao giờ cũng giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Khi nhìn nhận vấn đề này bao giờ chúng tôi cũng cảm thấy mình may mắn được sinh ra trên một đất nước mà các thế hệ cha anh đã từ lâu luôn coi trọng những di sản văn hoá của ông bà để lại.

Theo chị, những « may mắn » đó có thể còn tồn tại trong lớp hậu duệ được nữa không ?

Gs Phương Oanh : Đối với mỗi dân tộc trên thế giới, âm nhạc cổ truyền bao giờ cũng giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Những « may mắn » chắc chắn có thể còn tồn tại được trong lớp hậu duệ, vì thế hệ trẻ được đào tạo  ngày nay, kiến thức và nghệ thuật rất cao, tôi hy vọng mình sẽ có những người có tài có tư cách đến với âm nhạc dân tộc, để thay thế một số ít người đã lợi dụng và làm xấu cho âm nhạc dân tộc, những người  lừa thầy phản bạn, những người đã làm cho âm nhạc dân tộc bị mang tai tiếng.

Diễm Thy (NM) : Gần 50 năm gắn bó với Âm Nhạc Truyền Thống VN, chị cho biết  những cái mới trong âm nhạc Việt Nam hải ngoại là gì ? Những cái mới đó đã phát huy cái gì, kế thừa cái gì và khước từ cái gì trong âm nhạc Việt Nam truyền thống ?

Gs Phương Oanh : Thời buổi bây giờ là mì ăn liền, âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại hay ở trong nước đều như nhau vì họ xử dụng internet được thoải mái. Không có vấn đề giới hạn trong và ngoài nước nữa. Âm nhạc tuyền thống VN cũng bị pha trộn tùm lum, đây thật sự là một điều đáng buồn. Người làm âm nhạc truyền thống cũng bị áp lực của người thưởng thức, phải sáng tác, biểu diễn theo thị hiếu của khán giả.

Tôi không dám nói tới vì nó đã bị lạm phát quá mức. Còn việc khước từ thì có thể là họ đã chối bỏ những cái hay cái đẹp về chiều sâu của âm nhạc truyền thống, mà chỉ giữ lại cái vỏ bên ngoài mà thôi.

Diễm Thy (NM) : Trong thời gian qua, cùng sự phát triển của nhiều dòng âm nhạc khác của thời đại, chị và Phượng Ca đã liền cánh đưa Âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam đến khắp năm châu và làm say lòng mọi người. Là người Việt Nam, dù ở nơi đâu chúng ta cũng luôn nhớ và tự hào về di sản văn hóa âm nhạc truyền thống mà cha ông đã để lại.

Chị có nghĩ rằng trong tương lai, lớp hậu duệ trong và ngoài nước sẽ là những kẻ kế thừa di sản văn hóa đó ?

Gs Phương Oanh : Tôi tin trong tương lai, cũng còn lớp đàn em tiếp nối trong và ngoài nước sẽ kế thừa di sản văn hoá đó. Mạng internet rất tốt và cũng rất nguy hiễm nếu mình dùng không đúng cách. Hiện tại, tôi biết có những khoá học về đàn ca tài tử, các lớp học về nhạc cụ dân tộc trên mạng, do những người nhạc sĩ biết xử dụng internet để làm. Như thế, những ai đam mê âm nhạc truyền thống sẽ được học hỏi đúng và được thầy dạy tận tâm và không mất thì giờ lặn lội xa xôi để đến nhà thầy…

Lê Trân (NM) : Trước khi khép lại bài này, trong những năm giảng dạy nhạc cổ truyền V.N tại hải ngoại, chị Phương Oanh có lời khuyên, tâm tình gì muốn chuyển đạt đến những kẻ kế thừa Phượng Ca, những người mà chị đã dầy công gieo mầm âm nhạc truyền thống, đã vun trồng nay đã trưởng thành để tiếp tục con đường chị đã đi qua.

Gs Phương Oanh : Năm 2011, trước khi nhường chỗ cho người kế tiếp mình dạy ở hai nhạc viện Antony và Sevran, trong bài diễn văn giả từ này, tôi đã để lại cho các nhạc sinh câu châm ngôn  Lắng nghe -Thương yêu – Khiêm nhường.

Nếu các em hiểu được cái điều tôi muốn nói này, thì âm nhạc dân tộc nói chung, Trường Âm nhạc Phượng Ca nói riêng ở hải ngoại sẽ luôn luôn có mặt và song song với sự sống còn của nước VN.

Cảm ơn chị Phương Oanh đã dành cho tập san Ngày Mới  Paris một « món quà » quá ư độc đáo !

dau nam 1  Một lần nữa, từ « kinh đô ánh sáng Paris »  tiếng chuông Đại hội lại tiếp tục ngân lên báo tin Đại hội Âm nhạc Truyền thống VN Toàn cầu lần thứ IV do giáo sư Phương Oanh cùng nhạc viện Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc tại Paris tổ chức vào tháng 7 năm 2017.

Chúc Đại Hội  thành công viên mãn, sẽ lưu lại một dấu ấn đậm đà đầy ý nghĩa.

Lê Trân – Diễm Thy

tập san Ngày Mới Paris

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.