2011 02 04 – Buổi Họp Mặt Tưởng Niệm Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang

 

Mar 29, ’11 3:38 AM
for everyone

             Buổi Họp Mặt Tưởng Niệm Nguyễn Đức Quang
         do Phượng Ca và Du Ca tổ chức vào chiều thứ bảy 2/4 tại

                            Espace PARIS POUR TOUS
                                       
32, rue Javelot

                                        
75013 PARIS

                                  
phiá sau Tours Anvers

                                 
từ 14 giờ đến 16g30.

Chúng ta cùng hát và kể lại những kỷ niệm với Nguyễn Đức Quang và với nhau trong cuộc đời ca hát giúp vui cho Cộng đồng.
Mong đợi để cùng trải qua một buổi chiều với Nguyễn Đức Quang !

Phuong Oanh (e mail : phuongoanhv@yahoo.fr)
Tran Van Ngo (tunguyeen@yahoo.com)

        

                       ********************************
Sáng nay, thứ bảy 2/4/2011, thức dậy sớm, xem lại mọi thứ đã chuẩn bị từ tối hôm qua, Tùng đã đưa tôi ra Paris, vì ngày họp mặt chót .với Quang.

Dự định đi bằng phương tiện công cộng, nhưng đồ đạc lỉnh kỉnh, phải đổi mấy lượt métro, xe lữa. Do đó, tôi nhận lời giúp của ông xã mình.. Nhưng hôm nay, xe cộ đâu
mà đông thế, đi trứớc 2 tiếng đồng hồ, vậy mà tôi không thể đến sớm được. Trên xa lộ, xe chạy từng bước, từng bước thật là sốt ruột mà không biết nói sao..

.
         Đi qua khỏi nơi kẹt xe, tôi đến trước được 30′. Vội vàng thu xếp bàn ghế chỗ ngồi, dán hình , treo hình v.v… cũng
may trong lúc đang làm, thì anh Thiều và  vài người bạn đến, thế là mỗi người một tay…Khi anh Ngô đến, anh đề nghị làm thành vòng tròn…, ghế được đổi chỗ mau chóng….

         Trước khi bắt đầu, anh mời mọi người cùng hát bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, sau đó anh bắt đầu nói về Quang,
tiểu sữ và quá trình sinh hoạt của Quang.

Sau đó vào chương trình, tôi đã chia thời gian ra làm nhiều giai đoạn, mỗi thời đdiễm, có một người bạn biết rõ về Quang sẽ cho chúng ta theo dõi cuội đời Quang xen
kẽ với các bài hát do Quang sáng tác..

Chương trình tưởng niệm như sau:
1- Niên thiếu, sinh hoạt trẻ:
     – với Hướng Đạo do chi Từ Dung.
     – Thời học ở Đại Học Đalat do anh Dân đọc bài thơ của anh Lê Đình Thông.
      – Trầm Ca với Phương Oanh.
2- Thanh Ca Tác Động – Phong Trào Du Ca  do anh Trần Văn Ngô
3- Sau 1975 – di tản qua Mỹ :
– Tờ Báo Người Việt
– Cuộc sống xứ người, làm việc.
– Đi hát cho mọi người trở lại.

Các bài hát Quang viết, đây là lời kể chuyện của một người có cái tâm đơn sơ, chân chất, nhưng rất sâu sắc. Những lời Quang viết dù đã trãi qua hơn 40 năm, vẫn còn
giá trị và như lời nói cho chúng ta ngay chính bây giờ…

Nhạc Quang viết không cần ca sĩ phải dùng kỹ thuật để biểu diễn, nhưng mà chúng ta, ai cũng có thể hát dễ dàng với tình cảm chân thật của mình, tiếng hát do từ con
tim, từ dòng máu trong người.

Tôi nhớ hoài năm 1965, khi tôi theo nhạc sĩ Phạm Duy, nhận lời mời của Viện Đại Học Dalat lên trình diễn  tại giãng đường Thụ nhân. Buổi tối đó, không bao giờ
tôi quên, vì dưới ánh nến bập bùng, các bạn ngồi dưới đất bên nhau, khí trời thật lạnh để hát từ dân ca, qua tâm ca và qua nhận thức ca của ban Trầm ca…vì đêm đó, Đại học bị tắc
điện…

Sau buổi diễn, Trầm Ca đã lôi tôi đến cùng mấy anh chàng con trai này khi nào, tôi cũng chẳng biết.

Về Saigon, chúng tôi đã đến sinh hoạt với các bạn trẻ, cư xá sinh viên nữ Thanh Quan cho các môi trường thanh niên từ Bến Hải cho tới Cà Mau.. vết chân Trầm Ca với
chương trình Thanh Ca Tác Động do Ty Thanh Niên, lúc đó do anh Hoàng Ngọc Tuệ làm giám đốc tổ chức…

Chị Từ Dung cho chúng ta thấy một Nguyễn Đức Quang đầy nhiệt huyết đã cho thấy tinh thần Hướng Đạo can trường, quyết tâm, vững vàng của một thiếu sang tráng tài
ba.

Khi Phong Trào Du Ca thành hình, ta thấy tinh thần sống cho tha nhân : THƯƠNG YÊU – LẮNG NGHE – NHƯỜNG NHịN đã là nền tảng vững chắc là căn bản.

Khi Quang nói với tôi, Phong Trào Du Ca được thành lập để đi gieo rắc sức sống lành mạnh đến thanh thiếu niên từ đô thị đến miền quê trên khắpđất nước  giống
như người dân du mục trên thế giới. Tôi chỉ cười mà không trả lời. Sau buổi ra mắt phong trào, tôi đã nói với Quang là tôi tách rời Trầm Ca để trở lại chỗ đứng của mình về âm nhạc dân tộc..và để
lo cho Phượng Ca.

Năm 1969, tôi nhận lời của tổ chức Thân Hữu Các dân Tộc lập một nhóm với Ngọc Dung về dân ca, Khánh Ly nhạc Trịnh Công Sơn, Thanh Lan về Tình Ca và Nguyễn Đức Quang
với nhận thức ca đi lưu diễn Âu châu. Chúng tôi đến đâu cũng được sinh viên và kiều bào đón rước chân tình.

Một không khí gia đình, trẻ trung và lành mạnh đã gợi cho các bạn sinh viên du học  ý thức trở về quê hương sau khi hoàn tất chương trình học của
mình.

Trở lại buổi sinh hoạt, anh Ngô mời gọi mọi người tự giới thiệu về mình và nói về Quang với những kỷ niệm mình có…
Tôi được gặp lại một chị, lúc Du Ca  đến sinh hoạt với Trường Thủ Đức Kiểu Mẫu trước 1975, chị có in ra tấm hình, mà lúc đó…Quang gầy như con cò đang kéo cái
cổ dài của mình đế hát…

Còn nhiều kỷ niệm khác của Quang với các bạn…mỗi người đều có một tình cảm rất sâu đậm với Quang, do đó buổi sinh hoạt tưởng niệm này rất vui và tôi nghĩ rằng
Quang cũng đang ngồi bên cạnh anh hay chi và cùng hát với nhau, chứ không phải Quang là người trong bức a²nh để trên bàn…..

Mỗi người bạn nói về Quang qua bài hát hay lời tâm tình đều chất chứa thương yêu, có thể là tiếng cười rút rít, có thể là lời nói nghẹn ngào…tiếc nuối một người
bạn còn quá trẻ, đã rời xa anh em trong lúc dự án ca hát đến với mọi người vẫn còn đầy trong tim…

Quang là hình ảnh người Du Ca đi trên con đường dài thật xa mà không biết mệt…
Sức người có hạn, mình không thể đi tới khi cơ thể mình đình công…

Tôi hy vọng tinh thần Du Ca sẽ được hâm nóng để bùng cháy trong tim anh, tim tôi và trong chúng ta. Lời ca, giọng hát Quang sẽ không bao giờ phai lãng.

Và chúng ta sẽ có những Nguyễn Đức Quang khác tiếp nối tinh thần THƯƠNG YÊU- LẮNG NGHE và THA THỨ này  ở khắp nọi nơi.

Phương Oanh
Paris ngày 8/4/2011.

cám ơn anh Thiều đã đem hệ thống âm thanh cho mượn.
Vác valy thật to, xe bus mấy lần không cho lên, nhưng anh vẫn vượt qua những khó khăn để đúng hẹn với bạn.

 

 

 

 

cam on anh Binh da gui bai viet.

Vài dòng cảm nghĩ về “Chiều tưởng niệm Nguyễn Đức Quang

 Trở về nhà sau khi cùng bà xã và một nhóm bạn bè thân tham dự “Chiều tưởng niệm Nguyễn Đức Quang”, tôi mang
ba CD “Anh em tôi”, “Đường Việt Nam” và “Bên kia sông” ra nghe.  Trong căn nhà vắng lặng, giọng hát thân quen của Anh vang lên.  Toàn
là những bài hát mà tôi gần như thuộc nằm lòng.  Có những ca khúc rất cũ, tôi đã nghe khi còn là học sinh trung học hơn 40 năm trước.  Có những tình khúc
Anh sáng tác sau này và tôi mới nghe gần đây. Tôi cảm thấy ấm áp, như Anh vẫn còn đâu đây.  Nghe xong, đầu óc của tôi lại tràn ngập những âm thanh, hình ảnh và mầu sắc của
buổi trình diễn vừa qua.  

Tôi xin phép mượn bài viết ngắn này để chia sẻ với mọi người, nhất là các bạn không có cơ hội tham dự, một số nhận xét và suy nghĩ riêng tư về buổi sinh hoạt văn hóa đặc biệt
này.

Anh Quang rất gần gũi với cộng đồng người Việt tại Úc.  Nhận lời mời của Hội Hướng Đạo Việt Nam tại Sydney, Anh đã không ngại đường xa đến trình diễn tại các
thành phố lớn của Úc như Adelaide, Melbourne & Sydney (2001) và Adelaide, Brisbane & Sydney (2003).  Hai chuyến lưu diễn “Tình ca người hát rong” này đã thu
hút những con số khán giả kỷ lục so với các hành trình du ca khác của Anh.  Nghe tin Anh lâm trọng bệnh, Hội Hướng Đạo Việt Nam và các văn nghệ sĩ thân hữu tại Sydney (chủ
yếu là Trưởng Nguyễn Văn Thuất, Trưởng Đặng Trung Chính, Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn và Nhà báo Lưu Dân) đã quyết định tổ chức “Chiều Nguyễn Đức Quangtại Cabramatta Bowling & Recreation Club ngày thứ Bảy 9/4/2011 với mục đích cầu nguyện và chúc sức khỏe cho Anh.  Rất tiếc Anh đã
vĩnh viễn giã từ chúng ta ngày 27/3/2011.  Vì thế “Chiều Nguyễn Đức Quang” đã trở thành “Chiều tưởng niệm Nguyễn Đức Quang”.

Về phương diện tổ chức, “Chiều tưởng niệm Nguyễn Đức Quang” có nhiều điểm đáng chú ý.  Địa điểm tổ chức là một nơi thuận lợi cho đại đa số khán giả và rất
dễ đậu xe.  Ban tiếp tân làm việc rất nhẹ nhàng và hiệu quả.  Sân khấu trình bày giản dị, trang nhã, hợp với phong thái du ca.  Ngay dưới
sân khấu là một đống lứa trại bằng các cành cây, tiêu biểu cho sinh hoạt hướng đạo, một phần nòng cốt trong các hoạt động của Anh.  Khán giả đến từ mọi nơi, nhiều lứa tuổi,
nhiều thành phần, ngồi kín hội trường, và hầu như tất cả đều ở lại đến giờ chót.  Chuơng trình bắt đầu khá đúng giờ và kết
thúc cũng đúng giờ.  Bầu không khí sinh hoạt trật tự, trang nghiêm, cảm động nhưng cũng không kém phần sinh động, đúng như truyền thống du ca.  Đặc biệt là
Ban Tổ chức mời khán gỉả vào xem tự do, mặc dù người tham dự có thể tùy ý trợ giúp chi phí tổ chức.  Đây là một cách tổ chức gần như không thấy trong các sinh hoạt văn nghệ
người Việt tại Sydney,

Buổi sinh hoạt rất đa dạng và phong phú với sự điều hợp của hai MC nhiều kinh nghiệm Lưu Dân và Ngọc Hân cũng như Nhạc sĩ tài danh Hoàng Ngọc Tuấn.  Chương trình
bao gồm các tiết mục nghi lễ (chào Quốc kỳ, slide show, lễ tưởng niệm, chào đón & cảm tạ, và tạm biệt), các tiết mục ca nhạc, các màn phỏng vấn, nhận định, và phần trà
bánh.  Các tiết mục nghi lễ, văn nghệ và phỏng vấn xen kẽ nhau rất hợp lý.  Phần slide show tóm tắt cuộc đời và tác phẩm của Anh thu lượm hình ảnh từ trang
Du Ca trên mạng và hai chuyến lưu diễn của Anh tại Úc.  Đặc biệt khi xem slide show này, chúng tôi được nghe Anh hát một ca khúc lạ, có lẽ chưa được phổ biến, vì tôi chưa nghe bao giờ.  Rất cảm động khi các em Thiếu sinh Hướng đạo trang trọng tiến ra đống lửa trại, đốt nến làm
lễ tưởng niệm cho Anh.

Vì giới hạn của thời gian, chương trình văn nghệ rất chọn lọc bởi dòng nhạc của Anh đã trải dài qua mấy trăm bài với nhiều đề tài, thể loại khác nhau.  Tôi nghĩ Ban Chương
trình đã rất thành công trong việc chọn lựa những bài tiêu biểu nhất của Anh, bao gồm những bài nổi tiếng nhất, những bài Anh yêu thích nhất, những bài ảnh hưởng sâu đậm
nhất.  Về trình diễn thi có đơn ca, song ca, hợp ca (với Ca đoàn Bách Hợp và Ca đoàn Cabramatta) và hát chung với khán giả.  Các nữ ca sĩ trong Ca đoàn
Bách Hợp mặc áo dài trắng, rất đẹp mắt và thích hợp.  Anh Hoàng Ngọc Tuấn đúng là cột trụ của buổi trình diễn.  Tạm thời xa dòng nhạc “kinh điển” anh đóng vai trò người hát rong thật xuất sắc.  Giữ vững truyền thống du ca, chỉ với cây tây ban cầm gọn nhẹ, anh
đã “bao dàn” cho toàn buổi trình diễn.

Nhóm trình diễn đơn hay song ca rất hùng hậu, bao gồm Hoàng Ngọc Tuấn, Hoàng Yến, Lệ Mai, Ngọc Anh, Quỳnh Xuân, Xuân Thảo, Vi Nguyễn và Vũ Trọng Khải.  Các ca sĩ mỗi người
một vẻ, có người tóc đã bạc, có người chỉ độ đôi mươi, có người duyên dáng, có người chững chạc.  Hình như tất cả đều là ca sĩ “nghiệp dư” nhưng phong thái trình diễn tự
nhiên, sống động, giọng hát có hồn, truyền cảm, vượt xa những ca sĩ chuyên nghiệp.  Với làn hơi ấm, mạnh, tràn niềm tin và sức sống, các ca sĩ đã thay nhau lôi cuốn khán giả
qua những ca khúc tiêu biểu nhất của Anh: quê hương (Về với mẹ cha, Chiều qua Tuy Hòa & Chuyện quê ta), tranh đấu (Việt Nam quê hương
ngạo nghễ, Đường Việt Nam, Tiếng hát tự do & Hy vọng đã vươn lên), xây dựng & phục vụ (Người yêu tôi bệnh, Sóng Việt & Tìm về công trường), tâm ca (Ruồi và kên kên, Cho đồng bào
tôi, Xương sống ta đã oằn xuống & Một giấc chiêm bao) và tình ca (Bên kia sông, Vì tôi là linh mục & Cần nhau).  Rất nhiều lần khán giả đã hăng hái vỗ tay và hát
theo, làm bầu không khí hội trường vô cùng hào hứng.

Tôi đặc biệt chú ý phần MC Ngọc Hân phỏng vấn hai Trưởng Nguyễn Văn Thuất (Trưởng ban Tổ chức) và Đặng Trung Chính và phần Nhạc sĩ Tuấn tự nhận định về nhạc Nguyễn Đức
Quang.  Trước hết Trưởng Thuất nói về ý tưởng đấu tranh, đả phá bất công trong dòng nhạc của Anh.  Trưởng kể lại lần gặp Anh lần đầu trong Công trường
Thanh niên Tự do tại Quận Gò Vấp năm 1965.  Sau đó hai người cùng tham dự Công trường Thanh niên Cam Lộ (Quảng Trị) ba tháng.  Trưởng cho biết lúc dó trời
rất nóng, Anh Quang chỉ mặc áo thun, quần ngắn mà vẫn chịu không nổi (vì Anh là dân Đà Lạt), chắc chắn là mồ hôi Anh đã hòa trộn vào mạch dất quê hương.  Trong dịp này, Anh cho các bạn bè đồng trại “nếm thử” các bài Anh đang thai nghén, ví dụ như “Tìm về công
trường”.  Sau này, gặp nhau ở San Jose, chính Trưởng là người mời Anh đi Úc.  Anh trả lời:  “Ừ, đi thì đi.  Cam Lộ còn
không sợ, xá gì Úc châu!”  Chuyến đi ấy quá thành công nên chỉ hai năm sau, Anh quay trở lại Úc.  Sau khi bà xã Anh qua đời và Anh bị bệnh đau tim, Anh thố
lộ với Trưởng Thuất ước muốn đi thăm Úc một lần cuối nhưng rất tiếc sức khỏe của Anh không cho phép.

Kế tiếp, Trưởng Chính nói về về ảnh hưởng của nhạc Nguyễn Dức Quang đối với thanh niên miền Nam Việt Nam.  Trưởng nhấn mạnh các món quà tinh thần mà anh Quang đã tặng cho
thế hệ thanh niên 1960, 1970, các bài hát đấu tranh xây dựng mà các anh chị em sinh viên, hướng đạo vẫn cùng nhau hát vang sau mỗi khi tụ họp tại nước ngoài sau 1975. 
Trưởng Chính cũng nói về sự cập nhật của ý nhạc Nguyễn Đức Quang và nhắc đến sự tái xuất hiện của bài hùng ca VNQHNG trong các buổi xuống đường đòi chủ quyền lãnh thổ cúa sinh viên,
học sinh Sài Gòn và Hà Nội gần đây (một niềm vui lớn của anh Quang lúc cuối đời).  Trưởng Chính không quên “Trên đồi Arlington”, một bài hát hùng tráng, chân thành, gói ghém hoài bão, khát vọng sau cùng của Anh: sự kết hợp thật sự của dân tộc Việt
Nam.

Nhận định nhạc của Anh, Nhạc sĩ Tuấn nói về vai trò tình ca trong cuối đời Anh và phân tích sự khác biệt giữa nhạc du ca Nguyễn Đức Quang và nhạc tâm ca của Phạm Duy hay nhạc phản chiến Trịnh
Công Sơn.  Nhạc sĩ Tuấn kết luận rằng anh Quang đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử của mình, “anh đã ôm đàn đi vào lòng dân tộc” và do đó nhạc của Anh sẽ tiếp tục tồn tại khi
nào người Việt vẫn cần đấu tranh, cần tự do, khi nào chúng ta còn yêu và còn muốn làm gì đó cho nước Việt.

Nói tóm lại, buổi sinh hoạt văn nghệ độc đáo “Chiều tưởng niệm Nguyễn Đức Quang” đã thành công vượt bực trong nhiều góc cạnh khác nhau.  Đây là ý kiến chung của tất cả các
khán giả mà tôi có dịp trao đổi trong lúc uống trà cuối buổi sinh hoạt.  Theo tôi, thành quả của buổi sinh hoạt này mang nhiều ý nghĩa.  Trước hết, và quan
trọng hơn cả, đó là một cách vinh danh và tiễn đưa Anh thật tuyệt vời.  Thứ hai, nó tái khẳng định khả năng tổ chức và tinh thần phục vụ cộng đồng của Hội Hướng Đạo Việt Nam
tại Sydney.  Thứ ba, buổi sinh hoạt này chứng tỏ sự lớn mạnh, đoàn kết và các tài năng của cộng đồng người Việt tại Sydney,
ngang hàng với các cộng đồng người Việt khác tại Quận Cam, San Jose hay Paris.  Nói xa hơn nữa, buổi sinh hoạt này có thể xem là một mô hình tham khảo cho các ban tổ chức
những sinh hoạt văn nghệ trong tương lai.

Riêng cá nhân vợ chồng chúng tôi rất vinh dự và hạnh phúc được cùng bạn bè, khán giả nghe và hát những ca khúc đã làm sôi sục bầu nhiệt thuyết của chúng tôi hơn bốn thập niên trước, cũng như
nghe các kỷ niệm và nhận định về Anh.  Được như thế là nhờ rất nhiều công sức, đóng góp, cống hiến, hy sinh của nhiều người, nhiều nhóm.  Tôi xin chân
thành cảm ơn các thành viên Ban Tổ Chức, Hội Hướng Đạo Việt Nam tại Sydney, các văn nghệ sĩ, các ca đoàn Bách Hợp và Cabramatta, cũng như các nhà bảo trợ.  Tôi tin chắc rằng
các cộng đồng người Việt tại các thành phố khác mà Anh đã viếng thăm như Melbourne chẳng hạn, cũng rất mong muốn tổ chức một buổi sinh hoạt
tưởng niệm tương tự.  Rất mong điều đó sẽ trở thành hiện thực nay mai với sự yểm trợ của Hội Hướng Đạo Việt Nam tại Úc.


Lời cuối, xin dành riêng cho anh Quang.  Xin tri ân và vĩnh biệt Anh!


 Trần Nam Bình

Sydney, 10/4/2011

Blog Entry Chieu tuong niem NDQ, Sydney, 9/4/2011 Apr 12, ’11 9:52 AM
for everyone

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.