‘Cung Ðàn Hội Ngộ’ sôi động với âm nhạc dân tộc trên sân khấu Little Saigon

WESTMINSTER, California (NV) – Lần đầu tiên tại Little Saigon, khán giả có một buổi hội ngộ đặc biệt với bốn đoàn văn nghệ dân tộc cổ truyền đến từ nhiều địa phương, và đây là một buổi trình diễn hết sức thành công.
  gala-cung-dan-hoi-ngo
 Buổi trình diễn được tổ chức vào 7 giờ chiều Thứ Bảy, 6 Tháng Mười Một tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt với chủ đề “Cung Ðàn Hội Ngộ.” Bốn đoàn văn nghệ gồm đoàn Tre Việt đến từ Toronto, Canada, đoàn Hướng Việt ở Seattle, Washington, đoàn Tiếng Hoài Hương đến từ Portland, Oregon và đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng ở Orange County, Nam California.
Buổi hội ngộ đầy ắp tình văn nghệ, tràn ngập trong giai điệu cùng tiết tấu của nhạc cụ dân tộc, với các làn điệu vọng cổ, ca Huế, ca trù, ngâm thơ, hát xẩm, quan họ, đờn ca tài tử, hòa tấu nhạc cụ cổ truyền. Tất cả chỉ trong 15 tiết mục, một buổi tiệc tinh thần về âm nhạc đã cống hiến khán thính giả hết mình, hấp dẫn người nghe từ đầu đến cuối chương trình, và khán phòng không còn chỗ trống.
Hai MC Lê Ðình Y Sa và Nguyễn Hoàng Dũng xuất sắc trong phần dẫn chương trình, với những giới thiệu về đặc tính và giai điệu của từng loại nhạc cụ, qua sự biến tấu ở ba miền đất nước Việt Nam, đến sự sắp đặt và dàn dựng thật công phu cho đêm diễn.
Mở đầu chương trình là nhạc phẩm “Chiều Trên Cao Nguyên” sáng tác của Giáo Sư Nguyễn Châu, do đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng hòa tấu đàn tranh cùng với dàn trống đệm.
Kế tiếp là ban hòa tấu và hợp ca thiếu nhi Lạc Hồng với nhạc phẩm “Ơn Nghĩa Sinh Thành” sáng tác Dương Thiệu Tước.

gala-cung-dan-hoi-ngo-1

Ðể khai mạc, Giáo Sư Nguyễn Thị Mai, đồng sáng lập và chủ tịch hội đồng quản trị Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống Việt Nam, cũng là cánh chim đầu đàn của Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng phát biểu: “Sau năm 1975, các nhạc sinh trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn lưu lạc khắp nơi trên thế giới, và nơi nào các bạn, các em định cư cũng tổ chức các lớp dạy ca nhạc cổ truyền Việt Nam và thành lập các nhóm nhỏ để trình diễn cho địa phương của mình. Theo tinh thần đạo đức trong nhạc cổ truyền đã được các thầy xưa dạy dỗ, học chung một thầy như con chung một cha. Với tình cốt nhục đó, chúng tôi gặp nhau trong cung đàn hội ngộ đêm nay.”
Tiếp nối chương trình là ban nhạc khách mời đầu tiên, ban Tiếng Hoài Hương đến từ Portland, Oregan do Giáo Sư Thu Hương sáng lập năm 2003. Cô Thu Hương cũng là một học trò môn đàn tranh của Giáo Sư Nguyễn Thị Mai từ trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn trước 1975.
Tiết mục được giới thiệu, Hát Xẩm là một loại “hát kể chuyện,” nghề hát rong, hát dạo dân gian, có nguồn gốc từ đồng bằng Bắc Bộ và câu chuyện luôn là một kết thúc có hậu. Trong những năm đầu thế kỷ 20, nhiều người hát xẩm trên tàu điện Hà Nội thường sử dụng thơ lồng vào điệu hát xẩm, và bài thơ nổi tiếng “Chân Quê” của thi sĩ Nguyễn Bính, do Ngọc Hiếu trình bày cùng với David Dahl đàn nhị, Ngô Hiếu đàn bầu, Ngô Hợp (trống) và Thu Hương (phách), trình bày qua điệu Xẩm Tàu Ðiện và Xẩm Chợ, nhận được tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt.
Ðặc biệt trong trích đoạn “Cung Ðàn Nước Mắt” điệu Phi Vân Ðiệp Khúc do bé Quỳnh Lê 6 tuổi và ca sĩ Trần Ðình trong vai ông nội, nhạc cải lương với David Dahl đàn bầu, Thu Hương và Kim Trang đàn tranh.
Bé Út Lượm đi hát dạo với ông nội để kiếm sống, đoạn chánh trong vở tuồng của soạn giả Huỳnh Anh, nói lên tâm sự của người nghệ sĩ, trong đời sống khó khăn, tuy vất vả nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi nghiệp dĩ của mình để có một đời sống tinh thần phóng khoáng phong phú hơn.
Kế tiếp là ban Hướng Việt đến từ Seattle, Washington do Bác Sĩ Việt Hải chủ xướng, bắt đầu hoạt động từ năm 2001 như là một tổ chức văn hóa bất vụ lợi, thường xuyên tham gia các sinh hoạt cộng đồng, trình diễn tại nhiều quốc gia Hoa Kỳ, Canada, Úc và Pháp.
gala-cung-dan-hoi-ngo-2

Ðoàn Tre Việt với “Trống Quân.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Với 2 nhạc phẩm, “Lý Ðất Giồng,” một bản dân ca dễ thương của miền Nam, lời mới do nhạc sĩ Việt Hải và Thanh Hiệp cùng viết, nhạc sĩ Kim Uyên soạn hòa tấu đàn tranh, riêng tặng cho Việt Hải và ban Hướng Việt. Và nhạc phẩm thứ hai được trình bày, “Mưa Trên Phố Huế” thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, nhạc Minh Kỳ do ban Hướng Việt trình bày, với phần trình diễn, có bộ gõ bằng đũa độc đáo.
“Mừng Hội Hoa Xuân,” “Hoa Thơm Bướm Lượn,” dân ca miền Bắc, mang tiết tấu vui nhộn nhịp của lễ hội ngày Xuân, qua âm điệu réo rắt của làng nghề quan họ Bắc Ninh.
Phần hòa tấu của dàn nhạc thiếu niên Lạc Hồng trong nhạc phẩm “Cung Ðàn Ðất Nước,” sáng tác Xuân Khải với Kody Trần (đàn bầu).
Tiếp nối chương trình, Ðoàn Tre Việt đến từ Toronto, Canada do nghệ sĩ Kim Uyên thành lập ở Việt Nam từ 1983, đoàn đã tham gia biểu diễn thiện nguyện trong các chương trình sinh hoạt của các câu lạc bộ lúc bấy giờ. Ðến năm 1993, tại Canada với sự giảng dạy của Giáo Sư Kim Uyên và điều hành của nghệ sĩ Diệu Trinh, đã chính thức hoạt động cho đến nay.
Mục tiêu của đoàn Tre Việt là học hỏi trau dồi thêm những nét độc đáo của âm nhạc cổ truyền Việt Nam, và tham gia biểu diễn khắp nơi, từ cộng đồng Việt cho đến sinh hoạt của các sắc dân khác tại Canada và khắp nơi trên thế giới.
Tre Việt cống hiến màn hòa tấu những bản dân ca Lý Hoài Xuân, Tình Tang, Bình Bán Vắn và Trống Quân, mang nhiều thể điệu khác nhau, nhất là Kim Uyên trình bày các thể điệu từ Ngũ Ðối Hạ, nhạc lễ bước sang hơi Ai, cho đến ngâm thơ Huế bài “Ðây Thôn Vĩ Dạ,” thơ Hàn Mặc Tử, đặc biệt là Kim Uyên hát bài “Vấn Vương Ca Trù” do chính cô sáng tác, cảm hứng từ 2 câu thơ của Dương Khuê: “Hồng hồng tuyết tuyết. Mới ngày nào còn chữa biết cái chi chi.”
Cô cho biết đây cũng chính là tâm sự của cô khi theo học đàn tranh từ 6 tuổi, càng học càng thấm nét tinh túy của âm nhạc cổ truyền Việt Nam, cô càng nỗ lực đem tất cả tinh hoa của âm nhạc nước nhà truyền bá cho thế hệ sau.
Một tiết mục đặc sắc nữa là phần Kim Uyên song tấu với Giáo Sư Nguyễn Châu qua bài Ngũ Ðối Hạ sang Ai. Và màn biểu diễn hùng hậu nhất là bài “Trống Quân,” dân ca miền Bắc, với phần trình diễn của Kim Uyên và dàn nhạc.
gala-cung-dan-hoi-ngo-3Ba bài đoàn Tre Việt diễn tấu gồm 2 bài đầu “Lý Hoài Xuân” và “Lý Tình Tang,” dân ca miền Trung, bài Bình Bán Vắn, một trong 7 bài nhạc lễ miền Nam, cuối cùng là bài “Trống Quân” nhạc miền Bắc.
Phần biểu diễn của Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lac Hồng thật hùng hậu tiếp theo bằng hòa tấu và hợp ca “Hát Chèo Thuyền” và “Tiếng Dân Chài” sáng tác Phạm Ðình Chương qua 2 giọng lĩnh xướng Ngọc Quỳnh và Nghiêm Quang Toản.“Tây Thi Quảng” do Uyên Nhung biến thể với sự phụ họa của ban đờn ca tài tử Lạc Hồng.Các nhạc sĩ thiếu niên Lạc Hồng gồm Kody Trần, Kayla Trần, Thảo Mi và Âu Cơ trong bài dân ca quan họ “Người Ơi Người Ở Ðừng Về.”
Ðến phần phối hợp của 2 đoàn Tre Việt và Tiếng Hoài Hương trong ca Huế “Tứ Ðại Cảnh” qua tiếng hát Ngọc Hiếu, Kim Uyên đàn nguyệt, Diệu Trinh và Thu Hương đàn tranh, đàn bầu Devid Dahl, một người Mỹ yêu âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Minh Châu độc tấu đàn tranh bài “Mênh Mông,” sáng tác Hoàng Cơ Thụy.
Tiết mục cuối, gồm 4 đoàn Tre Việt, Hướng Việt, Tiếng Hoài Hương và Lạc Hồng cùng trình diễn bài Xàng Xê 8 câu qua Duyên Kỳ Ngộ, để kết thúc chương trình “Cung Ðàn Hội Ngộ.”
Nói với Người Việt, Giáo Sư Nguyễn Thị Mai, cánh chim đầu đàn của Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng cho biết tất cả những nỗ lực của nhiều giáo sư giảng dạy bộ môn âm nhạc cổ truyền tại hải ngoại đều có mục đích duy nhất là làm sao bảo tồn và quảng bá được nét đẹp, tinh túy của nhạc truyền thống Việt Nam, đồng thời tiếp tục phát triển cho phong phú hơn mà vẫn dung hòa theo cảm âm của giới thưởng ngoạn, nhất là cho giới trẻ biết hướng về cội nguồn dân tộc.
Giáo Sư Mai cũng cho biết, đại hội Âm Nhạc Truyền Thống được tổ chức 2 năm một lần. Lần thứ nhất, năm 2011 tại Toronto, Canada. Lần thứ 2, năm 2013 tại Seattle, Washington, Hoa Kỳ. Lần thứ 3, năm 2017 sẽ là Paris, Pháp và lần thứ 4, năm 2019 hội ngộ tại Little Saigon, quận Cam, Nam California.
Name : Van Lan-ARPS Photographer email: vanlanfoto@yahoo.com
Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.