Lớp khai tâm âm nhạc Việt Nam

Trung Tâm Olympiades – Paris 13


Niên khóa 2000-2001 tại Espace Olympiades của Comité Municipale d’Action Sociale Paris XIII đã có lớp nhạc cho thiếu nhi từ 2 tuổi rưởi đến 8 tuổi. Đây là điều mơ ước của tôi từ bao năm qua. Vì trong vấn đề giáo dục con cái, tuổi thơ rất quan trọng. Nếu các em được giáo dục ngay từ khi còn bé, tinh thần này sẽ là nền tảng căn bản cho các bé mai sau.

Trong âm nhạc dân tộc, muốn trao truyền, muốn con em tiếp nối truyền thống âm nhạc dân tộc, các em phải được nuôi dưỡng trong tình tự dân tộc.

Nơi này, xứ tự do, có quá nhiều phương tiện, điều kiện để giải trí, để trao dồi kiến thức, do đó mà các em bé ‘phải bị’ học tập nhiều thứ, nếu bố mẹ biết chọn lựa và cân nhắc để các bé không phải vất vả lắm trong việc hấp thụ…

Lớp khai tâm âm nhạc truyền thống được bắt đầu từ 15g00 đến 17h30 mỗi chiều thứ tư. Hiện nay có :

          5 em 2 tuổi rưởi đến 5 tuổi

          5 em 6 tuổi đến 8 tuổi.

Ngoài ra có 4 em 9-10 tuổi cũng được tham dự chung trong giờ sinh hoạt.

Chương trình học của các em được chia ra : giờ tập đàn, giờ tập hát, tập viết tiếng Việt và giờ sinh hoạt, dĩ nhiên là giờ ‘goûter’ không thể thiếu với lớp học này.

Trong giờ tập đàn, các em được tập căn bản trên cây đàn tranh, bộ gõ. Với lứa tuổi 3, 4 tuổi, các em chưa biết viết, biết đọc, các em được làm quen với tiếng đàn, với nốt nhạc, với cao độ giọng hát, trước khi được tập viết. Các em biết nốt sol thứ 1 trên cây đàn tranh ở đâu, và các em đã đàn thuần thục âm vực thấp của cây đàn tranh một cách dể dàng.

Giờ học hát, các em được tập những bài hát liên quan đến bài bản của đàn tranh, như thế, sau này khi tập lúc bắt đầu học đàn, các em sẽ dể dàng và nhanh chóng, vì các em đã quen điệu hát rồi.

Bên cạnh các bài nhạc căn bản của đàn tranh, còn có những bài hát nhi đồng, mà lời hát đã nói cho các em biết đến tình tự quê hương, cũng như những lời khuyên nhủ mà chúng ta đã được hấp thụ từ ngàn xưa qua lời ru của mẹ, của chị khi còn bé.

Giờ sinh hoạt, các em được chơi đùa dưới sự hướng dẫn của Minh Hiền, Thanh Trúc là những trưởng hướng đạo kinh nghiệm, do đó, các em được học hỏi tinh thần của một hướng đạo vớI những trò chơi tập tinh thần đồng đội, thương yêu, giúp đỡ.

Giờ ‘goûter’ là giờ các em chờ đợi, do các bà mẹ chuẩn bị. Các em đã chia cho nhau miếng bánh, chiếc kẹo, mỗi người mỗi thức ăn, do đó, các em đã thưởng thức đủ loại bánh. Nhất là sau khi ăn, các em đã tập dọn dẹp sạch sẽ phòng và tiếp tục phần chuẩn bị tập dượt để tham gia các sinh hoạt cần có….

Tôi nhận thấy trước đây, Phượng Ca cũng có các em thiếu nhi đến học, nhưng mỗi em được học riêng rẻ, nên không có không khí vui nhộn như lớp học chung này. Các em đi học nhưng không sốt sắng lắm, vì thiếu bè bạn để chơi, để nói chuyện. Từ lúc các em đến với nhau, không khí trở nên khác hẳn, các em mong được đi học đàn, các em mong được gặp bè bạn vào mỗi thứ tư. Sau giờ học tập, các em quyến luyến không muốn rời xa nhau…

Mỗi giờ là một cái gì khác nhau, ví dụ lúc tập đàn, các em đã cố gắng đàn đều hơn, đàng hoàng hơn, lắng nghe bạn mình đàn để rồi chờ đợi tới phiên mình. Giờ hát thì tranh nhau được hát trước một mình mỗi khi cô giáo yêu cầu. Giờ chơi thì đùa giởn náo nhiệt cả lên. Hết giờ học tập thì tất cả đều vui vẻ thoải mái ra về và lại hẹn nhau thứ tư tuần sau.

Lớp khai tâm âm nhạc dân tộc mới được bắt đầu niên học này, nhưng các em đã có dịp được tham dự chương trình “Tuần Lễ Á Châu năm 2000 ở Antony” tháng 11, ngày “Porte ouverte của hội Enfants du Soleil Rouge” ở Vincennes tháng 12 và đang chuẩn bị để đến với thư viện Jean Marie Melville Paris 13 trong tháng 1 năm 2001 để làm một chương trình thiếu nhi cho trẻ em tại thành phố này.

Lớp học có được thành tựu hay không, phải nghĩ đến các bà mẹ trẻ của Phượng Ca. Con đến lớp giờ nào, mẹ có mặt bên con giờ đó. Ngoài giờ tập đàn chỉ có riêng các em, còn những giờ khác, các bà mẹ cùng ngồi chung để tập hát, sinh hoạt, ăn goûter chung với các con.

Do đó, các em cảm thấy ở lớp học mình lại được có mẹ bên cạnh nhiều hơn.

Sự hiện diện của mẹ bên cạnh này đã là động lực cho các em vững lòng, yên tâm không sợ sệt khi ngồi đàn với cô giáo. Thỉnh thoảng các em còn nhìn xem mẹ có hát với mình không. Bà em nào quên không cất tiếng hát, con ngồi bên cạnh đã nhắc mẹ rồi…

Lớp nhạc khai tâm này đã đáp ứng nguyện vọng của tôi về việc gìn giữ và phát huy nhạc dân tộc. Cách đây hơn 10 năm, khi các cánh phượng đầu tiên đến tuổi lập gia đình, có con cái, tôi đã nghĩ tới vấn đề này, những dự tính là một chuyện, làm có được hay không đó là chuyện khác. Lứa nhi đồng Phượng Ca này, bây giờ đã được 7, 8, 10, 13 tuổi. Tôi đã lở mất một dịp để vun trồng cây nhạc dân tộc ngay chính con của các cánh phượng.

Phượng Ca đã không làm được việc uốn nắn cho con cái mình trong tinh thần của tình tự dân tộc, thì làm sao nghĩ đến tạo dựng một lớp khai tâm cho những đứa trẻ khác. Tôi suy nghĩ tại sao mình không tạo được môi trường âm nhạc dân tộc cho con cái của các người cộng sự với mình ???

Điều này suy nghĩ mãi cũng phải ra đáp số : lý do, các cánh phượng quen tiếng đàn tiếng nhạc dân tộc, nhưng người vợ hay chồng của các cánh phượng không phải là người cùng môi trường, cùng lý tưởng. Nếu không cùng chí hướng, thì rất khó theo đuổi việc Phượng Ca làm, các anh chị này sẽ không đủ can đảm đem con tới lớp mỗi tuần, rồi chờ đợi con học xong. Thêm một phần nữa là các cánh phưọng cũng không muốn người chồng hay vợ mình buồn, mà nếu muốn cho yên cửa yên nhà thì phải hy sinh, có nghĩa là phải ngưng hoạt động với nhóm một thời gian…năm năm, hay mười năm mới trở lại.

Bây giờ, lớp khai tâm đã được thành hình, ước mơ đã thành sự thật. Chiều thứ tư, dành riêng cho các bé và mẹ học đàn, con của mẹ cùng học đàn. Mẹ con cùng đàn với nhau, những bài học đầu tiên của lớp 1 với ngón trỏ, ngón cái, với những nốt Sol la đô đơn sơ, những bài đàn đầu tiên của lớp đàn tranh, những lời hát của bài Thu Hồ, mà mẹ hát, con hát, vì mẹ có hát được, thì mẹ mới tập được cho con mỗi ngày :

Công sách đèn chày ngày rạng danh
Nhọc rồi mới đến hồi thảnh thơi,
Ân đức thầy nhiều ngày dạy khuyên
Lại còn tốn cơm mẹ áo cha…

Hoặc lời của bài Thiên Bất Túc :

Sáo bay sáo nhảy,
Sáo lại chuyền cành
Sáo ca sáo hót,
Líu lo ó o rộn ràng
Cho lòng em vui
Cho trí em thảnh thơi… 

Lời ca cứ vang xa, cả trung tâm Olympiades đều nghe. Khiến người phụ trách trung tâm anh Thierry ham thích đều chạy vô phòng học, mỗi lần tới giờ các em tập hát, đứng nghe và muốn hát theo với đôi mắt mở to thích thú.

Từ lúc có lớp đàn thiếu nhi, mỗi trưa thứ tư, trung tâm vui nhộn hẳn ra, và suốt cả buổi chiều, chỉ thấy tiếng cười, tiếng hát của trẻ em Việt Nam rộn ràng, mà tôi nghĩ, mặc dù ồn ào, nhưng ban phụ trách trung tâm cũng cảm thấy vui hơn vì các bé đã đem sinh khí, đem sự tươi trẻ cho chúng ta.

Và khi nghĩ tới tương lai của âm nhạc dân tộc, chúng ta cảm thấy mình đã đang vun trồng hạt giống âm nhạc cho các bé tại nơi đây ngay từ bây giờ…

 

                                                     Phương Oanh.

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.