Phỏng Vấn


Trò chuyện với những người xa xứ: Những trái tim thương nhớ chính mình

23:08:52, 02/02/2007

Ngô Thị Kim Cúc

Chính trái tim Việt, tâm hồn Việt đã xui khiến các chị tìm về tâm linh Việt từ những hoạt động sân khấu trên đất Pháp và châu Âu.

Chị Dominique Hardy, Giám đốc nghệ thuật Hội Giao lưu văn hóa Pháp Á, và chị Phương Oanh, Giáo sư âm nhạc truyền thống Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc Phương Ca tại Pháp đang thực hiện một dự án: ghi lại những chuyện kể của người dân Việt ở thành thị, nông thôn, đồng bằng, miền núi…, qua đó cho thấy nét đặc sắc của tâm hồn Việt giữa cộng đồng văn hóa châu Á và thế giới. Những người Kinh ở nội thành Huế, ở cầu ngói Thanh Toàn, những người Tà Ôi ở A Lưới…, đã kể chuyện, đã hát, đã bộc lộ những gì liên quan đến tập tục, những quan niệm về tâm linh, tín ngưỡng, mối dây liên hệ giữa người sống và cõi chết, những điều kiêng kỵ trong sinh hoạt hằng ngày… Dự án này sẽ cung cấp chất liệu cho Dominique Hardy xây dựng tác phẩm thứ ba về Việt Nam, sau hai tác phẩm Cả một thế giới và Nẻo đường Kiều, đã ra mắt công chúng Pháp tại Nhà hát trẻ Strasbourg và Festival Sân khấu Avignon.

* Từ ý tưởng nào các chị đã hình thành chương trình này?

– Dominique Hardy: Khi tôi còn nhỏ, ở Việt Nam, bà nội tôi hay kể những chuyện ma quỷ thần thánh mà tôi nhớ mãi: một điều gì đó rất thật mà tôi cần phải giữ gìn. Lớn lên trong văn hóa Pháp, tôi hiểu những gì có trong tâm linh người Pháp. Sự khác biệt giữa hai nền văn hóa khiến tôi càng muốn tìm hiểu đến nơi đến chốn.

* Tâm linh, theo suy nghĩ của các chị, ảnh hưởng tới đời sống con người như thế nào?

 – Dominique Hardy: Tôi tin có thế giới vô hình, có những hoạt động về tâm linh mà không cần giải thích. Nhưng cần phải lắng nghe và để cho những ý tưởng đó được phát triển.

– Phương Oanh: Theo tôi, dân tộc mình có truyền thống thờ ông bà lâu đời nên tâm linh là chuyện đã ăn sâu vào tiềm thức người dân.

* Chị Phương Oanh đã rời Việt Nam hàng chục năm, chị Dominique với một nửa huyết thống Việt trong người, vậy cuộc sống tâm linh với phần Việt Nam đã đóng vai trò gì trong sinh hoạt hiện nay của các chị?

– Dominique Hardy: Từ phân nửa Việt Nam trong mình, tôi đã lập ban kịch Archipel indigo, để có thể làm việc cho những dự án giao lưu văn hóa giữa hai nước. Tôi muốn tạo nên sự chia sẻ và hội nhập văn hóa giữa người dân hai nước. Phần lớn người Pháp thích tìm hiểu văn hóa nước khác và người Pháp gốc ngoại quốc cũng vậy. Tất nhiên vượt qua rào cản ngôn ngữ không phải điều dễ dàng. Điều giúp tôi rất nhiều là khi được xem những vở kịch nói lên tâm trạng của chính mình. Tôi đã dùng âm nhạc như một phương tiện để trực tiếp đến với mọi người. Cả hình ảnh, ánh sáng, màu sắc và tất cả những phương tiện mà tôi sử dụng trên sân khấu đều được chọn lựa kỹ để đạt được mục đích tôi hướng đến.

– Phương Oanh: Mình có giữ thì mới còn được tâm hồn Việt. Sống xa nước hơn ba mươi năm nhưng tâm hồn tôi luôn hướng về quê hương. Tôi luôn dạy con cái sử dụng tiếng Việt, và nhất là ý thức rằng mình "là người Việt sống trên đất Pháp", với những phong tục tập quán của Việt Nam, vào ngày lễ tết cũng như trong sinh hoạt ngày thường.

* Chương trình ở Huế đã được các chị thực hiện đến đâu?

– Dominique Hardy: Chúng tôi được tiếp đón ân cần và được giúp đỡ ở khắp nơi. Những gì chúng tôi muốn biết đều được đáp ứng tốt. Mọi người đều muốn công việc được tiến hành sớm và tốt đẹp nhất. Tôi thích Huế vô cùng, cảm thấy thực sự có một thế giới vô hình và sự tiếp xúc tâm linh ở thành phố này. Tôi rất hào hứng có thêm những ý tưởng mới cho những chương trình sau nữa.

– Phương Oanh: Người dân Huế nói chung hiếu khách và nhiệt tình, có thể vì vậy mà Dominique rất mê Huế. Riêng tôi thì không lạ, vì Huế đã là một phần thân thể của tôi, dù hơn bốn mươi năm mới trở lại. Tôi thấy rằng dự án tìm hiểu về thế giới tâm linh của Dominique đã chọn đúng nơi để đến.

* Các chị có định tiếp tục chương trình này ở những vùng miền khác không?

 – Dominique Hardy: Tôi sẽ dựng một vở kịch mới với những gì có được ở Huế, và tất nhiên tôi không bao giờ từ bỏ những dự án trở lại nghiên cứu hay trình diễn ở Việt Nam. Chúng tôi đã nộp hồ sơ tham dự Festival Huế 2008.

 

Link

Link

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.