2007 02 08 Báo Thể thao & Văn hóa – phỏng vấn Phương Oanh.

 

Nov 14, ’07 8:51 AM
pour tout le monde

ký giả Lê Thị Như Trang,


1.    Trước tiên xin cô giới thiệu qua về bản thân với báo Thể thao và Văn hóa.

 PO.  Tôi tên là Phương Oanh – VÕ Quang.  Tốt nghiệp về đàn tranh và ca xướng
truyền thống tại nhạc viện Saigon. Đã dạy lại trường từ năm 1963 sau đó,  gia đinh tôi sang Pháp từ đầu năm 1975.

2. Cô đến với cây đàn tranh từ bao giờ?.  
 Năm 1955, người bạn của chị tôi, đã đưa tôi đến gặp giáo sư Nguyễn Hữu Ba  nhà ở đường Nguyễn Thiện
Thuật  để  xin học đàn Tranh. Sau đó tôi đã đậu thi tuyễn chính thức vào nhạc viện với số điểm cao nhất về ca xướng, đàn tranh và nhạc lý tây phương.
 
3.  Được biết, cô đã từng nổi tiếng tại VN trước năm
1975?
 
    Tôi  đươc cái may mắn duợc học với các giáo sư giỏi của nhạc viện  như Giáo sư Nguyễn Hữu Ba, Hùng Lân, Phạm văn Nghi, Nguyễn Cầu,  ca
Bắc với cô Kim Bản, Huệ Năng, ca Huế với cô Tuyết Hương, ca Nam với cô Hồ thi Bữu, Trang Ngọc Ánh, hoà âm, sáng tác,  nhạc sử, nhạc ngữ  với Lê Thương , Nguyễn
Phụng và Nghiêm Phú Phi.
Với số vốn nhạc tây phương và quốc nhạc, cũng như tính hiếu kỳ của tuổi trẻ, tôi đã xin học thêm các nhạc cụ tây phương và quốc nhạc khác như tỳ bà (thầy Vĩnh Phan), độc huyền (thầy Vĩnh Trân),
đàn nhị (thầy Bữu Lộc), dương cầm, ca xưóng cổ điển tây phương (thầy Vũ Văn Tuynh) đã cho tôi kiến thức rộng rãi về âm nhạc nói chung, và một chỗ đứng rất quan trọng trong lãnh vực giáo dục sau
này. .

Miền nam  trước 1963, hầu như dân ca nhạc cổ không đươc phổ biến rộng trong giới trẻ, do đó tôi đã dùng guitar  tự đệm cho mình khi hát những bài dân ca như Lý
Cây Đa, Xe chỉ luồn Kim…trong những chương trình văn nghệ Tết đưọc tổ chức  tại các đại học được sinh viên ưa thích và đã tạo thành một phong trào hát dân ca rầm rộ trong
giới trẻ. Mọi người biết đến tôi qua các họat động âm nhạc cho thanh niên và xã hội. Tôi cũng được cái may mắn làm việc với nhạc sĩ Hùng Lân trong các chương trình tìm hiểu về dân ca dân nhạc
trên đài truyền hình (Gió Khơi), và hát trên đài phát  thanh qua các chương trình ca Huế của cụ Vĩnh Trân (Hương Bình), ca Bắc của Cụ Hàn Năng (Phụng Minh) v.v…và tham gia các
chương trình thuyết trình về  âm nhạc truyền thống đến các học đường với giáo sư  Nguyễn Hữu Ba, du ca với nhạc sĩ Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang, Trịnh Công Sơn,
đem sinh hoạt văn nghệ  lành mạnh đến sinh viên thanh niên trong nước.

4. Cho tđến nay cô đã đào tạo được bao nhiêu trò?
 Trên 40 năm trong nghề, học viên cũng trên vài nghìn người theo học. Học viên theo học thì nhiều nhưng học được tới nơi tới chốn thì ít thôi. Tính cả trong và ngoài nước có
khoảng vài chục người. Đã có người rất thành công, cũng như có người cũng theo nghề dạy trong các nhạc viện hay các trung tâm văn hoá tại Pháp, cũng có người thành nhạc sĩ biễu diễn rất nổi
tiếng. Tại Pháp có được 10 người tốt nghiệp đệ tam cấp về đàn tranh  với bằng cấp của nhạc viện Pháp.

5. Phần lớn học trò học đàn tranh cô phải là con em người VN hay chủ yếu là các em nhỏ nước
ngoài?

 Mười năm đầu tiên ở hải ngoại, tôi nhắm vào các trẻ em Việt Nam sinh ra và lớn lên tại
đây.
 

Tôi muốn gìn giữ tiếng nói, phong tục và cách sống Việt Nam cho các em, mà những điều này tôi tin rằng qua âm nhạc sẽ thực hiện được. Nhưng sau đó, sau một chuyến đi 1 tháng dạy cho trẻ  em ở bên Mỹ năm 1984, do linh mục
 Ngô Duy Linh tổ chức. Lúc trở lại Pháp, tôi thay đổi ý dịnh vì thấy rằng mình cần phải hội nhập vào xả hội đang sống để người địa phương biết tới văn hoá Việt Nam nhiều
hơn.  Tôi mở rộng cửa để đón nhận tất cả mọi người, nhất là trẻ em mà bố hay mẹ là người ngoại quốc và cho cả người
lớn đến học.


6. Được biết, nhiều nơi ở Pháp và trên thế giới đã mời cô giảng dạy về nhạc Việt và đàn tranh?
 Từ  hơn 20 năm qua, tôi đã đào tạo các lớp đàn
tranh ở các nước Âu Châu như Bỉ, Hoà Lan, Đức, Thụy Sỉ,  và lúc sau này có lớp đàn tranh ở Na Uy. Chưa kể các lớp đàn tranh ở Paris và các vùng phụ cận hay các tỉnh xa của xứ
Pháp. Nhất là ở quận 13, nơi được coi như thành phố của người Á châu nói chung và Việt nam Trung hoa nói riêng, Phượng ca có trụ sở do
chính phủ cấp để hoạt động.


7. Ngoài dạy đàn tranh, và âm nhạc Việt, cô có giảng dạy các loại nhạc cụ dân tộc khác? và có dành thời gian sáng
tác?

 Ngoài đàn tranh là môn học chính thức, các học viên được khuyến khích tập thêm các nhạc cụ khác để  xử dụng trong ban nhạc. Các nhạc khí Nguyệt ,Tỳ Bà,
Nhị, Sáo, Bầu, bộ gõ và hát đều được hướng dẫn cho học viên có thiên khiếu, đó là do tính hiếu kỳ lúc bé đã cho tôi hiểu cách xử dụng và cách diễn tấu mỗi nhạc cụ. Ở đây, nhạc cụ địa phương như
dương cầm, vĩ cầm ghi ta tìm người giỏi không khó, nhưng tìm được một người đàn được đàn tranh , đàn nguyệt, đàn bầu thì giống như đãi cát tìm vàng. Các nhạc cụ tây
phương ai cũng có thể học dể dàng trong các nhạc viện. Nhưng đàn tranh, đàn
nguyệt thì phải tìm đến cô Phương
Oanh.

Nước Pháp là một nước rất trọng văn hoá. Paris có 20 quận, mỗi quận đều có trường nhạc cả. Nói như thế là chúng ta thấy chính phủ khuyến khích  và tạo điều kiện
để dân chúng trao dồi nghệ thuật văn hoá như thế nào?

Tôi nghiên cứu rất nhiều về các tài liệu âm nhạc truyền thống và dân gian, vì ở ngoại quốc, việc dạy đàn không phải chỉ dạy đàn mà thôi, học viên muốn tìm hiểu bộ môn họ học, thì mình phải giải
thích , phải hướng dẫn cho họ. Do đó, một thầy dạy nhạc truyèn thống phải luôn tràochân tại chỗ.
dồi kiến thức tổng quát và chuyên môn thì mới đúng là thầy dạy nhạc tại đây.
Lúc mới vào học nhạc viện, tôi học song song ca xướng cổ truyền và ca xướng tây phương. Lúc đó còn quá bé để hiểu. Có một sự mâu thuẩn giữa hai cách hát. Tôi phải bỏ lớp ca xướng tây phương để
học chuyên bên cổ. Nhưng vẫn tiếp tục lớp nhạc lý cho đến khi ra trường, vì  tôi biết nhạc lý rất quan trọng để mình tiến xa hơn trong việc học hỏi bất cứ gì liên quan đến âm
nhạc.

Tôi có sáng tác lúc mới tới vì nhu cầu đòi hỏi. Về sau này, việc tìm kiếm gìn giữ vốn cổ rất quan trọng, tôi đi sâu vào việc nghiên cứu này, nên sáng tác không
nhiều. Tôi vẫn liên lạc thường xuyên với đồng nghiệp trong nước, vẫn tập dượt và dạy các sáng tác của các bạn trong nước cho
đàn tranh để mình không bị dậm chân tại chỗ.


Khi mới tới Pháp,gặp một người trẻ tuổi học có chức phận trong xã hội, (kiến trúc sư)  đã  nói ‘nhạc cổ  như món đồ
cổ  để trong bảo tàng viện, khi nào cần mới được đem ra đánh bóng để
chưng mà thôi’. Câu nói này đã làm tôi đánh giá
 con người và câu nói đã ám ảnh tôi, do đó tôi luôn luôn chứng minh cho những ai coi thường nhạc cổ  biết rằng – nhạc cổ
 là linh hồn của dân tộc.

Tôi tạo ý mới trong cách học cho nhạc cổ tươi trẻ theo thời gian mà không bị lai căng. Điều này rất quan trọng,  vì khi theo tân mà không để ý cái cổ, 
theo mới mà không giữ cái gốc, thì mình sẽ
sinh ra một loại quái thai cho nghệ thuật cổ, nguy hiễm lắm.

Nghệ  thuật cổ truyền nói chung âm nhạc truyền thống nói riêng là hình ảnh văn hoá đất nước luôn đi đôi với sự tiến hoá của dân tộc. Một
nước không có nét đặc thù riêng của văn hoá, thì nước đó sẽ bị cường quốc đồng hoá và sẽ  bị diệt vong.

8. Sau 30 năm giảng dạy đàn tranh và âm nhạc dân tộc, cô có những trăn trở suy nghĩ gì?
 Sống xa quê hương gần 40 năm, trong tim tôi, luôn luôn hướng về quê mẹ, việc làm của tôi luôn cố gắng tạo nên tiếng
tốt cho văn hoá nước nhà. Âm nhạc dân tộc ở trong tim, óc, máu của tôi.  Tôi được cái may mắn có ngưòi chồng tốt, anh ấy hiểu và giúp đở tôi rất nhiều trong công việc tôi làm. Với kiến thức
của người khoa học, anh ấy đã  cố vấn và làm việc với tôi để mỗi chương trình giới thiệu văn hóa VN đến người ngoại quốc được đúng tiêu chuẩn quốc tế.

 Những trẻ em đến học, tôi luôn luôn tạo dịp để  các cháu nói tiếng Việt với mình, mặt dù  cháu  là
người Việt hay người ngoại quốc, và tạo cho cháu cái hãnh diện mình được
học đàn cây đàn tranh Việt Nam.….Tôi luôn mong mõi người Việt Nam ở xa quê hương ráng giữ được
tác phong của mình trên mọi lãnh vực để  không mắc cở với những người bạn cùng làm việc với mình trong và ngoài nước về ãnh vực văn hoá, nghệ thuật.

Muốn giữ đúng được những điều này, chính mình phải tự trọng và chính mình phải giữ đúng lời nói của mình đi đôi với việc làm.

9. Cuộc sống của cô ở Pháp hiện nay thế nào. Chắc hẳn cô đã thích nghi nhiều với phong tục tập quán nơi xứ người?
Điều đó
là dỉ nhiên vì tôi sống trên nửa đời người nơi đây. Nhưng không vì thế mà mình quên đi cội nguồn. Nhất là
trước khi lên máy bay đi Pháp, chị Phạm Thúy Hoan
(câu lạc bộ Tiếng Hát Quê  Hương) nói : – Oanh đi, miền
Nam mất một nhân tài.
Tôi trả lời Hoan như sau: – Nếu không làm được gì cho âm nhạc dân tộc, tôi không trở về…
Hai mươi năm sau tôi trờ lại Saigon , người đầu tiên tôi gặp là Hoan. Tôi đã nói với bạn: – Oanh đã trở về , dám nhìn thẳng và hảnh diện nói với Hoan rằng Oanh đã
làm được những gì đã hứa về việc gìn giữ và phát huy âm nhạc cổ truyền tại châu Âu.

Cuộc sống của tôi ở Pháp cũng như bao nhiêu người Việt khác ở xứ người  là phải học tiếng người để có theo giao dịch và thích nghi với cuộc sống mới. Thích nghi
có nghĩa là mình không bị lạc lỏng, không bị ngu dốt, không bị người địa phưong coi thường…

Trong 20 năm dạy đàn tranh trong nhạc viện Pháp, mỗi năm tôi đều ghi danh theo học những khoá học dành cho giáo sư để nâng cao trình độ của mình. Khoá học nào cũng
được đồng nghiệp, người hướng dẫn thích thú khi được nghe tiếng đàn tranh solo hay hoà chung khi thực tập. Qua những khoá học này đã cho tôi thêm kiến thức, kinh nghiệm về chuyên môn và tổ
chức.

Tôi đã  thích nghi cuộc sống tại đây qua các phong tục hay của họ như mỗi tối cũng như mỗi sáng khi các con vừa thức dậy
hay đi ngủ đều chào và chúc nhau ngủ ngon. Điều này rất cần thiết cho con cái và bố mẹ biết mình được hạnh phúc có nhau bên cạnh. Gia đình chỉ được gặp nhau có tí xíu giờ buổi sáng và buổi tối
trước khi đi ngủ. Thì giờ dành cho các con không đủ để yêu thương, âu yếm, tâm tình. Nên tôi rất quí giờ phút này.

Những khi đi dạy ở Mỹ, hay ở các nước xa,  khi con còn bé, tới giờ thức dậy hay đi ngủ, tôi đều gọi điện thoại cho con để chúc buổi sáng hay ngủ ngon. Để con
nghe tiếng nói của mình, để  con biết rằng mẹ không quên các con.

Với con cái tôi cố  gắng giữ cho các cháu phần nào nếp sống Việt Nam với phong tục, tập quán của mình, điều này không phải dễ ở xứ người..
Khi các cháu còn nhỏ, tôi luôn tìm cách kể chuyện ngày xưa về nơi của mình sống để các cháu cảm thấy được chỗ đứng của mình trong gia đình, trong quê hương. Tôi luôn
luôn nói với các con mình phải học giỏi, phải ngoan với cha mẹ để ‘tây phải sợ’ , nhất là hãnh diện mình là trẻ em Việt
Nam có tư cách và học giỏi. Nhưng cũng không gò bó quá để các cháu
không cảm thấy cuộc sống gia đình Việt Nam quá khắc khe không được tụ do như ở những gia đình người ngoại quốc khác.


Với trẻ em Việt hay lai, chúng có hai nền  văn hoá, hai
phong tục được hấp thụ, nếu chúng ta hướng dẫn tốt thì đó là một may mắn cho gia đình, cho xã hội và cho đất nước. Khi dạy con, tôi  đã dung hoà hai lối giáo dục, cái gì đẹp của hai bên, tôi
giữ, cái gì không hay, tôi bỏ, nhưng tôi vẫn nói lên và phân tích để các cháu biết được cái đúng và cái sai này.

Thích nghi cuộc sống ở đây là giữ lời hứa và đúng giờ.Tôi được mọi người quí trọng có
thể nhờ tôi giữ được uy tín của mình khi làm việc. Tôi tâm niệm rằng, là một nghệ sĩ chân chính, có ba điều  cần phải noi theo, mà những lời nây chính thầy Nguyễn Hữu Ba  đã từng nói
cho học trò nghe  khi mới đến học lần đầu tiên – là sống trên đời  phải giữ CHÂN THIỆN MỸ.

Trong âm nhạc, trong nghệ thuật, tôi nhận thấy mình cần phải có ĐỨC – TRÍ – TÀI. Thiếu một trong ba cái sẽ không hội đũ tư
cách của một người nghệ sĩ chân chính.

Thích nghi cuộc sống ở đây là phải xin lỗi khi mình làm sai.  Điều này  cũng rất hay tạo cho mình có
tư cách và có sự suy nghĩ trước khi làm việc gì. Theo thói quen, ngưòi ta hay nói ‘xin lỗi’ khi lên xe, xuống xe công cộng, khi đứng xếp hàng trong các chổ mua bán. Rồi khi lỡ đụng nhầm làm con
chó kêu lên vì đau thì cũng quen miệng xin lổi nó luôn.

 
10. Được biết, cô là người sáng lập ra nhóm Phượng ca? Cô có thể giới thiệu qua về nhóm nhạc này? Và hiện tại, ở Pháp cô đã tiếp nối truyền thống của nhóm nhạc
này như thế nào?

Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc đươc thành lập tại Saigon năm 1969.
Châm ngôn của Phượng Ca là ‘một truyền thống đang được tiếp nối’ đã nói lên được công việc của Phượng ca rồi.  Đó là gìn giữ, phát huy bảo tồn và
phổ biến  âm nhạc dân tộc đến với mọi từng lớp người trong xã hội.

Phượng ca không có tham vọng đào tạo nghệ sĩ chuyên nghiệp, mà chỉ mong mõi làm sao tất cả mọi người đều có thể biết xử dụng một vài nhạc cụ dân tộc , hát được một
số những bài dân ca phổ thông.

Những lời nói này là tiếng nói sự thật của chính trái tim tôi, vì tôi là một người đã ở trong tâm trạng đó ở trong nước. Khi sống xứ người, thì điều này càng in sâu
trong tim tôi. Không gì sung sướng và ấm lòng khi gặp nhau, mặt dù ở bất cứ  nơi nào, người Việt đều có thể hát chung với nhau  những bài dân ca VN.

Tiếng nói mẹ đẻ trên môi làm mình nhìn nhau thân ái, tình gia
đình nảy nở và cảm thấy như anh chị em cùng một nhà, mặc dù mới gặp nhau. Lý do này đã thúc đẩy và tạo cho tôi sự tự tinh khi tái lập Phượng Ca.

Sau khi ổn định cuộc sống, tôi đã  bắt tay gieo trồng lại cây âm nhạc dân tộc tại đây (Pháp) để  cho sinh viên và  trẻ em Việt Nam sinh và lớn lên tại
đây có môi trường đến với âm nhạc dân tộc,  cũng như những người địa phưong muốn tìm hiểu văn hoá Việt Nam qua âm nhạc có thể đàn hay hát đưọc nhạc cổ truyền Việt Nam.

 Thời gian hơn 30 năm hoạt động tại Pháp, Phượng Ca đã  có  một chỗ đứng rất quan trọng trong  lãnh vực giáo dục. Với băng cấp ‘giáo sư quôc gia
Pháp’ về âm nhạc truyèn thống Việt Nam,  trường âm nhạc dân tộc Phượng Ca được chính phủ công nhận  là trường nhạc dân tộc duy nhất  tại Pháp với chương trình giảng dạy đàn tranh
đã có chính thức trong  bộ văn hoá giáo dục. Và đàn tranh cũng đã được dạy trong hai nhạc viện tại Pháp.

11. Những dự định của cô trong tương lai. Cô có định trở về VN giảng dạy đàn tranh?
  40 năm  trong nghề dạy học ở trong nước cũng như tại Pháp, rtôi luôn luôn có những dự
định cho tương lai của nền âm nhạc dân tộc.
Tôi rất mong muốn các đồng nghiệp của tôi có được những điều kiện để được đi
tham quan, trao đổi
chuyên nghiệp nước ngoài, ví dụ như với những nước coi trọng văn hoá, coi trọng nghệ thuật truyền thống.  Nếu được như vậy, thì cách suy nghĩ, cách làm việc sẽ
tốt hơn để nâng cao trình độ giảng dạy, tổ chức cho âm nhạc dân tộc
trong nước hơn. Muốn làm được điều này, các nhà giáo, nghệ nhân cần phải có một
cuộc sống đầy đủ, hoặc tương đối ổn định về công ăn việc làm. Nếu được chính phủ quan tâm đến thì họ có thể phát triễn được tài
năng của họ để làm tốt đẹp hơn cho nghệ thuật.

Tôi luôn luôn gắn
liền
với quê hương qua suy nghĩ, qua cách sống, tôi luôn tìm cách trở về hoạt động cho âm nhạc dân tộc như các bạn tôi,
ví dụ như anh Tôn Thất Tiết, Nguyễn Thuyết Phong là những người tôi rất quý trọng.

Để giảng dạy đàn tranh ở trong nước, thi tôi không muốn dẫm chân lên bạn đồng nghiệp. Nhưng nếu làm được gì cho đàn tranh, hoặc tôi có thể giúp gì cho đàn tranh phát triễn tốt mà không đụng chạm với mọi người thì tại sao không?

  12. Hiện nay, âm nhạc dân tộc ở VN
không được coi trọng. Theo cô, chúng ta phải làm thế nào để âm nhạc dân tộc đến mọi người?

Tại sao âm nhạc dân tộc không được tôn trọng ở trong
nưóc, không phải bây giờ mà đã từ xa xưa rồi. Tôi không hiểu “ở Hà Nội ra sao, chứ trong miền
Nam, từ trước 1975 nhạc cổ không có chổ đứng tốt trong môi trường văn hoá chính thức, .

Trên đài phát thanh, số giờ cho các ban cổ nhạc chưa được 1/3 số giờ dành cho tân nhạc. Tranh đấu mãi, mỗi miền có được một ban, còn tân nhạc thì hết ban này đến ban
kia. Thêm tính vọng ngoại  của người Việt coi trọng ngoại quốc cũng là một điều đã làm cho nhạc dân tộc bị coi thường.

Chúng ta không thể qui tội vào chính phủ hay người trách nhiệm lo cho dân cho nước được. Từ lúc lập quốc đến giờ, nước Việt luôn bị xâm chiếm bởi các cường quốc. Sự
sống còn bị đe dọa thì làm sao mà nghĩ đến văn hoá nghệ thuật được?

Tôi rất kính trọng thầy Nghiêm Phú Phi  khi làm giám đốc nhạc viện, thầy đã nâng đỡ, khuyến khích các giáo sư, nhạc sinh bên quốc nhạc tham dự và làm những
chương trình trình diễn cho quốc nhạc tại nhạc viện hay tham dự những chương trình có tính cách quốc tế.Tôi hy vọng từ thế kỷ này trở đi, Việt
Nam đã độc lập,
trình độ dân trí cao. Khi đất nước  thanh bình, cơm no áo ấm,  văn hoá sẽ được bành trướng, nghệ thuật nâng cao thì âm nhạc dân tộc sẽ có lại được chỗ đứng xứng đáng với
điều kiện là người trách nhiệm về  văn hoá phải có trình độ và biết quí giá trị âm nhạc cổ..

Muốn đáp ứng nhu cầu và được đứng ngang hàng với thế giới. Vấn đề đấu trí bây giờ không qua chiến tranh nóng, lạnh mà qua kinh tế và nghệ
thuật. Nhìn lại những nước chung quanh ta như Trung Hoa, Nhật Bản. Bây giờ là Đại Hàn v.v…họ đã biết cái giá trị của âm nhạc, của  nghệ thuật cổ truyền và đã đem văn hoá mình đi đến khắp nơi
trên thế giới  qua truyền hình, qua băng đĩa, qua internet…

Nhìn người rồi nhìn lại mình, tôi tin là nghệ thuật cổ Việt Nam nói chung, âm nhạc dân tộc Việt Nam nói riêng sẽ được
cả nước lưu tâm để làm sống lại tình tự dân tộc qua các bộ môn nếu muốn góp mặt với mọi người. Nhưng cần phải có sự động viên tinh thần và hành động thực sự và của chính bản thân chúng
ta.

Vấn đề giáo dục âm nhạc dân tộc phải đặt trọng tâm ngay từ đầu,  khi các trẻ  thơ mới bắt đầu vào mẫu giáo. Có làm được như thế, không lo sợ âm nhạc dân
tộc bị bỏ rơi và bị quên lãng.
Người ta nói
                               
Uốn tre từ thuở còn non 
                          Dạy con từ thuở con còn thơ
ngây.

là một lời nói bất di bất dịch. Nếu dân tộc được giáo dục từ những đứa trẻ thơ, thì theo thời gian, tất cả mọi
người đều được hấp thụ và biết được điều hay dở phải làm.

Ngoài ra ,xin cô giới thiệu thêm về cuộc sống của mình, về công việc hiện nay cũng như những tình cảm của người con xa quê dành cho đất nước và con người VN cũng
như những kỷ niệm về những chuyến trở về thăm quê hương!

Cuộc sống của tôi tại Pháp hiện nay cũng như ngày xưa ở quê nhà luôn luôn có nhiều hoạt động về nghệ thuật, xã hội và thanh niên. Hoạt động văn hoá dính liền con người tôi như
keo sơn không thể tách rời.  Trình diễn và hướng dẫn cho trẻ em trường tiểu học trong các festival, đến với các trung tâm người già, giao lưu văn hoá với các nước bạn ở trong và
ngoài xứ Pháp, các chương trình gặp gỡ nghệ sĩ thế giới…

Tôi được cái may mắn  là cả nhà cùng làm việc chung trong lãnh vực nghệ thuật. Trên sân khấu, mỗi
người một nhiệm vụ. Con trai học vĩ cầm 10 năm để kéo nhị cho mẹ. Con gái học dương cầm 10 năm để đàn nguyệt, ông chồng, ngoài việc tổ chức, giới thiệu chương trình thì phải giử bộ gõ cho dàn
nhạc.

Bên Pháp này, muốn làm công việc gieo truyền văn hoá, mình phải bao gồm hết các bộ môn, chứ không chuyên về một khiá cạnh. Ví dụ,  trong nước, nghệ thuật 
những ngươì chuyên nghiên cứu, giáo dục, biểu diễn. Bên  này, mình phải đáp ứng hết cái nhu cầu đòi hỏi của ban tổ chức, nếu không thì không thể làm việc chung với
ngươì  địa phương được nhất là trình độ thưởng thức nghệ thuật người Pháp rất cao. Do đó cần phải học hỏi, trau dồi kiến thức và tài năng của mình luôn.

Từ khi có thể làm được gì cho văn hoá quê hương, tôi vẫn tạo cơ hội để được về thăm nhà và làm việc với các ban kịch nghiên cứu về nghệ thuật cổ. Ví dụ năm 1999, tôi hướng dẫn một phái đoàn gồm
giám đốc và giáo sư  nhạc viện Pháp đi thăm viếng giao hữu với nhạc viện Hà nội, Saigon.

Với Dominique Hardy và ban kịch Archipel ở Strasbourg có những dự án về tìm hiểu cãi lương năm 2000 và năm nay với phần nghiên cứu về tâm linh và âm nhạc tôn giáo ở Huế và Hànội, cùng
trình diễn cho trung tâm văn hoá Pháp tại Việt Nam.

Mỗi chuyến đi là một kỹ niệm khác nhau, vui có buồn có, hoang mang có. Nói tóm lại, mỗi lần trở về Việt Nam để được nhìn thấy sự tiến bộ quá nhanh của một nước sau chiến tranh mặc dù đã hơn 30
năm, tôi không biết nói sao. Chĩ mong rằng, sự tiến nhanh này sẽ được bền bĩ.
Riêng cái điều làm tôi ấm lòng là dù có thay đổi quá nhanh trong cuộc sống, tình gia đình, tình quê
hương
vẫn là điều đã lôi cuốn tôi trở về mỗi khi có dịp.


Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.