2008 02 28 Chơi Với Cây Đàn

 

Feb 28, ’08 9:57 AM
pour tout le monde
Tiểu Quyên, source Du ca.
Tiểu Quyên, Source: Du Ca VN

Phương Oanh, con chim đầu đàn của ban nhạc dân tộc Phượng Ca từ Pháp trong chuyến sang thăm bạn bè tại vùng Tiểu
Saigon, đã làm cho họ ngạc nhiên không ít về phương pháp dạy đàn tranh mới mẻ của cô. Dáng người vẫn nhanh nhẹn, tiếng cười nói vẫn ríu rít như chim, Phương Oanh cho biết cô có thể dạy một em bé
khoảng 3-4 tuổi cũng như các cụ già trên 70 « chơi với cây đàn » một cách tài tử, ngay từ buổi học đầu tiên. Kẻ viết bài này, chưa bao giờ cầm tới cây đàn dân tộc ấy, đã xin được thực nghiệm ngay
với cô bạn để coi cô dạy dỗ cách nào mà học trò lại có thể chơi đàn mau như vậy được. Ai cũng biết âm nhạc nghe thì dễ nhưng muốn tấu lên một khúc đàn không phải là công trình có thể làm ngay
được như kiểu mì ăn liền, trà uống gói. Trong vòng nửa giờ, Phương Oanh đã làm cho người học trò mới mến cây đàn tranh, yêu thanh âm của 16 dây đàn mỏng manh đó. Phương Oanh còn gẩy vài khúc nhạc
theo ngẫu hứng tự do, tiếng đàn như nước chảy mây trôi, khiến cho người nghe thoải mái vô cùng. Cô nói: « Bạn cứ gẩy theo cái tâm của mình, muốn khoan muốn nhặt, thấy làm sao thích hợp nhất là cứ
làm ». Theo phương pháp « chơi với cây đàn » một cách tự do, người dạo đàn chưa cần học theo bài bản, chưa cần chú ý gì tới cung bậc thứ trưởng chi hết. Họ chỉ gẩy những dây đàn cho thanh âm phát ra
theo cảm hứng trong tâm họ mà thôi. Chơi với cây đàn tranh lần đầu, quả là một kinh nghiệm hứng thú và đặc biệt.

 

Buổi sáng hôm sau, trời cuối Hè đã mát mẻ, chúng tôi lại được tham dự buổi chơi với cây đàn của một em bé 4 tuổi tên là
bé Trúc. Chỉ cần dăm ba phút làm quen với bé, Phương Oanh đã rủ được cô học trò nhỏ ngồi xuống nghe cô giáo đàn một khúc nhạc ngắn vui tươi. Mấy phút sau đó, bé Trúc chịu để cho cô giáo Phương
Oanh đeo móng (để gẩy đàn) vào hai ngón tay cái và trỏ của bàn tay phải của em. Sau đó, cô giáo đặt cây đàn tranh lên đùi em, và rủ em bắt đầu chơi với cây đàn. Em bé xúng xính trong bộ áo đầm
màu đỏ, chỉ ngần ngừ một chút xíu lúc đầu, sau đó bắt đầu chơi với cây đàn em mới thấy lần đầu với chút ngần ngại, e dè. Cây đàn phát ra những âm thanh non nớt rụt dè: Sòn-La-Đô-Rê-Mí…
Sol-La-Do-Re-Mi… Sau đó, bé Trúc bắt đầu thấy tự tin hơn, bắt chước cô giáo gẩy hết 16 dây đàn theo những mẫu âm thanh mà cô giáo đã làm. Tiếng đàn bắt đầu rõ nét hơn, em bé cảm thấy tự tin
hơn… Ông bà nội của bé sung sướng ngồi nghe em học bài học vỡ lòng đàn tranh với người bạn từ thuở còn niên thiếu của họ: Phương Oanh vẫn như thuở nào, trẻ trung và có tài dụ con nít rất
hay.
 

Buổi học đầu để cho người học trò « chơi với cây đàn » đúng ra chỉ là một buổi sơ giao làm quen giữa « cô giáo và học trò »,
giữa « người và đàn ». Phương Oanh muốn giới thiệu cây đàn với người muốn học, để cho trò thấy mến cây đàn, không sợ sệt, không bị mặc cảm yếu kém, mà có niềm tự tin rằng mình có thể học để chơi
đàn tranh được. Ai cũng biết âm nhạc nghe thì dễ nhưng muốn tấu lên một khúc đàn không phải là công trình có thể làm ngay được như kiểu « mì ăn liền ». Tuy nhiên, nhờ công phu nhiều năm học hỏi
trong các khóa tu nghiệp của nhạc viện Pháp, Phương Oanh đã có sáng kiến để giới thiệu cây đàn tranh với những người học trò mới tinh, hay những người muốn chơi đàn nhưng không có nhiều năng
khiếu về âm nhạc. Đó là một phương pháp khá thành công, giúp người học, cho dù còn rất nhỏ (từ 3 tuổi) hay đã khá lớn ( trên 60-70 tuổi), trò nào cũng có hứng khởi và yêu thích việc tập
đàn.
 

Nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam trước 1975, Phương Oanh hiện vẫn đang tiếp tục hướng dẫn nhóm Phượng Ca mà cô sáng lập
từ năm 1969 tại Saigon. Sang tỵ nạn xứ Pháp cùng gia đình từ năm 1975, Phương Oanh đã bắt đầu lập lại nhóm dân ca quốc nhạc Phượng Ca sau khi gặp lại Khánh Ly trong buổi cô qua Paris hát (năm
1976). Ngoài Khánh Ly, cha Ngô Duy Linh, nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh và nhiếp ảnh viên Hà Phong là những người thúc đẩy, khuyến khích Phương Oanh rất nhiều trong bước đầu ở đất Pháp.
 

Đêm trình diễn đầu tiên năm 1978 của nhóm Phượng Ca tại hội trường sinh viên quận V, Paris, nhóm có 15 người, đa số là
các sinh viên Việt tại đại học Paris 7. Buổi trình diễn được giáo sư Trần Văn Khê và cha Ngô Duy Linh chủ tọa, với hơn 100 khán giả rất nhiệt tình ủng hộ.
 

Phương Oanh sanh tại Đà Lạt năm 1945. Là con út trong gia đình 8 anh chị em, cô được chị thứ tư (chị Cúc) cưng chiều và
chăm sóc như người mẹ thứ hai vậy. Học trong trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon với thầy Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Cầu, Hùng Lân, Trịnh Chúc, cô Tuyết Hương và Phạm Duy, cô tốt nghiệp năm 1963 về đàn
tranh và ca xướng cổ truyền (đặc biệt nhạc miền Trung). Phương Oanh trở thành phụ giáo rồi giáo sư tại trường nhạc đó cho tới năm tới năm 1975. Có lẽ khả năng tiếp xúc dễ dàng với trẻ em của
Phương Oanh, cũng như hoàn cảnh luôn được sinh hoạt với giới trẻ đã khiến cho cô giữ được vẻ tươi vui hiếm có. Sau hơn ba thập niên làm đầu đàn cho các cánh phượng, làm giám đốc trường nhạc
Phượng Ca, Phương Oanh vẫn có dáng vẻ nhí nhảnh, xinh xắn của cô thiếu nữ thập niên 1970. Hiện cô tuy bận bịu với công việc giảng dạy tại các nhạc việc, Phương Oanh vẫn tiếp tục dạy cho các thanh
thiếu niên Việt Nam và hướng dẫn họ trong các sinh hoạt chung của nhóm Phượng Ca.
 

Phương Oanh đang sống tại ngoại ô Paris (Pháp Quốc) cùng chồng và hai con. Từ năm 1990, kỷ niệm 25 năm di trú trên đất
Pháp, Phương Oanh đã có sáng kiến tổ chức chương trình Á Châu cùng với hội đoàn các bạn xứ khác cũng di cư sang Pháp, những ngày văn hóa làm bó hoa cảm ơn cưu mang của dân tộc Pháp đối với họ.
Năm 1997, Phương Oanh tổ chức ngay tại quận Antony, do Hội Người Việt đỡ đầu, có sự tham dự của các nhóm văn hóa Cao Mên, Ai Lao, Ấn Độ, Trung Hoa, Nam Dương và Đại Hàn, Nhật Bản. Từ các sinh
hoạt đó, Phương Oanh được nhiều thành phố chú ý nên họ đã mời cô giảng dạy về nhạc Việt và đàn tranh trong hai nhạc viện: Darius Milhaud vùng Antony (phía Nam Paris, từ năm 2001) và Sevran (phía
Bắc Paris, từ năm 1987). Ngoài ra cô thường sang Oslo (Na Uy) và Thụy Sĩ giảng dạy theo lời mời của các nhóm dân ca quốc nhạc địa phương. Phương Oanh cho biết lần này qua Cali là để thăm các
thầy, các bạn cũ của trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon, các bạn cùng làm việc trong Sở Chính Huấn trước năm 1975, và nhất là các bạn đã từng sinh hoạt chung thời thanh niên sinh viên như nhóm anh
chị em báo Người Việt, và nhất là gặp lại gia đình người bạn rất thân: Nguyễn Đức Quang và Minh Thông. Nhiều người chắc còn nhớ ban nhạc sinh viên Trầm Ca thời 1965, gồm 6 nhân vật: Nguyễn Đức
Quang, Trần Trọng Thảo, Hoàng Thái Lĩnh, Đinh Gia Lập, Nguyễn Quốc Văn, Hoàng Kim Châu và sau đó thêm Phương Oanh. Hầu như Trầm Ca là nhóm ca nhạc sĩ tiền phong trong lối trình diễn các bài hát
trong cộng đồng thanh niên. Phương Oanh và Nguyễn Đức Quang thường hát song ca với nhau và bản dân ca Đèn Cù có lẽ là bản  được nhiều khán thính giả ưa thích nhất.

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.