2008 04 06 Trương Tấn Bửu – trường trung học đầu tiên tôi dạy nhạc.

 

Apr 6, ’08 2:58 AM
pour tout le monde
  
Gặp lại Nguyễn Ngọc Thạch qua internet hôm qua, 1/4/2008, được anh gửi tặng vài tấm hình xưa, bao nhiêu kỷ niệm đẹp lại trở về với tôi thuở còn đi dạy ở Trương Tấn Bửu. Cũng do anh Thạch, mà tôi
trở thành thầy giáo nhạc cho tất cả
các lớp từ đệ thất đến đệ tam của trường từ năm 1971-72
.
Tôi nhớ rõ một ngày đẹp trời, với Trần Đại Lộc, đi sinh hoạt với nhau, có mặt Thạch nữa, sau đó Thạch hỏi tôi có muốn đi dạy nhạc ở trường học chữ không? Vì trường mới mở đang cần thầy.(Lúc đó,
tôi mới biết Thạch dạy Pháp Văn, Trần Đại Lộc thì dạy về triết, những bạn khác phần lớn cũng trong nghề thầy giáo toán, vật lý…) Tôi nhận lời, hẹn ngày đến trình diện ông hiệu trưởng và năm học
bắt đầu tôi đến, buổi sinh hoạt dã chiến ngay sân trường, khi Thạch giới thiệu tôi với học trò, các em chào đón cô giáo mới với những banderole, biểu ngữ ghi tên Phương Oanh và tiếng vỗ tay không
ngớt. Sau đó, thầy Thạch dắt cô giáo vào lớp để…trình diện …học trò.

Người ta nói : nhứt quỹ, nhì ma, thứ ba…học trò quả không sai..Tôi phải nghĩ cách để cho các em vào khuôn, nếu không mình sẽ bị các em…hành. Tôi phải dùng tâm lý để nói chuyện và học thuộc
tên, chỗ ngồi mỗi em để khi có người khó dạy, là phải gở cái ‘nhựa khó’ ra ngay?

Lớp học ở Việt Nam rất đông học trò, từ trên bàn thầy giáo nhìn xuống, hai dãy bàn ghế, mỗi bàn có 4 hay năm em, một lớp trung bình có khoảng  60 – 70 người. Dạy nhạc trường chữ không giống
như dạy ở trường nhạc, vì là môn phụ, học trò không chịu học hành tử tế. Nếu mình không có khả năng, không có đủ mạnh, mình còn quá trẻ, thì mình dể bị học trò ăn thịt ngay. Do đó, vào lớp, trước
nhứt tôi để ý xem những học trò nào phá nhất,  thì không cho ngồi chung với nhau. Để giử trật tự cho cô giáo thì tôi bắt các anh chị này làm cảnh sát bảo vệ thầy.

Trường trung học Trương Tấn Bửu ở quận 6 Chợ lớn…

Giờ thì tôi không còn nhớ nó ở đâu (?) nhưng trong ký ức khung cảnh trường thì không bao giờ tôi quên, trường nhỏ thôi, các lớp học vây quanh sân chơi, lớp không có cửa để ngăn tiếng động, do đó,
giờ học nhạc là giờ ‘làm phiền’ những thầy khác đang cần sự yên lặng để làm bài, giảng bài..

Gần tới Giáng Sinh, tôi đã tập cho các em hát những bài thánh ca, như Đêm Thánh Vô cùng, chuông leng keng v..v.. lúc đó rất xa lạ đối với các em ở xa Saigon..Vì mới có giờ nhạc, nên tôi đã tập
cho các lớp bài hát giống nhau. Nên khi lớp này cất tiếng hát, thì lớp kia hát theo, rồi tất cả các lớp tôi đã dạy đều hát vang trời, thầy giáo các môn khác đành chịu thua, gõ nhịp cười trừ. Tới
giờ ra chơi, vào phòng nghỉ giáo sư, tôi đã bị các bạn cầu nhầu là làm ồn…quá. Tuy nhiên có người bảo từ lúc có Phương Oanh tới dạy, trường học vui hẳn lên.

Giòng thời gian không phẳng lặng như thế đến khi tôi phải rời trường để đi….về nhà người ta, tôi đã giới thiệu Ngọc Thanh thay thế, thỉnh thoảng gặp ông thầy Thạch, được nghe Thạch nói từ lúc
Phương Oanh rời trường, giờ học nhạc không còn ồn ào, nhộn nhịp nữa. Phương Oanh tới, đem sinh khí đến cho trường… Phương Oanh đi, mang theo cả tâm hồn học trò và thầy giáo luôn rồi…

Và sau này, lần trở lại Việt Nam đầu tiên, tôi đã tìm đến thăm bạn củ, một buổi tối bất ngờ năm 1995, gỏ cửa, Thạch ra mở, tôi đã vui đùa : thưa thầy, em mới tới…một ngạc nhiên …không thể tin
được : bạn đã đến thăm bạn bất ngờ.

Tình bạn, đối với tôi, rất quan trọng. Tôi gặp rất nhiều người, nhưng bạn thật sự thì chẳng có bao nhiêu. Do đó, dù gặp trở ngại nào đi chăng nữa, không bao giờ tôi để cho xức mẽ. Tôi luôn luôn
giữ phần thiệt thòi để cho bạn phần tốt, có lẽ cái tính nhẹ nhàng mềm mại của tôi đã giữ các bạn lại trong tôi từ bao nhiêu chục năm qua với Nguyễn Đức Quang, Trần Đại Lộc, Nguyễn Ngọc Thạch, Đỗ
Ngọc Yến của những năm sinh hoạt ở trong nước lúc đó.

Chương trình phát triển sinh hoạt học đường, Thanh ca Tác Động… là môi trường chúng tôi gặp nhau. Đã là thầy giáo mà vẫn còn ham chơi, ngoài giờ dạy ra, thì hẹn nhau trong những buổi sinh hoạt
với các đại học, trung tâm sinh hoạt thanh niên. Hoặc đi làm công tác từ thiện, đến các trại mồ côi, thăm người già ở viện dưỡng lão…

Khi phong trào Du Ca thành hình hoạt động rộng lớn hơn, các bạn đều trở thành huynh trưởng Du Ca, tôi lại trở về ngôi nhà Phượng Ca để tiếp tục gieo mầm cho âm nhạc dân tộc. Mỗi khi Du Ca có
những buổi họp mặt quan trọng thì Phượng Ca lại đến tăng cường.

Khi dạy ở Trương Tấn Bữu, tôi đã làm dự án mở lớp đàn tranh, nhưng khi tôi nghỉ rồi, không biết dự án có được tiếp tục hay không? Nếu không, Phượng Ca lại có một chi nhánh ở Chợ Lớn rồi…


Nhìn những tấm hình Thạch gửi qua, tôi cảm động quá, bao nhiêu kỷ niệm trở lại thật mạnh trong lòng, tôi không thể cất dấu và những giòng chữ cứ tuôn trên bàn phiếm gõ, để các bạn, những người
chưa biết Phương Oanh cách đây hơn 30 năm về trước thấy rõ Phương Oanh hơn.

Taverny  4/4/2008

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.