2009 09 24 Nhạc sư Nguyễn Hữu Ba (1914 – 1997)

 

Sep 24, ’09 5:34 PM
for everyone

Xin phép người viết được để trên trang nhà.


Nguyễn Hữu Ba – cuộc đời dành cho âm nhạc dân tộc

Người đương thời gọi ông là nhạc sư Nguyễn Hữu Ba bởi ông quá nhiều tài: chơi được 13 loại nhạc cụ (dân tộc lẫn Tây phương), là nhạc sĩ sáng tác, nhà giáo âm nhạc, và trên hết, ông có
nguyện ước phục hưng nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Từ năm 1949, lúc 35 tuổi, ông đã xây dựng Tỳ Bà Trang tại Huế, được xem như một bảo tàng âm nhạc truyền thống.

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba sinh năm Giáp Dần (1914) tại làng Đạo Đầu, phủ Triệu Phong (nay là huyện Triệu Phong), tỉnh Quảng Trị. Quảng Trị là mảnh đất khá nhiều nhân tài trên mọi lĩnh vực, trong âm
nhạc thời kỳ này có nhiều danh ca, danh cầm nổi tiếng như: Nguyễn Văn Tâm (đàn tranh và đàn nguyệt), cô Nhơn, cô Dung (ca Huế), Nguyễn Hữu Thức, Nguyễn Hữu Hòa (nhạc lễ), Nguyễn Hữu Duy (hát
bội)…
Ông sinh ra trong một gia đình có sáu anh chị em và ông là người áp út. Trong 6 anh chị em, ai cũng biết đàn biết hát, trong đó có người anh cả Nguyễn Hữu Xướng chính là người thầy dạy đàn bầu
cho ông lúc ông lên 7 tuổi và người chị ruột Ngọc Lan (Nguyễn Thị Dung) là một danh ca của nhạc tài tử thính phòng Huế. Thân phụ ông là người Nho học, yêu thích bát bội và khá rành về nhạc lễ
cung đình, mẹ ông là người ứng tác khá hay trong những buổi hò đối đáp và biết nhiều điệu múa dân gian. Cha mẹ ông đến với nhau cũng từ những buổi sinh hoạt văn nghệ dân gian, cúng lễ.

Thuở nhỏ, tạng người gầy ốm, ông được những người thân yêu gọi với cái tên thân mật là Cọt Nậy. Mẹ ông mở một quán nhỏ bán tạp hóa trong nội thành Quảng Trị, gia chủ yêu âm nhạc nên khách của
quán có rất nhiều bạn bè trong giới nghệ sĩ dân gian. Những ban đàn, nhóm hát, ban nhạc lễ ở Quảng Trị và Huế thường ghé nhà của ông bà, có nhiều nhóm lưu trú nhiều ngày. Trong những lúc tập dợt,
họ không biết rằng có một cậu bé đang say sưa dõi theo những ngón đàn khi họ dạo trên những những cung tơ, cậu bé đó chính là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba – một trong những nhà hoạt động âm nhạc truyền
thống của thế kỷ 20 đã có nhiều đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy những vốn cổ của dân tộc.

Với niềm say mê âm nhạc vốn có, từ 6 tuổi, ông đã học lóm những ngón đàn của các nghệ nhân. Thấy con mình có năng khiếu, cha ông đã lưu tâm hướng dẫn, dạy dỗ. 3 năm sau, ông đã có những ngón đàn
thành thạo và đã trở thành anh thầy đàn « nhí » dạy nhạc cho các gia đình giàu có trong vùng. Nguyễn Hữu Ba tiến bộ khá nhanh trong âm nhạc. Năm 11 tuổi, trong một đợt lưu diễn đến kinh đô Huế cùng
người chị là Ngọc Lan, hai chị em được công chúng nhiệt liệt tán thưởng và điều quan trọng hơn là ông đã lọt vào « tầm ngắm » của các nghệ nhân lão luyện của đất kinh kỳ. Tại đây, ông có điều kiện
tầm sư học đạo với những tay đàn trứ danh của kinh đô nhạc lễ, nhạc thính phòng Việt Nam thời bấy giờ, trong đó có các danh cầm nổi tiếng như ông Cả Soạn, ông Ưng Biều (cháu nội của vua Minh
Mạng), ông Ngũ Đại (tức Vĩnh Trân – con của vua Thành Thái). Từ thời điểm này, ông tham gia sinh hoạt và nổi tiếng trong nhiều nhóm đàn, nhóm ca tại Huế và Quảng Trị.

Năm 1930, khi vừa tròn 16 tuổi, ông được xem là một trong những tiếng đàn trẻ đầy triển vọng trong làng nhạc tại Huế. Cũng trong năm này, ông cùng với các nghệ sĩ đờn ca khác như: Tôn Út, Ngọc
Lan, cô Nhơn… được hãng Béka (Đức) mời thu âm vào đĩa 78 vòng. Đây được xem là đĩa nhạc truyền thống sớm nhất của Việt Nam, đĩa này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Nhân chủng học Paris.

Năm 23 tuổi (1937) ông đoạt giải nhất về đàn nhị trong một cuộc thi âm nhạc nhân dịp tổ chức Hội chợ tại Huế và cũng từ đây ông không còn đàn ca trong các ban đờn ca nữa mà định cư ở Huế và
chuyên giảng dạy, nghiên cứu, sáng tác. Trong thập niên 40, ông sáng tác rất nhiều ca khúc như: Quảng rừng mai, Lửa rừng đêm, Chiến đấu đến cùng, Gọi hồn quê, Nhịp sống ngày xanh, Thu
khói lửa, Chiến đấu đến cùng, Tiếng hát quân Nam, Sầu đông, Chiều thu…
trong đó rất nhiều bài mang tính lạc quan yêu đời thức tỉnh lòng yêu nước của thanh niên và nhiều bài đã trở nên
quen thuộc với bộ đội trong kháng chiến chống Pháp.

Nhưng có lẽ đóng góp lớn nhất của ông là trên lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu. Ông viết nhiều sách về các bản đàn cho nhiều loại nhạc cụ như: Tự học đàn nguyệt, Bài đàn tranh, Bài đàn độc
huyền, Bài đàn nhị huyền, Bài đàn tỳ bà, bài Ca Huế, Ca nhạc miền Trung, Dân ca Việt Nam…

Năm 1956, ông bị giam ở lao Thừa Phủ vì chống lại ý kiến của Ngô Đình Cẩn. Trong lúc đang ở trong nhà lao, có lệnh đặc biệt đưa thẳng ông về Sài Gòn để thành lập Trường quốc gia Âm nhạc và Kịch
nghệ Sài Gòn, ông là sáng lập viên ngành Quốc nhạc và phụ trách giám học. Thời gian ở Sài Gòn ông còn giảng dạy ở một số trường khác như Đại học Văn khoa, Đại học Vạn Hạnh… Tại Sài Gòn, vào năm
1960, ông lại thành lập Tỳ Bà Viện (như Tỳ Bà Trang ở Huế). Năm 1970, ông về làm giám đốc Trường quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế và giảng dạy ở Đại học Văn khoa Huế. Sau giải phóng ông giảng
dạy ở Nhạc viện Tp.HCM rồi sau đó chuyển về công tác tại Viện Nghiên cứu Âm nhạc, về hưu và mất tại Tp.HCM năm 1997. Ông được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (1984) và huân chương Độc lập
hạng nhì (1997).

Những tập sách nhạc đàn của ông là tập hợp rất nhiều bài bản cổ truyền cho tất cả các nhạc cụ, những bài bản được ông ký âm theo nhiều phương pháp khác nhau. Vấn đề ký âm nhạc truyền thống là
công việc mà ông đã bỏ ra nhiều công sức và thời gian nhất. Từ năm 1932 (lúc 18 tuổi), ông đã bắt đầu nghiên cứu việc ký âm quốc nhạc Việt Nam và đây có lẽ cũng là cống hiến lớn nhất của ông vào
nhạc học nước nhà để ghi lại các bài bản âm nhạc cổ truyền mà cho đến nay vẫn còn dùng để giảng dạy cho học sinh, sinh viên nhạc viện. Trong cách ký âm của ông, ông đã thêm vào những ký hiệu
rung, nhấn, vuốt… và rất nhiều ký hiệu khác để ghi lại cách trình tấu chi tiết của những nhạc cụ dân tộc với những ngón đàn đặc thù của mỗi nhạc cụ khi diễn tấu các bản đàn, chứ không phải cách
ký âm lòng bản như một số người vẫn làm. Ông mong muốn xây dựng một phương pháp ký âm thật khoa học và chính xác cho âm nhạc dân tộc truyền thống để bảo lưu những vốn cổ dân tộc bằng hệ thống văn
bản, tránh được sự thất truyền. Nhưng rất tiếc những ý nguyện của ông chưa thành sự thật, chưa được công nhận để áp dụng rộng rãi thì ông đã đi xa.

Hữu Trịnh
07/03/2005

Nguồn: giaidieuxanh.com

 

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.