2009 11 22 Viện Âm – Nhạc VN – Saigon, trước 1975

 

Nov 22, ’09 6:02 AM
for everyone
xin phép Quỳnh Giao được để bài viết này vào blog nhé.

Qua bài viết của Quỳnh Giao, cả một kỷ niệm đẹp trở lại với chúng tôi từ hơn 50 năm qua.
Quỳnh Giao đã cho chúng tôi nhớ lại cách học của các môn học ở trường (quốc nhạc, tây phương).
Thầy Nguyễn Khắc Cung là một vị thầy rất nhiệt tình và cởi mở, khi Phượng Ca nhận lời thầy đi Troyes trình diễn, buổi hoà nhạc dân tộc đã làm thầy hảnh diện vì đã đem âm nhạc dân tộc Việt đến cho
người địa phương.
Xin thay mặt Phượng Ca, em xin cầu chúc thầy sớm được gặp lại cô nơi miền vĩnh cữu.
Phương Oanh.


Vien Quoc Gia Am Nhac VN/ SG truoc 1975
& GS  NGUYEN  KHAC  CUNG / DO THE PHIET…

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=104298&z=97

Thầy Nguyễn Khắc Cung và trường nhạc (Quỳnh Giao)
Wednesday, November 18, 2009 Bookmark and Share

medium_CN-QuynhDao-18-11.jpg

medium_CN-QuynhGiao-02.JPG

Từ trái qua phải: Nhà văn Hồ Trường An, Quỳnh Giao, Giáo Sư Nguyễn Khắc Cung và nhạc sĩ Vũ Thái Hòa. (Hình: Quỳnh Giao)

Tạp Ghi Quỳnh Giao

Mỗi lần nghe tin một người trong giới nghệ thuật qua đời, Quỳnh Giao lại viết một bài để tưởng nhớ người quá cố, nhận tin buồn rồi thành người-báo-tin-buồn bất đắc dĩ. Sau khi hay tin nhạc sĩ Lê
Văn Thiện và tài tử Nguyễn Long ra đi, nay đến lượt một vị giáo sư kỳ cựu và khả kính về môn vĩ cầm của trường Quốc Gia Âm Nhạc vừa tạ thế, ông Nguyễn Khắc Cung.

Ông bà Giáo Sư Nguyễn Khắc Cung du học Pháp Quốc cùng thời kỳ với ông bà Ðỗ Thế Phiệt. Khi trường Quốc Gia Âm Nhạc vừa được mở ra, thì cả bốn người cùng về nước để phục vụ và trở thành hai cặp
uyên ương nổi tiếng nhất của trường nhạc. Tốt nghiệp từ những trường danh tiếng của Pháp, họ vui mừng trở về đóng góp cho việc dạy nhạc của nước nhà, ở miền Nam tự do.

Ông Cung và ông Phiệt dạy violon, bà Cung và bà Phiệt dạy piano. Nổi tiếng vì cả hai cặp dạy học trò rất nghiêm khắc và học trò của họ đều giỏi! Ngày ấy giáo sư dạy violon và piano rất ít, đếm đủ
trên đầu ngón tay. Thời người viết đang học trường nhạc, ngoài ông Cung và ông Phiệt, có ông Tạ Văn Toàn. Dạy piano thì ngoài bà Phiệt và bà Cung còn có bà Phạm Thị Lạc Nhân, bà Nguyễn Lâu, ông
Nghiêm Phú Phi, ông Nguyễn Cầu và bà Clara người Pháp. Về các lớp đàn khác thì không thể nhớ hết ngoài các thầy môn nhạc thủ Tây phương thôi, như ông Nguyễn Quý Lãm môn viola, ông Phùng Hán Cao
môn violoncelle…

Xin ghi lại đôi dòng về cách học và cách dạy của thời đó.

Khi thi đậu vào trường nhạc, ngoài môn học về đàn, các nhạc sinh phải học thêm trong trường môn nhạc lý và nhạc sử. Theo trí nhớ của Quỳnh Giao, cuối thập niên 50 và đầu 60, ông Nguyễn Phụng là
giám đốc trường Nhạc. Giám học là giáo sư nhạc lý Hùng Lân. Giáo sư dạy nhạc lý có các ông Hùng Lân, Nguyễn Cầu, Vũ Văn Tuynh, Phạm Gia Nhiêu…

Dạy nhạc sử có bà Tạ Văn Toàn, phu nhân Giáo Sư Toàn môn violon, một phụ nữ rất đẹp, đã từng đóng vai chính trong cuốn phim Việt Nam thời phôi thai là phim “Giá Hạnh Phúc”. Nam sinh viên học giờ
nhạc sử với bà rất chăm vì chỉ nhìn bà nói để uống hết lời vàng ngọc! Ðôi khi thiếu thầy, giáo sư kiêm giám đốc Nguyễn Phụng phải dạy nhạc sử cho lũ học trò ngỗ nghịch, thì lớp vắng hoe… vì
vắng bóng giai nhân.

Chương trình học đối với nhạc sinh cũng nặng nề chứ không dễ dàng.

Phần lớn nhạc sinh được cha mẹ cho đi học đàn sớm, thì khi vào lớp đệ nhất (năm đầu) đang độ tám chín tuổi. Mỗi tuần học ba ngày (vào buổi tối, quãng từ 7:00 đến 9:00) về nhạc lý, và học đàn với
thầy của mình về môn nhạc thủ (violon hay piano…) mỗi tuần một lần. Từ lớp đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, và đệ tứ, mỗi năm phải thi lên lớp cả nhạc thủ lẫn nhạc lý.

Học nhạc thủ là môn dương cầm, Quỳnh Giao còn nhớ các giáo sư ra đề thi rồi bốc thăm để chọn bài. Nhạc sinh có từ một tháng rưỡi đến hai tháng để luyện bài. Lúc đó bài thi là bài duy nhất mà nhạc
sinh học miệt mài, không cần học bài tập như Czerny hay Hanon và Bach như mọi khi. Gần đến ngày thi, nhạc sinh được cho đàn thử (repetition) trên sân khấu như thật để dợt cho quen giống như lúc
thi “thật”. Ðến ngày thi ngoài dàn giám khảo gồm có thầy của mình còn có tất cả các giáo sư ban dương cầm ngồi trước mặt chấm thi.

Nhưng hàng ghế sau là dành cho khán giả, phần lớn là phụ huynh nhạc sinh đưa con đi thi và ngồi lại xem. Thật là hồi hộp khi nghe tên mình được xướng lên. Từ hậu trường bước lên sân khấu, cúi
chào giám khảo và khán giả rồi ra ngồi chỉnh tề trước cây đàn. Ðôi khi người thi trước mình cao hơn và chân đương nhiên dài hơn, thì phải sửa lại ghế ngồi cho vừa vặn rồi mới bắt đầu.

Ba năm cuối là sơ đẳng, trung đẳng và cao đẳng có học thêm nhạc sử, nhưng cuối năm chỉ thi nhạc lý, không thi nhạc sử. Về nhạc thủ từ đây phải thi đàn hai bài, một bài nhiệm ý, là tự chọn
(morceau au choix) và một bài bắt buộc (morceau imposé). Bài tự chọn đã được thầy chọn từ đầu năm học nên dĩ nhiên là đàn đã nhuyễn. Bài thi bắt buộc thì chỉ được biết và học khi các giáo sư bốc
thăm xong. Tất cả nhạc sinh cùng lớp, dù khác thầy, phải đàn bài bắt buộc như nhau.

Năm cuối là cao đẳng cũng là năm thi ra trường, nếu đậu là có bằng tốt nghiệp, và nếu trượt thì phải thi lại năm sau, thi đến khi nào đậu mới thôi. Có người thi hoài không ra trường được, dù vẫn
mang danh là nhạc sinh trường nhạc. Năm tốt nghiệp thi ba bài, bài tự chọn, bài về luyện ngón (technique) và bài bắt buộc.

 

Khi mới lên mười, Quỳnh Giao học với bà Phiệt, cũng là dì ruột của mình. Ngày xưa trước khi đi du học, Dì Phiệt (khuê danh là Nguyễn Thị Ngọc Thuyền) cũng là một ca sĩ nổi tiếng ở Huế với biệt
hiệu Minh Ngọc (cho giống với chị của mình là Minh Trang).

 

Năm 12 tuổi, Quỳnh Giao thi đậu vào lớp đệ tam (năm thứ Ba) môn dương cầm và nhạc lý. Từ đó thụ giáo dì Phiệt và thầy Hùng Lân cho đến năm ra tốt nghiệp thủ khoa năm 16 tuổi, năm học lớp đệ tam ở
Gia Long. Nếu trễ hơn một năm thì làm sao học thi tú tài cho được. May mà được học đàn đúng lúc còn đang học bậc tiểu học, nên mới có thì giờ tập dượt, kể cả mỗi tuần phải học ba đêm về môn nhạc
lý.

 

Năm 1963 đề thi của môn dương cầm là bài Étude số 5 của Chopin (bài technique), bài Les Jeux d’Eau de la Villa d’Este của Franz Lizst (bài bắt buộc – imposé), và bài tự chọn của người viết là
Scherzo số 1 của Chopin.

Quỳnh Giao nhận thấy các giáo sư dạy đàn ngày xưa sướng hơn bây giờ, vì chỉ cần dạy luyện ngón và kỹ thuật chứ không cần dạy cả nhạc lý, như đọc nốt nhạc và đếm! Bài học đưa ra, là nhạc sinh đã
biết gì rồi, chỉ “déchiffrer” ra ngay. Vì thế mà cũng trong mục tạp ghi này, Quỳnh Giao đã hơn một lần nhắc đến công ơn của thầy Hùng Lân là đào tạo nhiều nhạc sinh xuất sắc, và thầy đã đóng góp
một phần thành công cho các nhạc sinh các môn học về nhạc thủ nữa.

Thầy Nguyễn Khắc Cung có rất đông học trò. Những nhạc sinh violon giỏi nổi tiếng học với thầy Cung thời người viết đang học có hai chú cháu ông Phạm Nghệ và Phạm Nguyên Hùng. Có Hà Ðức Hinh, có
Lê Ngọc Chính…

 

Năm 1975 cả hai ông bà và con cái qua được Pháp sinh sống và giữ nghề dạy học để sinh nhai nơi đất người. Nơi họ cư ngụ là thành phố Troyes nhỏ bé, cách Paris độ hai trăm cây số. Bà đi dạy piano
ở Paris phải đi bằng xe lửa, rồi chuyển qua xe điện mới đến được nơi dạy. Vào một ngày lạnh lẽo và nhiều sương mù, bà Cung vội vàng băng qua đường xe điện cho kịp chuyến tầu, nên không nhìn thấy
con tầu đang tiến nhanh. Bà bị tử nạn, để lại cho gia đình, bạn bè và đám nhạc sinh bao nhiêu thương nhớ luyến tiếc.

 

Năm 1987, Quỳnh Giao qua Pháp hát, đi xe lửa từ Paris đến Troyes để thăm thầy Cung và anh Hồ Trường An ở cùng tỉnh với thầy. Thầy vẫn ăn mặc chỉnh tề như ngày xưa. Dáng điệu rắn rỏi và ánh mắt
sáng ngời. Thầy khoe là vẫn dạy học và có nhiều học trò, nhưng thầy nói rằng không có học trò nào bằng học trò người Việt Nam được!

 

Giờ đây nghe tin thầy qua đời, còn anh Hồ Trường An thì mới trò chuyện tháng trước qua điện thoại lúc anh đang nằm nhà thương vì bị stroke! Từ 87 đến nay đã hơn hai mươi năm rồi còn gì. Thế mà cứ
ngỡ mới hôm qua, cứ vẫn thấy hình ảnh mái trường Quốc Gia Âm Nhạc thân yêu còn đủ thầy, đủ bạn…

 

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.