Ðêm 2010 Nguyễn Ðức Quang hát cùng thân hữu Sunday, June 13

 

Jun 15, ’10 5:27 AM
for everyone

Rất vui nhận được tin tức của người bạn thân.

PO


‘Về đây nhé’, ‘quê hương mênh mông’

 

Nguyên Huy/Người Việt

 

WESTMINSTER (NV) Một đêm nhạc thính phòng của người nhạc sĩ du ca cho đến tận bây giờ là nhạc sĩ Nguyễn Ðức
Quang diễn ra tối Thứ Bảy tại Hội Quán Âm Nhạc “Touch Music,” Westminster, trong không khí văn nghệ hào hứng và ấm cúng, với các thân hữu trong nhật báo Người Việt và nhóm gia đình Thụ Nhân – các
cựu sinh viên Viện Ðại Học Ðà Lạt – nhằm đánh dấu việc hoàn tất hai tập nhạc mới “Về Ðây Nhé” và “Quê Hương Mênh Mông.”

Nguyễn Ðức Quang, người nhạc sĩ du ca ngày xưa, hơn 35 năm
sau vẫn còn tinh thần trẻ trung ngày trước.
(Hình: Nguyễn Thị Hợp/Người Việt)

Khoảng gần 100 thân hữu đã đến với nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang ngồi chật kín nhà hàng Touch
Music. Giới thiệu các thân hữu, cô Bích Hạnh chủ nhân của quán cho biết đây là những thân hữu trong hai gia đình Công Ty Người Việt gồm nhật báo Người Việt và gia đình Thụ Nhân gồm những anh chị
em sinh viên cùng thời tại Ðà Lạt với Nguyễn Ðức Quang. Cô Bích Hạnh cũng cho biết cả hai gia đình này cùng chung sức hùa nhau đẩy cho anh hoàn tất hai tác phẩm “Về Ðây Nhé” và “Quê Hương Mênh
Mông” mà anh phải dở dang vì gặp phải một giai đoạn rất nhiều chuyện không vui trong cuộc sống. Và đêm nay Nguyễn Ðức Quang phải “đẻ” tiếp hai đứa con tinh thần mà anh rất trân trọng cho dù “Về
Ðây Nhé” anh đành phải gom có được 9 bài và “Quê Hương Mênh Mông” có 6 bài.

Trong phút tâm tình trước đó, nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang lại với dáng dấp trẻ trung, hồn nhiên
như hồi nào kể rằng: “Có lần đến thăm phong cảnh ở Canyon thấy thiên nhiên hùng vĩ quá, cảnh sắc tươi đẹp quá, cuốn hút hồn người quá thì bỗng lại nghĩ đến người Việt chúng ta. Tại sao không có
sự quần tụ lại một nơi nhỉ. Có thể có không, ở một nơi nào đó trên quê hương mình, bỗng những cư dân Việt ở Úc, ở Âu Châu, ở Hoa Kỳ, ở cả Phi Châu kéo nhau tụ về cùng chung sống trên một vùng đất
Việt Nam, mỗi khu vực cho một châu lục. Ðẹp biết bao nhỉ!”


Hồ Kim Hiếu (phải) và Huy Tâm
trong bài “Bên Kia Sông” – bài hát của thời thanh niên đi giúp đỡ những xóm nghèo bên kia sông Sài Gòn.
(Hình: Nguyễn Thị Hợp/Người Việt)

Con người nghệ sĩ du ca trong Nguyễn Ðức Quang như được biết từ trước đến nay, không lúc nào
là anh không nhớ đến quê hương hằn in những xót xa thống khổ, những hạnh phúc vật vờ, thoáng có thoáng không để lúc nào anh cũng mơ đến một “Bên Kia Sông” như trong thời gian trước 1975, hay như
“Trên Ðồi Arlington” sau này hoặc như “Về Ðồi Hoang” như gần đây nhất.

Ðêm Nguyễn Ðức Quang hát cùng thân hữu, ông Nguyễn Huy, cũng là chủ nhân của Quán Music Touch
số 15041 Moran, và cũng là một “fan” của du ca Nguyễn Ðức Quang cho biết: “Nhà hàng này mới hoạt động gần đây và hôm nay có được hân hạnh đón nhận lần đầu tiếng hát du ca Nguyễn Ðức Quang, một
tiếng hát mà tuổi trẻ VN vào những thập niên 60,70 đã cuốn hút tuổi trẻ và đã trở thành quen thuộc khắp miền đất nước tự do.”

Cô thân hữu Bích Hạnh trong gia đình Ðà Lạt còn nhắc nhở thêm rằng: “Hôm nay Nguyễn Ðức Quang
ra mắt hai tác phẩm sau khi sức khỏe đã lại bình phục và sau khi đã hoạt động trong những lãnh vực truyền thông báo chí. Từ những năm đầu thập niên 60, ban Trầm Ca của Nguyễn Ðức Quang với 7
người lãng tử đã gây thành một phong trào ca hát du ca trong tuổi trẻ miền Nam nước Việt nhất là trong đám trẻ sinh viên học sinh chúng tôi. Tuổi trẻ và quê hương là hai đề tài không rời của anh.
Tập nhạc Trầm Ca của anh đã như một thông điệp của Tự Do trong khi đất nước còn chiến tranh và bài ca ‘Việt Nam Quê Hương ngạo nghễ’ đã trở thành ước vọng của tuổi trẻ VN cho đến tận bây giờ. Nay
thì Nguyễn Ðức Quang lại tiếp tục đoạn đường du ca dang dở với ‘Về Ðây Nhé’ và ‘Quê Hương Mênh Mông’ gói hai đề tài rất lớn mà Nguyễn Ðức Quang chuyên chở trên con đường du ca của mình.”


Khoảng gần 100 thân hữu đã đến với Nguyễn Ðức Quang trong đêm nhạc Nguyễn Ðức Quang. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

 

Ðáp lại những chân tình của hai gia đình thân như máu thịt, nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang xúc động
ngỏ lời cảm tạ những săn sóc giúp đỡ khuyến khích của hai gia đình Người Việt và Thụ Nhân nhất là trong “thời gian buồn vui đau đớn nhất trong năm qua phải gặp nhiều bất mãn.” Và với dáng têu tếu
hồn nhiên sẵn có, Nguyễn Ðức Quang thổ lộ: “Không còn nội tướng nữa nên đáng ra phải có một bữa ăn gọi là khoe sự hồi phục. Thôi thì đành lấy tiếng hát và những dòng nhạc qua các tiếng hát thân
hữu ‘lạ lắm’ Bích Huyền và Hồ Kim Hiếu mà đãi bà con vậy.”

Trong gian phòng xinh xắn của nhà hàng Touch Music, tiếng vỗ tay âm vang hiền hòa gợi cho mọi
người không khí thân tình ấm cúng, nhất là với Nguyễn Ðức Quang khi nhìn đâu cũng thấy những khuôn mặt quen thuộc, quen thuộc đến biết từng sở thích của nhau. Kìa là vợ chồng anh Phan Huy Ðạt,
kìa là anh Bùi Bảo Trúc với những kiều nữ chung quanh. Kìa là Võ thành Ðiểm, Nguyễn Minh Phú. Ai như Nguyễn Ðồng kè kè Nguyễn thị Hợp… Nguyễn Ðức Quang run giọng đi vào phần chính của chương
trình: “Chương trình hôm nay gồm cả nhạc cũ lẫn nhạc mới. Một số bài của thời Trầm Ca, Quê Hương Ngạo Nghễ và một số bài rủ nhau Về Ðây Nhé để cùng nhìn lại quê hương mình bây giờ mênh mông. Cũng
xin giới thiệu rằng hôm nay Nguyễn Ðức Quang được phụ trợ bởi hai giọng ca lạ lắm, đó là Bích Huyền và Hồ Kim Hiếu lại thêm có Huy Tâm. Nhạc sĩ Ngô Tín sẽ giúp thêm một tình ca cho chương trình.
Nào chúng ta hãy cùng nhau trở lại với Nguyễn Ðức Quang thời thập niên 60 với bài ca ‘Cần Nhau’ qua giọng ca Bích Huyền.”

Dáng dấp nhỏ bé nhưng tiếng hát trong cao, Bích Huyền đã lôi cuốn ngay được người nghe qua
những giai điệu trong Cần Nhau để người nghe tưởng đến những lời dẫn giải của tác giả “viết trong tâm trạng tán tỉnh một người con gái không phải là vợ mà lại được bà vợ rất thích bài nhạc
này.”

Sau Bích Huyền là Hồ Kim Hiếu. Trẻ trung, mạnh mẽ trong giọng hát cuốn hút, Hồ Kim Hiếu kể hộ
cho Nguyễn Ðức Quang tâm tình “Bên Kia Sông,” một bài nhạc đã gắn chặt Nguyễn Ðức Quang với người yêu nhạc bất kể thuộc thế hệ nào.

Rồi Huy Tâm với “Vì tôi Là Linh Mục,” một bản nhạc có một tiểu sử vui vui mà tác giả kể lại
nguyên do. Số là nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên khi ấy còn chưa được biết đến nhiều, có nhờ nhạc sĩ phổ giúp cho một bài thơ của mình. Sau bài thơ đầu tiên được Nguyễn Ðức Quang phổ, nhà thơ trở lại
xin phổ thêm một bài nữa vì theo Nguyễn Tất Nhiên “em hát ở đâu bài anh phổ cho em cũng được kêu bis, bis mà em không có bài thứ hai.” Thế là bài nhạc phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên thứ hai “Vì tôi là
Linh Mục” ra đời nhưng bài thơ chỉ có 8 câu nên lời hai Nguyễn Ðức Quang phải sáng tác thêm. “Vì tôi là Linh Mục” được Nguyễn Ðức Quang hát đầu tiên tại Viện Chủng Sinh Ðà Lạt và các chủng sinh
thích quá nên đã âm thầm phổ biến trong giới tu sĩ nên khi Nguyễn Ðức Quang về đến Saigon bỗng có 3 vị linh mục đến nhà hỏi tội sao dám bôi bác các linh mục. Ðành phải giải thích và hát cho quí
vị linh mục nghe để quí vị nhận ra bài nhạc không có một câu đoạn nào chế diễu, phỉ báng hay bôi bác các nhà tu hành. Ba vị ra về thơ thới hân hoan và bài ca này đã được tuổi trẻ thời đại yêu
thích và là một trong những bài ca được hát nhiều nhất vào thời gian chiến tranh làm cho tuổi trẻ VN phải cuồng quay với “Make love, not war” vừa từ Mỹ du nhập vào VN.

Mỗi bài nhạc được hát trong đêm này là một chuyện giải thích của tác giả và vì thế nên tác
giả đã dẫn dắt người nghe vào tâm tình sâu kín khúc mắc của mình như một người trong gia đình thổ lộ cùng anh chị em từng sống trong một mái ấm gia đình bao lâu nay.

Ðêm Nguyễn Ðức Quang được kể như hoàn hảo. Hoàn hảo về sự tổ chức ấm cúng thân mật. Hoàn hảo
vì chương trình nhạc, ca, dẫn giải vừa đủ cho người nghe nhận biết được món ăn ngon cho tinh thần. Hoàn hảo vì khách thính là những thân hữu, là những người sẵn sàng mở lòng đón nhận tâm tình
Nguyễn Ðức Quang và muốn Nguyễn Ðức Quang không bỏ dở con đường du ca của mình khi vẫn còn phải hướng về “Bên Kia Sông” và mới thoáng thấy quê hương mình đang mở ra, rộng ra mênh mông
thật.

Nguyễn Ðức Quang đang nói cho người Việt khắp nơi cái tâm nguyện của mình sau 35 năm tản lạc
khắp thế giới nhưng đồng thời lại đã mở ra được một quê hương mênh mông.

Hy vọng rằng tiếng nói này, Nguyễn Ðức Quang lại được giới trẻ lắng nghe như đã từng diễn ra
vào những thập niên trước 30 tháng 4 năm 1975.

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.