Kim Ửng : Nhạc sư Vĩnh Bảo – Người « vương tơ » qua internet

 

Dec 9, ’10 2:33 PM
for everyone

cám ơn anh Trần Quang Hải đã gửi cho xem.

 



30-05-2009

KIM ỬNG

Gần một thế kỷ là nghệ sĩ đờn ca tài tử, năm 2005 nhạc sư Vĩnh Bảo được giải thưởng Đào Tấn; năm 2006 được vinh danh tại Hội nghị âm nhạc tại Honolulu, Mỹ và
ngày 26/2/2008, ông được Đại sứ Pháp ở Hà Nội gửi thư điện tử báo tin Chính phủ Pháp ký tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật. Đạt được những điều này, chứng tỏ tài năng âm nhạc của nhạc sư Vĩnh
Bảo đã lan xa, vang xa, đã đóng góp thêm tinh hoa cho nền âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam và ngành Dân tộc nhạc học thế giới.

NGƯỜI SÓT LẠI CỦA LÀNG ĐỜN CA TÀI TỬ

Đến thăm nhạc sư Vĩnh Bảo tại căn nhà 282B/21 trong ngõ hẻm sâu đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, nhiều người không khỏi ngạc nhiên về một nhạc sĩ tài hoa, 91
tuổi vẫn gắn bó một đời với âm nhạc dân tộc truyền thống. Ông được coi là bậc thầy duy nhất còn sót lại của đờn ca tài tử “nguyên gốc” Nam Bộ, một nhạc sĩ am hiểu độc đáo và có thể truyền thụ văn
hóa, âm nhạc dân tộc Việt Nam cho người nước ngoài bằng ngôn ngữ Pháp, Anh, Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản.


Nhạc sư Vĩnh Bảo

Mái tóc bạc phơ, phong thái ung dung, điềm đạm, ông thật cởi mở khi kể lại những mẩu chuyện đời, chuyện âm nhạc dân tộc và nhắc đến mối quan hệ tri âm, tri kỷ giữa
mình và bạn bè trong quãng đời đã qua.

“Tôi sinh năm 1918 tại quê làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Nguyễn Vĩnh Bảo là tên thật do cha mẹ tôi đặt cho. Không ít người
trước đây cứ ngờ ngợ tưởng gia đình tôi có gốc gác hoàng tộc nhà Nguyễn. Hoàn toàn không phải! Gia đình vừa theo Nho học, vừa theo Tây học. Cụ thân sinh của tôi, ông Nguyễn Hàm Ninh, một địa chủ
và cũng là một thầy thuốc Đông y hết sức tài hoa, sử dụng thành thạo ba nhạc cụ: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò. Ông biết cả đờn ca tài tử và hát bội rất hay. Cha tôi tính hiếu khách nên trong nhà
còn là nơi họp mặt của nhiều nhà nho, văn thi sĩ và nhạc sĩ ba miền Nam, Trung, Bắc đầu thế kỷ XX. Chính môi trường giáo dục, văn hóa trong gia đình và những câu chuyện đàm đạo về âm nhạc của các
cụ cùng cha tôi đã “lọt” vào tai một cậu bé 5 tuổi, hun đúc ngấm ngầm cho tôi niềm say mê âm nhạc.

Thực ra, lúc đầu, thấy tôi mê đàn, cha tôi sợ con cái chểnh mảng chuyện học hành nên ngăn cấm. Không được học chính thức, tôi theo nài nỉ học đàn lén với mấy
người thợ trong nhà. Tôi dùng đàn đoản, một nhạc cụ có thùng đàn giống đàn kìm (nguyệt), dày 3 tấc, cần ngắn, dây to) để đàn “nhái” theo các anh trai. Dạo đó, kết quả học tập của tôi sụt hẳn!
Giấy báo kết quả học tập của trường gửi về nhà làm cha tôi băn khoăn, tìm hiểu nguyên nhân. May mắn là cha tôi có phương pháp giáo dục con cái tiến bộ, ông xem xét nguyên nhân rồi cho phép tôi
học đàn. Mẹ tôi tìm thầy giỏi đến nhà dạy đàn cho các con, nhờ vậy năng khiếu âm nhạc bẩm sinh của tôi có dịp phát triển. Năm lên 10 tuổi, tôi đã sử dụng khá thành thạo đàn kìm, đàn tranh và đàn
gáo. Nếu kể về những bậc thầy đàn nổi tiếng đương thời, tôi đã được học trực tiếp với bốn ông: Hai Lòng ở Vĩnh Long, Sáu Tý (Cần Thơ), Năm Nghĩa (Trà Ôn), Ba Sáng (Trà Vinh)…”

Trong câu chuyện học nhạc, nhạc sư Vĩnh Bảo cho biết ông đã may mắn được giao lưu, tiếp xúc khoảng 200 nhạc sư, nhạc sĩ khắp ba miền đất nước.Với tinh thần khiêm
nhường, cầu tiến, ông cho rằng mỗi nghệ nhân, nhạc sĩ đều có cái hay, có cái đáng học hoặc đáng tìm hiểu để bổ sung kiến thức âm nhạc cho mình. Đó là cái mạch đàn dân tộc, tinh hoa âm nhạc dân
tộc từ xa xưa lưu truyền qua nhiều thế kỷ của người Việt.

Học đàn bài bản trực tiếp qua các nghệ nhân, nghệ sĩ và hàng trăm bạn đàn dù nhiều hay ít, qua biết bao lần biểu diễn, Vĩnh Bảo đã tự trui rèn cho mình những ngón
đàn riêng độc đáo. Nối tiếp các nhạc sư Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Trầm Văn Kiên (Cần Thơ), Vĩnh Bảo sớm nổi tiếng với tài đàn và là một trong những gương mặt nghệ sĩ cổ nhạc “một thế hệ tài danh”:
Chín Kỳ, Giáo Thinh, Hai Biểu, Tư Nghi, Hai Phát, Chín Trích, Hai Khuê, Bảy Hàm, Mười Tiểng, Năm Vĩnh, Hai Thơm, Mười Còn, Tư Đước, Sáu Quí, Bảy Bá, Năm Cơ, Văn Vĩ, Sáu Tửng…

Nhạc sư Vĩnh Bảo còn là một trong những người thầy có mặt đầu tiên khi trường Quốc gia Âm nhạc (tiền thân Nhạc Viện TPHCM) được thành lập vào năm 1956. Ông được mời
dạy môn đàn tranh và là trưởng ban giáo sư nhạc tài tử miền Nam. Nhận xét về nhạc sư Vĩnh Bảo khi tìm hiểu, gặp gỡ tài đàn, trao đổi, chia sẻ quan niệm về âm nhạc dân tộc của ông, GS-TS Nguyễn
Thuyết Phong, ĐH Kent, Mỹ, người nghiên cứu nhiều năm về âm nhạc dân tộc nhạc học và có nhiều kinh nghiệm từ thực tế hoạt động âm nhạc cả hai mặt lý thuyết lẫn biểu diễn thực hành đã nhận xét:
“Vào những năm cuối thập niên 50 đến đầu thập niên 70, hai nhạc sư Vĩnh Bảo và Nguyễn Hữu Ba là hai trí thức âm nhạc, là chim đầu đàn của cả thế hệ âm nhạc toàn miền Nam”.

Trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu, quảng bá âm nhạc truyền thống dân tộc 10 năm tại trường Quốc Gia Âm nhạc (1956-1966), nhạc sư Vĩnh Bảo đã góp phần không nhỏ
trong việc đào tạo thế hệ nhạc sĩ nối tiếp và cố gắng giữ gìn, phát huy âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam. Được hỏi quan niệm hiện tại của ông về vấn đề này, nhạc sư Vĩnh Bảo bày tỏ suy
nghĩ:

“Âm nhạc dân tộc xét về phương diện nào đó chính là thể hiện hồn của dân tộc. Tôi nghĩ trong cách giảng dạy, chỉ nói riêng khía cạnh ký âm cũng đáng để suy
ngẫm. Nhiều người cứ hỏi tôi vì sao trong bản đàn nhạc dân tộc, cứ phải chép theo hò xự xang xê cống mà không áp dụng ký âm theo tây phương do ré fa sol la? Tôi nhìn nhận lối ký âm của nhạc
phương Tây là khoa học và chính xác. Nhưng khi áp dụng lối ký âm này vào nhạc truyền thống Việt Nam (cũng tương tự như vận dụng cho âm nhạc dân tộc truyền thống Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản cũng
vậy) sẽ không thuận lợi.

Trước tiên, đối với thế giới, chúng ta luôn tự hào là một dân tộc với 4000 ngàn năm văn hiến thì lẽ nào không có nền âm nhạc dân tộc trong bề dày và tiến trình
chiều dài lịch sử? Lẽ nào người Việt Nam không “nặn” ra tên cho những nốt đàn để buộc phải vay mượn phương Tây? Theo tôi, xướng âm nốt đàn theo hò xự xang xê cống nghe thấm thía hơn do ré fa sol
la. Hơn nữa, bản đàn ký âm theo phương Tây, nhạc sĩ sẽ bị gò bó theo thực thể cố định, bất biến. Viết sao, đàn vậy! Thực tế, nhạc sĩ Việt Nam đàn các bản nhạc truyền thống không chỉ diễn tấu đơn
thuần mà còn biết ứng tác, ứng tấu ngay khi đàn, tùy theo tâm tư, tình cảm thêm thắt hoa lá, vẽ vời cho bản đàn của mình, tạo nên sức sống mới. Do đó, một bản đàn thường có nhiều dị bản và người
nghe sẽ thưởng thức, đánh giá tài năng người đàn qua những dị bản ấy…”

TIẾNG ĐÀN VIỆT NAM VANG XA

Trong con hẻm sâu hàng ngày thường ồn ào âm thanh tiếng xe máy, tiếng rao, tiếng í ới người gọi nhau nhưng thỉnh thoảng ngôi nhà hẹp của nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn vang
lên tiếng đàn tranh, đàn cò, đàn kìm nhiều cung bậc. Đó là lúc bạn bè nghệ sĩ, khách tri âm mộ điệu và nhất là nhiều học trò từ bên Pháp, Mỹ, Úc… “tầm sư học đạo” với nhạc sư Vĩnh Bảo qua
internet có dịp về Việt Nam, gặp tận mặt và nghe tận tai bậc thầy đờn ca tài tử tài hoa, khả kính gảy đàn.

Tiến sĩ âm nhạc Christopher Maillard (Đại học Toulouse, Pháp) nhiều lần sang Việt Nam đã không ngại ngần đến ngôi nhà nhỏ của nhạc sư Vĩnh Bảo để trò chuyện và hòa
tấu nhạc với nhạc sư hằng đêm. Ông từng nghe danh và biết tài đàn của nhạc sư Vĩnh Bảo từ những năm của thập niên 70. Mới đây nhất, trong những ngày đầu tháng 8/2008, TS. âm nhạc Barley Norton
(Đại học London, Anh) đến thành phố Hồ Chí Minh cũng tìm thăm và hai lần xin trò chuyện, học hỏi với nhạc sư Vĩnh Bảo về đờn ca tài tử Nam Bộ, sau khi ông có chuyến nghiên cứu điền dã tại Bình
Dương và Vĩnh Long. Ngoài ra, xen kẽ những ngày trong tuần, đến xin “thọ giáo” ngón đàn nhạc sư Vĩnh Bảo một cách bài bản và thật kiên trì có hai nghiên cứu sinh trẻ người Mỹ của Đại học
Michigan: Bretton Dimick và Alexander M. Cannon. Họ đang chuẩn bị tư liệu làm luận án tiến sĩ về âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam. Mùa hè năm trước, nhạc sĩ Bretton Dimick cho biết anh đã
nghiên cứu và học tập ca trù ở miền Bắc với nhóm Thái Hà và năm nay đang nghiên cứu về đờn ca tài tử miền Nam với nhạc sư Vĩnh Bảo. Anh cho rằng đây là hai bộ môn âm nhạc dân tộc truyền thống khá
đặc sắc của Việt Nam. Trước mắt, nó đã là cơ sở giúp Bretton hình dung và “phác thảo bức tranh lớn về âm nhạc truyền thống Việt Nam”, trước khi ra Huế và Đà Nẵng tiếp tục nghiên cứu âm nhạc miền
Trung. Câu chuyện của nhạc sĩ Alexander M. Cannon cũng rất cảm động khi nhắc đến TS John Paul Trainor, người thầy đang hướng dẫn luận án tiến sĩ âm nhạc cho anh chính là người đã từng học với
nhạc sư Vĩnh Bảo cách nay hơn 35 năm. Thời điểm ấy, khoảng năm 1970, lúc hai nhạc sĩ Vĩnh Bảo, Phạm Duy từ Việt Nam và GS-TS Trần Văn Khê từ Pháp nhận lời mời sang Mỹ giảng dạy âm nhạc dân tộc
Việt Nam tại Đại học Illinois cho sinh viên Mỹ trong mấy tháng trời.

***

Đến với âm nhạc truyền thống khá sớm nhưng theo nhạc sư Vĩnh Bảo, “dấu ấn” đi vào âm nhạc chuyên nghiệp của ông khoảng năm 1938. Đó là lần đầu tiên ông được chủ
hãng đĩa hát Béka mời tham gia cùng nhạc sĩ Năm Nghĩa, Ba Cần hòa âm đàn gáo, đàn tranh, đàn kìm cho giọng ca vàng của cô Ba Thiệt (chị cô Năm Cần Thơ). Giờ đây, hơn 65 năm gắn bó với sự nghiệp
âm nhạc dân tộc, ông vẫn nặng lòng lo toan và tìm cách bảo tồn, bảo vệ, phát huy âm nhạc nước nhà. Nhạc sư Vĩnh Bảo tâm sự: “Đàn là khúc tâm tình. Âm nhạc gắn liền với tâm hồn sâu lắng của
con người. Nhưng, âm nhạc phải được gửi gắm, truyền bá. Hiện tại, ở tuổi 90, tôi vẫn học internet, dạy nhạc qua internet và tìm cách đưa âm nhạc dân tộc đến lớp trẻ trong và ngoài nước. Là nghệ
sĩ, ai cũng mong muốn “vương tơ” đến phút cuối cùng…

http://honvietquochoc.com.vn/Nghe-Thuat/Am-nhac/Nhac-su-Vinh-Bao-Nguoi-vuong-to-qua-internet.aspx

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.