2012 Đi Xa Để Biết Trời Cao Đất Rộng

huong-viet-7.JPG

Như thường lệ hằng năm cứ cuối các tháng hè thì Washington State Parks and Recreation lại tổ
chức các chương trình nhạc cổ truyền của các sắc tộc. Chương trình năm nay được tổ chức vào
Chủ Nhật ngày 18 tháng 9, mang thêm một sứ mệnh và một ý nghĩa sâu sắc hơn đó là mang âm
nhạc đến các vùng xa của tiểu bang Washington State. Thành phố được chọn tổ chức đại hội âm
nhạc truyền thống năm nay là Winthrop cách Seattle khoảng 6 tiếng đồng hồ (hơn 230 miles).
Bốn nhóm nhạc được mời tham dự
chương trình gồm có:
1. Los Bailadores del Sol, ban nhạc
huong-viet-3.JPG

Mễ Tây Cơ đến từ vùng Yakima
Valley
2. African American a Cappella
Gospel Music đến từ Seattle
3. Filipiniana with Roger Del
Rosario – Nhóm nhạc Phillippine
đến từ vùng Seattle
4. Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Hướng
Việt
Từ 5 tháng trước, ông Jens Lund, director của chương trình State Park đã liên lạc Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Hướng Việt tham dự chương trình. Hằng năm các nhóm nhạc của các sắc tộc được thay phiên mời
tham dự chương trình, tuy nhiên chỉ có Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Hướng Việt là được mời tham dự trong 4 năm liên tiếp. Cũng đủ cho thấy âm nhạc cổ truyền Việt Nam đã có một chổ đứng giá trị trong
lòng của khán giả Washington State.
Từ 7 giờ sáng, các thành viên của Hướng Việt với Thanh Nga, Thúy Loan, Hồng Nhung, Nguyễn Khanh, Mia, Karina, Emily, Mai Huyền, Hồng Hà, Việt Hải, cùng các phụ huynh và thành viên của nhóm (tổng
cộng 19 người) đã họp mặt đông đủ khởi hành cho chuyến lưu diễn xa.


Hành trình từ Everett đến Winthrop mất gần 5 tiếng rưỡi thời gian. Rời xa Everett khoảng một tiếng đồng hồ, khung cảnh nhộn nhịp phồn hoa của thành thị không còn nữa. Một khung
huong-viet-5.JPG
cảnh nông thôn bình dị hiện ra trước mắt chúng tôi. Những dòng sông
xanh trãi rộng, đồng cỏ xanh mượt mà,

những vườn táo trái trĩu cành… một nét đẹp do tạo hóa sắp bài mà những màu sắc của thiên nhiên dẫu có bút thần cũng không thể nào vẽ nên, điểm xuyết lên đến mức tuyệt xảo được. Đi xa thêm vài
tiếng đồng hồ, ngoài cảnh đồng quê thôn dã, dãy núi Cascade bao quanh tạo nên một không gian đầy thơ mộng. Lòng chúng tôi thơi thới trãi rộng ra đón lấy những khung cảnh hùng vĩ của núi sông.
Phong cảnh của Washington State sao mà đẹp thế!
Nghệ sĩ Việt Hải chợt nhớ đến một bài dân ca mà giáo sư Phương Oanh (người sáng lập nhóm
Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc Paris) đã dạy nên cất tiếng hát.
“Núi là núi, núi sông
Cái tình bát ngát
Ta bớ ru hời,
Ru hời bát ngát núi sông…”
Giai điệu nhẹ nhàng, lời ca khuê các, đoan  trang… Nghệ sĩ Thanh Nga líu lo:
“Bây giờ mới hiểu rõ nét đẹp của dân ca, vì nó gợi ý từ khung cảnh của thiên nhiên. Cái đẹp của dân ca vốn là cái đẹp giản dị nhưng nếu không trầm mình vào thiên nhiên thì khó mà hiểu được cái
đẹp này.”
Líu lo một chốc thôi, nghệ sĩ Thanh Nga đã trở nên căng thẳng, vì còn 1 tiếng nữa là 2 giờ chiều cũng là lúc phải trình diễn, thế mà đoàn nảy giờ đi lạc cả tiếng đồng hồ vẫn tìm chưa ra Pearrygin
Lake State Park! Lo trễ cho chương trình, nghệ sĩ Thanh Nga giận lây sang người bạn trai đã phải lái xe xuốt 5 tiếng đồng hồ, quay mặt không thèm nói chuyện.
Nghệ sĩ Thúy Loan và Hồng Nhung phải điện thoại cầu cứu viện binh. Nhưng rồi đoàn cũng tìm
được đến nơi trình diễn. Nghệ sĩ Thanh Nga lúc này lại âu yếm quay sang người yêu, “anh nè,
nhớ chụp hình cho nhóm em nghen.” Chuyện tình này sao cứ như là câu Ví Dặm:
“Giận thì giận, mà thương thì thương”
Mở đầu chương trình là nhạc phẩm Thuyền Hoa. Đây là một bản tân nhạc được biên soạn lại
cho đàn tranh. Giai điệu rộn rã vui tươi với những thủ pháp mới được áp dụng trên đàn tranh
như vỗ trên dây đàn, chặn dây, vê dây, hợp cùng những tà áo dài gấm hồng làm cho bản nhạc
càng thêm tươi mát trong cái nắng đầu thu Winthrop.
Đặc biệt trong chương trình, nghệ sĩ Việt Hải độc tấu nhạc phẩm Biến Tấu Lý
huong-viet.JPG
Chim Quyên của giáo sư Phạm Thúy
Hoan. Đây là một bản biến tấu của bài dân ca Nam Bộ Lý Chim Quyên. Bản nhạc mang một giai điệu mộc mạc, trữ tình, nhưng cũng phảng phất một điệu buồn man mát, kín đáo, như một dòng sông soi bóng
cuộc đời, len vào tâm hồn
con người những mạch ngầm cảm xút dạt dào chảy mãi không thôi.
“Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Thia thia quen chậu vợ chồng quen hơi.”
Phải chăng dân ca chính là tiếng hát tâm tình của người dân lao động, làm dịu nỗi nhọc nhằn của họ trên ruộng đồng, nương dâu? Lời ca của Lý Chim Quyên thật nhẹ nhàng, ấm áp, êm đềm, đơn giản,
chân chất như lời tâm sự của người dân quê mà trong mọi hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống, nỗi lòng của sự thủy chung vẫn bộc lộ nét trong trắng thanh cao.
Ngoài các tiết mục độc tấu và hòa tấu nhạc cổ truyền, đoàn còn gửi đến khán giả ở Winthrop điệu phiến vũ đặc sắc “Vui Ngày Hội” và bản dân ca “Hoa Thơm Bướm Lượn”. Trong khi các liền anh liền chị
trong áo the khăn nhiễu ngân nga từng âm thanh bài Quan Họ, khán giả thưởng ngoạn lại cứ tròn xoe mắt chăm chú tò mò làm
sao mà 2 cái chén nhỏ, hay 2 thanh gỗ mảnh khảnh lại có thể giữ nhịp bài hát thật vững từ bàn tay điêu luyện của các em Hồng Hà, Mia, Emily, và Karina.

 

Âm nhạc Việt Nam đa dạng như thế đó, 2 cái chén nhỏ thôi hay 2 thanh que mảnh khảnh thôi cũng có thể làm nên âm nhạc! Trong một tiếng đồng hồ ngắn ngủi, Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Hướng Việt đã cho
khán giả Winthrop từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Sắc màu văn hóa Việt Nam thuần túy không lai căn mất gốc được thể hiện trong từng chiếc áo tứ thân, từng tà áo dài duyên dáng. Thăng hoa
nhất trong chuyến lưu diễn lần này là những chiếc áo bà ba mộc mạc đơn sơ trong điệu vũ “Nón Yêu” do Thúy Loan đạo diễn. Phải chăng chính vì nét mộc mạc bình dị đó mà áo bà ba lại trở
nên lôi cuốn, và đi vào thơ văn một cách tình cờ:

“Tự bao giờ áo bà ba
Đi vào câu hát dân ca quê mình
Em xinh cái dáng càng xinh
Áo bà ba nữa cho tình thêm say”
Kết thúc chương trình là bản dân ca miền Nam mang tên Ngũ Điểm Mai Tọa Ngọc Lầu. Như lời giáo sư Phương Oanh thường giảng dạy:
“Nếu không có học nhạc cổ, mình không thể thấy cái đa dạng của hơi – điệu trong bài nhạc. Nhạc tây phương, tân nhạc, chỉ có hai hệ thống trưởng và thứ. Muốn sáng tác một bản nhạc, chỉ viết các
câu nhạc trong khuôn khổ hệ thống là ta có thể « thấy » được nét nhạc như thế nào. Ngược lại, trong nhạc dân tộc, nhạc cổ truyền, ngoài hệ thống âm giai, phải chú ý đến điệu, hơi, nét nhạc của miền
nào… Nếu không để ý, thì bài nhạc cũng chỉ là những câu nhạc được viết trên hệ thống ngủ cung mà thôi, chứ không thể hiện rỏ điệu, hơi của từng miền.”


Các thành viên của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Hướng Việt đã xuất sắc thể hiện nhạc phẩm này theo đúng điệu Bắc hơi Khách của bài. Tuy bản nhạc đơn sơ nhưng cũng đủ nói lên sự đa dạng và phong phú của
âm nhạc Việt Nam.
Rời Winthrop trong một buổi chiều đầu thu cuối hạ. Lá vàng đã bắt đầu rơi, trời thu bắt đầu se lạnh. Hành trình văn hóa đến vùng xa Winthrop khép lại nhưng đong đầy bao nhiêu hồi ức đẹp của một
chuyến lưu diễn xa.


Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Hướng Việt ký sự
Chủ Nhật, ngày 18 tháng 9 năm 2011

 

huong-viet-6.JPG

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.