Văn học – Nghệ thuật

Hò và Ví
18-07-2003, 2:29:00 PM
Ca hát trong lao động là niềm ưa thích và thói quen của người Việt Nam. Những bài hát lao động là một trong những vốn văn hóa phong phú và quý báu của nhân dân. Hò và Ví là hai hình thức trình diễn dân gian phổ biến liên quan đến đời sống lao động và sinh hoạt của con người.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, hò là loại ca hát ca hát có nguồn gốc từ lao động sông nước. Điều đó là có cơ sở vì có nhiều điệu hò gắn với sông nước như Hò sông Mã, Hò Qua sông hái củi, Hò khoan, Hò Giựt chì, Hò Kéo lưới, Hò Mái nhì, Hò Mái đẩy, Hò Mái ba Gò Công, Hò Đồng Tháp… Tuy nhiên, có những điệu hò không gắn với sông nước như Hò Giã gạo, Hò Xay lúa, Hò Kéo gỗ, Hò Đạp lúa… Từ thực tế đó, có thể coi phần lớn Hò là một loại ca hát trong loại lao động tương đối nặng nhọc và hầu hết các trường hợp là lao động đông người cho cùng một công việc. Tuy nhiên, không phải bất cứ điệu hò nào cũng mang nhịp lao động. Các điệu hò trên sông Hương, trên kênh rạch Nam Bộ là những giai điệu tự sự, dàn trải, lắng sâu. Vì vậy, không thể xem hò như một phương tiện giữ nhịp điệu cho một tập thể lao động thống nhất động tác. Với tư cách là một dạng nghệ thuật âm nhạc, trước hết và chủ yếu hò diễn tả tâm tư tình cảm của người lao động.
Hò có thể coi là đặc sản văn hóa của miền Trung và miền Nam, mặc dầu một số địa phương ven biển miền Bắc cũng có hò. Một vài tộc thiểu số cũng có loại ca hát tương ứng với hò như các điệu “Xuôi sông Đà” (Loong Té) và “Xuôi sông Mã” (Loong Ma) của người Thái Tây Bắc.

Ví là loại ca hát được hát trong lao động khi làm những công việc không nặng nhọc và thường là không đòi hỏi sự cố gắng chung của đông người. Ví thường được dùng hát đối đáp khi nông dân lao động trên đồng ruộng hay trên sân thóc vào mùa thu hoạch. Có một số loại ví gắn với nghề thủ công như Ví Phường vải, Ví Vặn thừng, Ví Dệt chiếu, Ví Xe chỉ…
Ví là đặc sản âm nhạc của Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Người Mường Hòa Bình cũng có điệu Ví (có vùng gọi là Bỉ). Nhiều tộc thiểu số có những loại ca hát tương ứng với ví. Ở Nghệ An, Hà Tĩnh, ví thường đi đôi với hát Dặm và được hát trong khi làm nhiều việc lao động khác nhau.

Nghệ thuật chèo đất Tổ
11-07-2003, 5:29:00 PM

                                            cheo

Đất Vĩnh Phú xưa có tới 300 gánh chèo và hơn 20 gánh tuồng. Đêm hội làng là đêm ca hát, cả già, trẻ, gái, trai náo nức rủ nhau đến sân đình nghe hát chèo để cùng vui, buồn, thổn thức với Thị Kính, Thị Mầu, Suý Vân giả dại… Chẳng thế mà từ bao đời nay câu ca còn truyền lại:
« Ăn no, rồi lại nằm khèo;
Nghe giục trống chèo, bế bụng đi xem! ».
Chèo sân đình chính là chèo dân gian truyền thống, chỉ biểu diễn trong các dịp hội làng, lễ tết ở sân đình. Sân khấu của chèo là sân đình rộng lớn, phường chèo biểu diễn ngay trước tiền đình. Khán giả chèo vây kín xung quanh không chừa cả chỗ hậu trường của gánh hát. Chèo cổ còn có tên gọi khác là « trò nhời ». Ngoài việc biểu diễn ở sân đình lúc hội hè, đình đám, các gánh chèo còn được mời hát ở các đám cưới, đám khao.
Mặc dù vậy, phường chèo vẫn là một gánh hát không chuyên. ở đó, người nghệ sĩ không lấy hát chèo làm nguồn sống chính. Diễn viên chèo vẫn là nhà nông và chỉ đi hát theo mùa hay khi có dịp. Nguồn sống chính của họ vẫn trông vào lao động sản xuất nông nghiệp ở thôn quê. Một số người khác là thợ mộc, hay người buôn bán cũng có thể tham gia phường chèo. Vùng đất tổ xưa, cũng có lúc đã hình thành phường chèo chuyên nghiệp như các phường Bồ Điền, Bàn Mạch, Tuân Chỉnh (ở Vĩnh Lạc), Cao Phong (ở Lập Thạch)… nhưng rồi các phường ấy cũng chẳng tồn tại được lâu bởi chỉ dựa vào lệ đánh bạc gây quỹ. Các phường chèo ở vùng đất tổ Vĩnh Phú đều thờ ông tổ sư chèo Đông Phương Sóc.
Mỗi phường có một tượng nhỏ Đông Phương Sóc bằng gổ để mộc, không tô vẽ, đặt trong một hộp gỗ nhỏ, do trùm phường cất giữ rất cẩn thận. Phường chèo gồm một số người cùng thôn hay cùng một làng xã. Phần nhiều có họ hàng với nhau. Vào mùa diễn, các phường lên đường rất đơn giản, nhẹ nhàng. Toàn bộ y phục, trang trí, đạo cụ để gọn vào một đôi hòm do một người gánh bởi hát chèo cổ không cần phông màn.
Đặc điểm của chèo Vĩnh Phú là không có đào mà chỉ có kép, đó là một biểu hiện của ý thức hệ phong kiến trong nghệ thuật dân gian. Các vai đào như Vân Dại, Thị Mầu, Thị Kính, Vợ Trương Viên… đều do nam đóng. Điều này thực sự đã hạn chế giá trị thẩm mỹ của đêm diễn, của tích trò. Những người đóng các vai nữ được gọi là « kép gái », phần nhiều là những thanh niên đẹp trai, có giọng thanh và dáng người mềm mại. Một nét độc đáo của các gánh tuồng vùng đất tổ xưa là kép tuồng, đồng thời cũng là kép chèo, những người hát tuồng cũng biết cả hát chèo và có thể diễn được đôi ba tích chèo theo yêu cầu của khán giả.
Tuồng ở Vĩnh Phú cũng có những phường, những kép được khán giả gần xa quý chuộng. Ơ thị xã Phú Thọ, xưa có phường tuồng của cụ trùm Tập khá nổi tiếng. Huyện Phù Ninh xưa (nay là huyện Phong Châu) có phường Bình Bộ với kép kèn Đỗ Văn Khay, kép trống Phạm Văn Quy, kép võ Nguyễn Đức… Huyện Vĩnh Tường (nay thuộc Vĩnh Lạc) nổi tiếng có phường hai anh em ông Phấn – ông Sáp. Huyện Lập Thạch có hai phường Tiên Nữ, Đạo Nội là những phường nổi danh cũng như phường Tam Hồng (huyện Yên Lạc)… Các phường Tuồng được tổ chức theo đơn vị xã nhưng cũng có phường tổ chức theo đơn vị thôn, như phường tuồng Tam Hồng là của thôn Man Để, phường Tiên Lữ là của thôn Hoàng Trung.
Có thể nói, nét độc đáo, sâu sắc nhất của tuồng, chèo đất tổ là nội dung tích diễn phần lớn được gắn với các truyền thuyết hào hùng của dân tộc như Hùng Vương, Tản Viên dựng nước, Hai Bà Trưng dựng cờ nghĩa đuổi giặc ngoại xâm. Tinh thần ấy còn thấm đượm trong các tích, trò dù là đấu vật, thổi nấu cơm thi, giã bánh giầy hay lễ sát ngưu. Dù là những trò rước « lúa thần » diễn xướng trình thề hay múa hát…, mỗi trò diễn đều nhắc nhở nhân dân ta ghi nhớ công ơn của tổ tiên xưa đã vượt bao gian khó để xây đắp và gìn giữ giang sơn…

 

 

 

 

 

 

 

 
 

 
 

 

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.