Đại Hội Âm Nhạc Truyèn Thống Việt Nam lần thứ 3 tại Úc Việt Hải HƯỚNG VIỆTT

Thật cảm động khi được đọc nhật ký này của Việt Hải, cô xin phép để lên đây cho mọi người khác cùng đọc nhe.
PO

Nhật ký Úc Châu

Thu về, cúc vàng nở rộ ngoài hiên. Nhâm nhi chén trà hoa cúc, tôi trãi mình về những kỷ niệm ở Úc Châu.

Kỷ niệm là gì? Với tôi đó là những hồi ức trong đó có nụ cười, có nước mắt, có hạnh phúc, khổ đau, có niềm tiếc nuối, có hy vọng, là những hành trang giúp tôi vững chân trên từng bước đường đời.

Tôi đến Sydney trong một ngày mùa hạ, để đón cái khí hậu khắc nghiệt của mùa đông. Tuy nhiên cái lạnh chóng xua tan khi được gặp các thầy, người bạn mới. Vui nhất là gặp chị Linh. Vừa gặp tôi chị Linh hỏi « 2 đứa bé này là con Việt Hải phải không ». Tôi chưng hửng ngó lại phía sau. 2 học trò nhí của tôi, Thủy Tiên và Quang Huy đang tròn xoe mắt ngó tôi như 2 con búp bê. Mà trời ạ, chị Linh mở hàng sao mà đắc ghê gớm. Cái nổi ám ảnh này nó theo suốt cuộc hành trình Sydney Melbourne. Lúc đang đứng vẽ, không biết bao nhiêu là khán giả cứ dí tôi một câu, « đây là con của bác sỉ phải không? », « hai đứa bé con bác sĩ dễ thương quá »… Trời ơi, chỉ một chuyến đi Sydney thì tôi đã « già » đi chục tuổi. Có nên khóc buồn cho số phận hay không? Nổi buồn này biết tỏ cùng ai!

Niềm vui lớn nhất trong hành trình này là tôi được gặp lại giáo sư Phương Oanh, Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Xuân Yên. Tôi lại có duyên được nghe tiếng sáo của thầy Trần Bộ, quen chị Phương Mỹ, cô Lan, chị Minh Hà, cùng ông cụ non Minh Hiệp, và nhiều các anh chị khác…

Tôi nhớ hoài kỹ niêm hôm ấy. Đó là tối thứ 5 ngày 13 tháng 8, 2015. Sau bữa ăn tối, thầy Thụy và cô Yên không ngại đường xa mệt nhọc quyết định làm một buổi thuyết trình về các làn hơi nhạc cổ cho chúng tôi. Đây là một buổi học quý báu vô cùng, vì không những cô và thầy truyền trao cho chúng tôi kiến thức về nhạc cổ vốn có, các thầy còn truyền trao những kinh nghiệm đã chiêm nghiệm được từ bao nhiêu năm sống với âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Tôi nhớ hoài câu nói của cô Yên, « có những kinh nghiệm mà có lẽ mấy thầy đi trước biết nhưng lại không nói ra. Tụi tôi thì nghĩ mình đã già nên chúng tôi muốn nói ra vì nếu không nói thì sẽ bị mai một, nên chia sẽ được gì chúng tôi chia sẽ để mọi người cùng nhau suy nghĩ. »

Với riêng tôi, nhạc cổ truyền Việt Nam ngày nay, tuy gọi là nhạc cổ, nhưng cũng được chia ra làm 2 trường phái khác nhau rõ rệt:

Trường phái thứ nhất là dùng nhạc khí cổ truyền Việt Nam phát triễn theo lối nhạc mới, kết hợp với nhiều loại nhạc khác trên thế giới, như Jazz, Blues, rap, v.v, hay dùng để đàn các bản tân nhạc phục vụ cho thị hiếu của khán giả. Có người còn dùng để đàn các bản nhạc Tây phương, cụ thể là nhạc cổ điển, để chứng minh nhạc khí Việt Nam cũng có thể chơi như các loại nhạc khí khác trên thế giới. Kỷ thuật của nhạc cổ truyền không được chú trọng. Phong cách biểu diễn bốc lữa, nhanh, đàn tranh nói riêng, chú trọng nhiều về kỷ thuật chạy ngón của bàn tay phải. Tay trái không chú trọng nhiều về các ngón nhấn nhá, mà chỉ dùng để đệm thêm các bè. Chiều hướng này, theo tôi, thì gần 95% các nghệ sĩ và học viên nhạc cụ dân tộc đang theo đuổi và phát triễn. Phổ biến nhất là phong trào karaoke nhạc dân tộc, nghiã là thay vì hát karaoke thì dùng đàn dân tộc đàn trên nhạc nền karaoke.

Trường phái thứ 2 là chỉ quan tâm chú trọng về các bài nhạc cổ, các làn hơi điệu thức thăng âm nhạc Việt, không ngoài mục đích bảo tồn và gìn giữ cái vốn cổ, cái hồn của dân tộc. Đàn tranh nói riêng, chú trọng nhiều kỷ thuật của bàn tay trái. Theo tôi đây là trường phái khó theo nhất. Khó là các kỹ thuật này rất khó đạt đến mức tinh vi. Cái khó hơn là nó kén khán giả, ít người hiểu được giá trị của nó. Và cái khó khăn hơn nữa là làm sao để các học viên theo đuổi nhạc dân tộc cũng thấy được cái hay, cái đẹp, cái tinh tế đầy ý nhị trong các làn hơi nhạc cổ.

Với hơn 14 năm theo đuổi các kỷ thuật mới của đàn tranh, học biết bao nhiêu các sáng tác mới cho đàn tranh tôi. Tôi còn nhớ lúc ấy thiếu bài đàn tôi yêu cầu sư phụ tôi sáng tác thêm các bài nhạc mới với một yêu cầu « chị phải có thêm nhiều nốt đàn tay trái cho em. Vậy đàn mới đã tay. » Thế là chị tặng cho tôi nhạc phẩm Vui Mùa Lúa, rồi thêm một loạt các sáng tác mới như « Nhớ Bạn, » « Hoài Thương, » « Vọng Hoài Thương, » « khắc khoải, » v.v.
chiều hướng này tôi không thiết tha theo đuổi nữa. 5 năm trước ở Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Kỳ 1, qua sư phụ Kim Uyên, tôi có cái duyên được biết giáo sư Phương Oanh. Chính cô là người đã truyền trao cho tôi tình yêu âm nhạc cổ truyền Việt Nam, để nó biến thành một phần máu thịt không thể nào tách rời xa được. Câu nói góp ý của cô sau khi nghe tôi đàn bài Vui Mùa Lúa tôi vẫn còn nhớ mãi: « Ngày xưa cô cũng sáng tác các bản nhạc mới cho cây đàn tranh, nhưng sau một thời gian cô không sáng tác nữa mà chỉ chú trọng về học và phổ biến nhạc cổ truyền VN mà thôi. »

Sư phụ Kim Uyên trao cho tôi ngón đàn và tình yêu với cây đàn tranh, nhưng chính giáo sư Phương Oanh là người đã cho tôi nhận thức sâu sắc hơn về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Thế là trong 5 năm qua, tôi không học nhạc mới nữa. Cứ 10 giờ sáng Seattle, tức 7 giờ đêm Paris, cô tận tình hướng dẫn tôi học các bài nhạc miền Trung. Tôi cứ thế mà học, Lý Con Sáo Quãng, Lưu Thủy Kim tiền, Hành Vân, Cổ Bản, rồi từ từ đi sâu hơn học các bài Tứ Đại Cảnh, Nam Bình, Nam Ai, Nam Xuân (Huế). Càng học, tôi càng yêu nhạc cổ hơn, vì nó đẹp, một nét đẹp đã được thử thách và tồn tại theo thời gian năm tháng.

Tinh thần gìn giữ âm nhạc dân tộc của cô Phương Oanh rất cao. Có những hôm tôi « làm biếng » muốn ngủ nướng, cứ nằm trên giường không chịu dậy, cô kiên nhẫn đợi tôi trên mạng Skype. Những lúc ấy tôi thấy có lỗi với cô vô cùng. Thế là tôi cố gắng học bù. Nhưng tôi ngu quá, học hoài cũng không nhớ, ngón đàn cũng không đẹp. Trái lại, cô lại rất kiên nhẫn với tôi, chỉnh sữa từng nốt đàn cho đến khi nào ưng ý mới thôi. Sau những buổi học đàn, cô thường trầm ngâm, kéo mắt kính lên, thở dài rồi nói … « cô đang suy nghĩ… » Cô không suy nghĩ gì nhiều đâu, cô chỉ suy nghĩ một hướng đi, đó là làm sao phục hưng âm nhạc truyền thống Việt Nam để nó không bị mai một, bị lai căn mất gốc.

Rồi tôi bắt đầu nghiên cứu nhạc miền Nam với sư phụ Kim Uyên. 6 giờ chiều Seattle, 9 giờ đêm Toronto, Canada. Chị đeo cái mắt kiếng thật to tận tình hướng dẫn tôi làm sao phân biệt âm nhạc của 3 miền đất nước. Càng học các bài nhạc tổ, càng thấy sự tinh tế ý nhị trong từng ngón nhấn mổ, sức sống của nhạc cổ càng vực dậy trong tôi mãnh liệt hơn. Sức sống ấy tạo nên tinh thần và nhiệt huyết cho tôi truyền trao những gì mình học được cho các học trò của tôi. Tuy nhiên tôi biết, các thầy cũng như tôi, là những người đi trên con thuyền ngược nước, chúng tôi không đi xuôi theo thị hiếu của khán giả, mà đi theo một chân lý của cuộc sống. Dẫu lắm chông gai, chèo chống cùng bao trỡ ngại, con thuyền này phải được thẳng tiến dẫu với bao hy sinh, không sẽ bị thụt lùi theo dòng nước ngược.

Nhưng sao đi nữa, trường phái nào cũng vậy, miễn kéo được người tìm đến với nhạc cụ dân tộc, để tuổi trẻ hải ngoại dầu ở cách xa quê hương hơn nữa vòng trái đất không tự ti dân tộc, vẫn có thể tự hào mình là người Việt Nam, có một truyền thống lâu đời, có những nhạc khí cổ truyền đặc biệt như bao nền văn hóa khác khác thì tôi vui rồi.

Ngoài vườn những chiếc lá ngô đồng theo gió rời cành. Tôi chạnh lòng, đã thu rồi ư!
Ngô đồng thất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
(một lá ngô đồng rụng
nhân gian biết thu đã trở về)

Ngày xưa, vua Phục Hy thấy tinh hoa của năm vì sao rơi xuống cây ngô đồng, lại thấy chim phượng hoàng liền đến đậu. Vua Phục Hy biết ngô đồng là gỗ quí, hấp thụ tinh hoa Trời Ðất, có thể làm nhạc khí, thế là ông sai người đốn cây ngô đồng xuống, cắt làm ba đoạn để phân Thiên, Ðịa, Nhân. Ðoạn ngọn thì tiếng quá trong mà nhẹ, đoạn gốc thì tiếng quá đục mà nặng, chỉ có đoạn giữa thì tiếng vừa trong vừa đục, có thể dùng làm nhạc khí được. Cây đàn Dao cầm từ đó mang tên. Ngô đồng cũng là loại gỗ mà chúng ta dùng để làm đàn tranh đó!

Mùa thu là mùa tôi yêu nhất. Tôi thích cái se se man mát lành lạnh của gió thu, nhưng vẫn luôn nhớ cái nắng nóng bỏng của mùa hè. Tôi yêu mùa thu vì thu là mùa của hoa cúc, một loài hoa độc nhất biểu lộ đặc tính « diệp bất ly di, hoa vô lạc địa ». Hoa cúc là vậy, « lá không rụng khỏi cành, hoa cũng chẵng lìa thân » dù cho héo rũ tàn khô vẫn luôn bám lấy cành như người quân tử đầy chí khí suốt cuộc đời theo đuổi lý tưởng chân lý. « Cúc hoàng cúc đảm ngạo hàm sương ». Cúc biểu tượng cho tinh thần thanh cao của nhũng kẻ sĩ muốn lánh xa vòng tục lụy, hiên ngang thách thức cùng sương tuyết ngạo nghễ đơm hoa kết nhánh mặc cho thời tiết khắc nghiệt bao quanh. Tôi cũng như loài hoa cúc ấy, noi gót theo các thầy Thụy, cô Yên, cô Phương Oanh, theo đuổi một ý chí, một lý tưởng chân lý, làm sao gìn giữ vốn nhạc cổ đang ngày một mất đi.

Sân sạch không còn mưa bụi bay
Từ đâu thu hứng đến đem nay
Vàng ngô gió thổi tung chiều hướng
Dương liễu trăng soi bóng tỏa đầy…

Ngoài những kỷ niệm đẹp với các thầy cô ở Sydney, ở Melbourne tôi lại có thêm nhiều kỷ niệm đẹp khác nữa. Đến Melbourne, chúng tôi được mời đến tham quan nhà của chú Thái và cô Đạm. Căn nhà khá rộng xinh xinh trồng đủ loại hoa kiểng. Vừa vào thăm nhà, sư phụ Kim Uyên của tôi đã reo lên « vào đây vào đây xem hoa mai trắng nè em ». Vốn là một người yêu mai nên tôi chạy nhanh ra sau vườn xem. Mai có đến 250 loại khác nhau, nhưng ta có thể chia mai ra làm 4 loại tùy theo màu sắc: hoàng mai, bạch mai, hồng mai, và thanh mai. Loại mai nhà cô Đạm trồng là một trong các loại Bạch Mai. Loại bạch mai này khác bạch mai ở VN vì nó không có hương thơm, tuy nhiên cũng làm cho kẻ mộ điệu nhớ đến 2 câu thơ của Lư Mai Pha đời Tống:

Mai tu tốn tuyết tam phân bạch
Tuyết khước khâu Mai nhất đoạn hương
(Mai nên nhường tuyết ba phần trắng
Tuyết phải thua mai một bậc thơm)

Các nhà nho xưa xem Mai là sự hòa hợp giữa chữ Nhẫn và chữ Dũng. Thân và cành của mai gầy guộc nhưng bên trong chứa đựng một sức mạnh kiên cường giúp mai vượt qua cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông để kết nụ đơm hoa. Chính sự kiêu dũng này mà cụ Chu Thần (Cao Bá Quát), người tự phụ riêng mình chiếm đến 2 bồ chữ của thiên hạ đã phải thốt lên rằng
Thập tài luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái hoa mai
(Mười năm xuôi ngược đi tìm thanh kiếm cổ
Một đời chỉ cúi đu vái lạy trước hoa mai)

Ngoài hoa mai, vườn nhà cô Đạm chú Thái còn trồng nhiều loại trúc và tùng. Âu đây cũng là những vị biết « chơi hoa ». Mai hoa thường đi chung với tùng và trúc thành bộ « tam hữu ». Sách Luận Ngữ có câu « Ích giả tam hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn ». Vườn nhà mà có ngự sử mai, trượng phu tùng, và quân tử trúc cho ta biết đây là một ngôi nhà có nhân tài, những vị nhân tài thích ẩn dật với thiên nhiên hoa cỏ. Thật vậy cô Đạm là một hoạ sĩ rất tài hoa, tranh cô sống động qua từng đoạn đời của quá khứ. Chú Thái là một người vui tính hòa nhã nên mọi người trong cộng đồng đều yêu mến.

Hôm ấy cô và chú đãi chúng tôi món bánh canh. Món bánh canh này ngon quá nên sau khi hết một tô, tôi nhờ chị Phương Mỹ nấu thêm một tô nữa với một yêu cầu nho nhỏ « ít bánh canh thôi vì em sợ tăng cân. » Phải chăng những món ăn ngon đều do đều bếp nấu bằng tất cả tấm lòng thành! Đã mấy tuần rồi vẫn còn nhớ vị bánh canh của cô Đạm.

Sau bữa ăn, chúng tôi tụ họp lại để tổng dợt cho chương trình sáng hôm sau. Chúng tôi ôn lại « Duyên Kỳ Ngộ ». Con người đến với nhau qua một chữa duyên. Duyên sinh duyên khởi. Tất cả mọi việc ở đời đều bắt đầu từ một chữ duyên, cái nhân duyên tác động chi phối lẫn nhau trong trùng trùng điệp điệp vô cùng tận. Tôi và sư phụ Kim Uyên của tôi đến với nhau như một cái duyên từ nghìn xưa vậy.
Cũng nhờ cái duyên với chị giúp tôi có thêm những cơ duyên khác.

Tôi có được cái duyên quen chị Phương Mỹ và được học hát thêm bài Tứ Đại Oán.

Tôi có cái duyên được nghe tiếng sáo của thầy Bộ. Thầy trầm ngâm ít nói lúc nào cũng cười toe, cứ như là mặc cho thế sự cuộc đời ta cứ vui vẻ với cây sáo trên tay.

Tôi có cái duyên được biết cô Lan, được nghe cô tâm sự, được cô chia sẽ những tình yêu về nhạc cổ truyền miền Nam.

Hai tuần đã qua, nhưng tôi vẫn nhớ tiếng cười thật giòn của cô Yên. Tiếng cười của cô làm tôi nhớ cô Ngọc Dung. 2 năm rồi không có dịp thăm cô Ngọc Dung, tôi nhớ biết mấy những buổi học hát với cô. Cô Ngọc Dung như một « kỵ sĩ » đàn tranh, ngón đàn có sức sống rất mãnh liệt, làm cho người nghe lúc nào cũng thấy yêu đời, trẻ trung.

Kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất là tôi được tập ca bài Văn Thiên Tường lớp dựng. Chị Kim Uyên vạch nhịp cho tôi lâu rồi nhưng chưa có dịp tập ca. Hôm đó là lần đầu tiên hát bài này cũng là lần đầu tiên được thầy Thụy đệm cho ca bài « gọi trăng » kể về Hàn Mạc Tử. Tôi luôn tự hỏi tại sao những gì liên quan đến thi sĩ họ Hàn này đều buồn như vậy.
« Giáng tiên xưa u hoài mang thương nhớ
Rụng xuống trần trăng mùa lỡ xa xôi
Giọt nhớ nào? từng cánh nhỏ rơi rơi
Để trĩu nặng trong thơ đời băng giá…. »

Trăng trong thơ Hàn Mạc Tử khác trăng trong thơ Lý Bạch, khác trăng trong thơ của Xuân Diệu. Dưới mắt ông trăng là một thực thể linh hồn, một sự khát khao. Ông say cùng trăng, ôm ấp trăng, giỡn cùng trăng, đôi khi dỗi hờn muốn đoạn tuyệt cùng trăng…
« Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Chẵng bán tình duyên ước hẹn hò… »

Tôi say sưa hát trong tiếng đàn của thầy Thụy. Tôi đã nghe bản nhạc này vài hôm trước với một nỗi buồn vời vợi như tâm trạng và trái tim thổn thức của Hàn Mạc Tử. Nhưng hôm nay tôi hát, tôi lại không cảm giác như vậy. Tôi hát với một trạng thái thanh thản, nhẹ nhàng. Bao nỗi phiền muộn xóa tan! Tôi chợt chiêm nghiệm rằng, phải chăng tiếng đàn của thầy Thụy cũng là một pháp thiền định.
Thật vậy, nếu ai đã từng nghe và thấy thầy đàn, bài chậm, bài nhanh cũng vậy, thầy đàn với một phong độ thư thái an nhàn hoà đồng cũng vũ trụ thiên nhiên, làm cho người nghe cảm thấy thanh thản, thời gian cứ thế trôi qua thanh thoát.

Đêm đã khuya, gần 3 giờ sáng rồi còn gì! kỹ niệm vẫn còn dài, tôi khép lại trang nhật ký ở đây hẹn một ngày khác viết tiếp.

Việt Hải
3am ngày 5 tháng 9, 2015

Ce contenu a été publié dans Français. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.