Phong Trào Du Ca

Viết về Du Ca,

Phong Trào Sinh Hoạt Văn Nghệ trẻ của Việt Nam.

                                        



Năm 65, tôi cùng nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Nguyễn Ðình Nghĩa đã lên Dalat, tham dự đêm Tâm Ca do sinh viên viện đại học Dalat tổ chức tại giảng đường Thụ Nhân.

Trời Dalat sương mờ, tôi co ro trong chiếc áo pardessus mà chị Khánh Tuyết cho mượn, đang gật gù vì vừa tới Dalat sau 2 giờ bay mà tôi chưa quen di chuyển bằng máy bay lúc đó.

Vào đến viện đại học, được ban tổ chức đón tiếp, nghỉ ngơi và chuẩn bị chương trình cho đêm hát. Trong thời gian này, tôi đã tốt nghiệp và đã dạy tại trường nhạc không bao lâu, bắt đầu xuất hiện trước học sinh, sinh viên qua các buổi thuyết trình giới thiệu dân ca, âm nhạc truyền thống với giáo sư Nguyễn Hữu Ba, Lê Thương, tại các trường trung học, đại học, cũng như mới trình diển trước công chúng qua các chương trình có tính cách từ thiện, hoặc trong giới sinh viên vào những dịp tết.

Khi còn học ca cổ ở trường Quốc Gia Âm Nhạc, tôi được các thầy cô cho đi thu thanh với các ban ca Huế, ban chèo Phụng Minh trên đài phát thanh Saigon, Quân đội, hay đài tiếng nói tự do, tôi vẫn thường gặp mặt các ca sĩ, do đó, hầu như mọi người đều biết mặt nhau, từ ban hợp ca Thăng Long, đến Ban Tiếng Tơ Ðồng v.v… Sau này, diễn trong chương trình tiếng nói học đường của Trung Tâm Học Liệu với thầy Hùng Lân ở đài phát thanh hay ở đài truyền hình về tìm hiểu dân nhạc Việt Nam, thì lại làm việc chung với các chị Tuyết Hằng, Thu Hà, Hồng Vân của tam ca Ðông Phương. Mặc dù vẫn thường xuyên liên lạc với các văn nghệ sĩ, nhưng tôi đã chọn chỗ đứng của mình trong môi trường nghệ thuật là dạy học. Nên trình diễn chỉ là muốn góp mặt với bè bạn, cũng như để có dịp làm quảng cáo cho âm nhạc dân tộc mà thôi.

Từ lúc gặp ban Trầm Ca tôi thấy đường lối hoạt Çộng của các bạn hợp với mình, nên "nhảy" vào. Ban Trầm Ca lúc đầu chỉ có năm anh chàng, bây giờ có thêm một giọng nữ nữa là sáu (Nguyễn Đức Quang, Trần Trọng Thảo, Hoàng Kim Châu, Đinh Gia Lập, Hoàng Thái Lĩnh, Nguyễn Quốc Văn và Phương Oanh). Sau khi Quang và các bạn "di dân" từ Dalat xuống Saigon, lúc đó, thật sự chúng tôi đã đến sinh hoạt thường xuyên với các sinh viên, học sinh và trong môi trường này, tôi thường gặp Khánh Ly với Trịnh Công Sơn.

Hai lối trình diễn, hai lối suy nghĩ khác nhau giữa Quang và Sơn, và hai cách xuất hiện trước công chúng khác nhau giữa tôi và Khánh Ly, đã làm sinh viên từ Saigon đến Huế thích thú, say mê. Tình bạn chúng tôi đến bây giờ cũng vẫn như những ngày đầu gặp gỡ.
Một lối viết nhạc, nói lên tâm trạng bi quan, về quê hương, cuộc đời, xã hội, ủy mị tìm quên qua ly càfê, qua ly rượu đắng.

Một lối viết nhạc, nói lên cái thao thức của một dân tộc bị chia xẻ, bị người ta điều khiển giống như con tốt trên bàn cờ, dù bị trị, nhưng lời hát vẫn bộc lộ sự can cường, ung đúc tinh thần để cùng đứng lên, lo cho tương lai đất nước.
Trong lúc nhạc của Sơn được phổ biến rộng rãi tại các phòng trà, quán nhạc, thì ngược lại, nhạc của Quang đã được giới sinh viên, học sinh biết tới, qua các trại làm công tác xã hội. Một số lớn nhạc của Sơn và Quang được giới trẻ đón nhận và xử dụng trong các dịp sinh hoạt chung, tạo nên bầu không khí lành mạnh. Bộ thanh niên thấy được điều này, nên đã tổ chức các khoá sinh hoạt ‘Thanh Ca Tác Ðộng’ để muốn gầy dựng một tầng lớp người trẻ lành mạnh và đầy sức sống trên toàn đất nước.

Năm 1969, cùng với Khánh Ly, Quang và tôi lại có dịp đi Âu Châu trình diễn, nên lại càng đến gần nhau hơn nữa, trong lúc này Phong Trào Du Ca thành hình vững mạnh tạo nên một làn sóng tươi trẻ mới trong xả hội, Phong Trào phát động thật rộng rãi, có rất nhiều toán du ca khắp nơi trên toàn quốc, đặc biệt lại thu hút được rất nhiều phái nữ tham dự…

Tôi không còn đến thường xuyên với các bạn nữa, mà trở về vị trí của mình, lo duy trì lớp đàn tranh – Phượng Ca. Nhưng mỗi khi Phong Trào Du Ca tổ chức sinh hoạt, thì lúc nào Phượng Ca cũng có mặt để góp chung tiếng đàn, tiếng hát của mình.

Sau khi rời Việt Nam đầu năm 75, tưởng là sẽ không bao giờ được gặp lại bè bạn thân yêu. Thời gian trôi qua, nhưng rồi cũng bắt lại được liên lạc, người còn người mất, nhưng tình thân ái vẫn tràn đầy, đối với nhau như anh em trong gia đình. Tinh thần Du Ca còn đây, nhưng những người  Du Ca, nay nơi đâu ..? Càng sống xa quê hương, càng cần sự có mặt của Du Ca ở đó. Vì Du Ca là hình ảnh của người thanh niên Việt Nam sống cho xã hội, cho quê hương dân tộc. Càng xa Việt Nam bao nhiêu, chúng ta càng cần tìm đến nhau bấy nhiêu để giữ vững tinh thần dân tộc cho con cái và cho thế hệ trẻ sau nàỵ  Phải cám ơn Nguyễn Hữu Nghĩa đã cố làm sống dậy phong Trào Du Ca những năm đầu tiên khi định cư nơi xứ người, nhÜng thật khó lòng giữ cho tinh thần Du Ca không bị lệch lạc nếu không có những người thật sự được uốn nắn bởi Phong Trào.
Bây giờ, người khởi xướng phong trào đã chịu xuống núi, đi reo rắc lại niềm tin, sức sống, tinh thần Du Ca từ Mỹ sang Canada, Úc, đến Pháp (?) v.v…Ðiều này làm tôi rất vui và phấn khởi. Nhưng có một trở ngại là sống ở xã hội có đầy đủ tiện nghi, nhưng có những cái mình muốn mà không thể làm được, vì chúng tôi bây giờ tuổi tác cũng đã bắt đầu lên lão, thì các bạn trẻ phải tiếp tay, phải lăn xả để cột trụ Phong Trào có thể đứng vững tiếp nối việc làm của mình bị bỏ dở …gần mấy chục năm qua.

Các trưởng Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Thiện Cơ, Ngô Mạnh Thu, Fa Thăng ..và nhiều trưởng Du Ca khác nữa mà tôi chưa được biết tên cũng nên bắt tay nhau lại, để mong một ngày, Ðại hội Du Ca được tổ chức ỏ đâu đó, anh chị em được gặp nhau, cùng nắm tay mà hát vang những bài ca xây dựng trên đất nước của chính mình hay ngay tại đất nước mà chúng ta gọi là tạm dung nàỵ


Phương Oanh.
7/10/02

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.