Mẹ của em ơi

Thế là từ giờ trở đi, con không còn được nói chuyện và xưng em với mẹ nữa rồi, cũng như con không còn tìm dịp, tìm cách để về Việt Nam thăm mẹ nữa. Thoát một cái thời gian trôi qua nhanh quá, mới hôm nào nghe điện thoại trong nước gọi sang báo tin mẹ mất, 11h sáng ngày 4/7/2001, nhằm ngày mười bốn, rằm tháng 5 năm Tân Tỵ. Khi nhận được tin, lòng con chơi vơi, lâng lâng như vừa uống ly rượu mạnh. Tâm trạng con lúc này thật khó mà diễn tả được vì vừa mừng lại vừa buồn chen lẫn.

-Mừng cho mẹ được giải thoát cơn bệnh ngặt nghèo, phải nằm một chỗ mấy năm trời không tự xoay trở được.

-Buồn vì biết rằng từ giờ trở đi có muốn về thăm cũng không được ôm mẹ trong tay, giỡn đùa như những năm vừa qua con còn được diễm phúc về với mẹ.

Nghe báo tin, không kịp xin chiếu khan để về, bên nhà đã chuẩn bị chỗ nằm cho mẹ bên bố, vì hai ngày sau, mẹ đã nằm yên dưới lòng đất lạnh. Con đã khóc rất nhiều, nghĩ đến ngày bố mất, lúc đó hoàn cảnh chiến tranh xáo trộn, chúng con đã không có mặt, giờ đây mẹ nằm xuống, mẹ cũng không gặp mặt được các con gái của mẹ…Con vẫn thì thầm nói chuyện với mẹ trong tâm tưởng, lúc nào cũng cầu mong có cơ hội về, để thăm nơi mẹ nằm ngủ giấc ngủ ngàn năm có được tươm tất không.

Dominique Hardy ở Strasbourg gọi con, nói rằng là nhóm kịch của chị sẽ đi Saigon trong một chương trình tìm hiểu Cải Lương trong hai tuần lễ và chị muốn chuyến đi này cần có sự có mặt của con. Mẹ ơi, con mừng quá, thật hi hữu, con đã toại nguyện vì con đã có điều kiện để về thăm bố mẹ. Một dịp may, có lẽ mẹ đã thương và muốn cho con có dịp về phải không, vì bẩy tháng đã qua từ ngày mẹ mất rồi…

Tháng 1 năm 2002 tại Saigon, con đã làm thông dịch và dẫn giải những thắc mắc về cải lương cho các bạn người Pháp khi đến thăm cô Phùng Há ở chùa Nghệ Sĩ, hay đi gặp ký giả Kim Cúc, quan sát cách tập tuồng, tập diễn của các đào kép trẻ tại trụ sở nhà hát Trần Hữu Trang, hoặc đến trường đào tạo diễn viên kịch ở đường Cống Quỳnh, rồi xem cải lương ở rạp Hưng Đạo, đi xem kịch ở trung tâm trao đổi văn hóa Pháp-Việt. Mặc dù rất bận công việc, nhưng ngày nào con cũng nhờ Quang, con trai của anh Minh làm tài xế, để có thể tranh thủ về thăm bố mẹ trong chốc lát, đốt nén hương ngồi trước mộ, con vẫn cảm thấy như được ở gần bố mẹ mỗi ngày…

Tết đến rồi đi, hai năm trôi qua thật nhanh, con vẫn chưa đủ can đảm cầm bút viết về mẹ, mặc dù có nhiều chuyện về mẹ mà con rất muốn ghi lại cho các con cháu biết thêm về ngoại.

Mẹ biết không, cách đây mấy hôm, có một người mời con làm một buổi hòa nhạc để mừng thượng thọ bố mẹ cùng kỹ niệm 50 năm đám cưới của ông bà. Người con gái đã nói với con, mẹ tôi người Hà Nội, bố tôi người đảo Corse, chúng tôi có 6 anh chị em. Buổi tiếp tân này, tôi muốn tặng cho mẹ tôi món quà bất ngờ, đó là buổi trình diễn nhạc truyền thống Việt Nam.

Mẹ ơi, khi nghe cô ấy nói thế, nghĩ đến bố mẹ, mừng cho người bạn có diễm phúc còn đủ bố mẹ, con nhận lời, đây là điều rất đặc biệt vì không bao giờ con đi đàn ở tiệm ăn cả. Cảm hứng về tình gia đình đã tạo ý cho con soạn một chương trình với chủ đề về tình yêu và bổn phận đối với cha mẹ. Trong buổi tiệc rất đông người đến từ các nước, nhưng chỉ có bốn người Việt duy nhất đó là em trai và em gái của bà. Khi bắt đầu chương trình, con xin phép mọi người, được nói với bà bằng tiếng Việt, mà những lời con nói, giống như con đang nói với bố mẹ. Buổi tiệc mừng thượng thọ này, con đã nghĩ đến bố mẹ qua ông bà cụ, do đó con gái con đã cùng hòa đàn với con, mục đích này để Như Lan được thấy cái hạnh phúc gia đình người ta làm tiệc mừng ông bà.

Nhìn đầu tóc trắng phau, dáng người vẫn còn mạnh khoẻ của hai ông bà dù đã trên tám mươi tuổi, con đã hát và đàn những bài hát nói về công đức sinh thành, tình yêu thương giữa bố mẹ cho con cái và bổn phận con cái đối với cha mẹ. Ở xã hội ngày nay, tìm được những hình ảnh này thật là hiếm có với cuộc sống quá bận rộn chạy đua với thì giờ, tiền bạc, con người mất hết tình cảm dành cho bố mẹ, gia đình, con cái.

Sau khi trình diễn xong, họ đã mời chúng con ở lại dự tiệc, nhưng con từ chối vì muốn cho gia đình họ có được những giây phút riêng tư, con đã rủ con gái và người bạn đi cùng đến một tiệm ăn khác để ăn vì lúc đó cũng đã chín giờ tối rồi. Về tới nhà cũng đã khuya, con có hứng để ngồi ghi lại vài dòng như thường lệ. Con cố thu hết can đảm để viết cho mẹ, nước mắt con tuôn rơi, vì con vẫn không dám chấp nhận sự thật về sự ra đi của mẹ…Hai năm nay, trong ngày lễ cha mẹ, mỗi lần được cài hoa trắng trên ngực, là con lại khóc vì biết rằng con đã không còn bố mẹ trên đời. Những lúc đó, Như Lan luôn luôn ở bên cạnh ôm con trong đôi tay của cháu, vỗ về con như con vẫn ôm và vỗ về mẹ mỗi khi được về gần bên mẹ.

Mẹ ơi, ngày con về nhà chồng, tóc mẹ vẫn còn xanh, mẹ đã hơn 60 tuổi, hình ảnh này vẫn luôn luôn sống trong tim con. Đến năm 1989, khi làm bảo lãnh để mẹ sang chơi, thăm con cháu, con vẫn nhớ thái độ thong dong, nhàn hạ của một bà cụ tóc trắng từ trong bước ra nơi cửa đến của phi trường, con không nhìn ra, vì mẹ đã khác xưa. Mẹ gầy quá, trong chiếc áo dài nhung đen bông kép, choàng trên vai quành khăn san màu thẩm, có một cái ơ trầu là món ăn mà mẹ nói nếu không có nó thì mẹ không thể yên được trên tay. Con nghẹn ngào vì con không nhìn ra được hình ảnh ngày xưa trước ngày con xa rời quê nhà. Nhưng có một cái gì đó trong con đã cho con biết bà cụ này là mẹ. Mặc dù trên 80, mẹ vẫn còn mạnh khỏe, đi đứng dể dàng, tuy nhiên mẹ đã có cái lưng hơi gù gù rồi. Chúng con muốn giữ mẹ ở lại Pháp, nhưng mẹ không chịu vì cuộc sống bên này không giống như bên nhà, mẹ không được đi hàng xóm, không được đi ăn quà những khi mẹ thích, suốt ngày ở trong nhà, không được nói to (giọng nói mẹ rất mạnh, mẹ hát rất hay) và mẹ nói ở đây, mẹ bị ‘chồn chân chồn cẳng’, buồn quá.

Mẹ có biết là trước khi quyết định đón mẹ sang, bốn chị em chúng con đã thu xếp với nhau, chia nhau thì giờ để chăm sóc mẹ, lúc nào cũng có một đứa bên cạnh vậy mà mẹ còn than buồn, thử hỏi những người lớn tuổi khác ở đây sẽ chơi vơi thế nào, khi con cái đến tuổi trưởng thành, không chịu ở chung và vì không thể chăm sóc được nên buộc lòng phải cho bố mẹ mình vào viện dưỡng lão?

Ba tháng trôi qua thật nhanh, ngày mẹ trở lại Việt Nam, thì mẹ lại muốn ở lại, nhưng khi định xin gia hạn visa, thì mẹ nhớ anh Minh rồi lại đòi về. Chúng con đã hẹn với mẹ, sẽ về thăm mẹ thường xuyên như mẹ muốn…

Năm 1995, lần đầu tiên sau hơn 20 năm xa nhà, con mới trở lại Việt Nam vì tin mẹ ốm nặng. Trong gần 1 tháng, mỗi đêm, mẹ ngủ gối đầu trên cánh tay con, lúc đó mẹ vẫn còn khỏe, vẫn còn ăn được vì còn răng, mặc dù có cái long lay, có cái xiên xẹo. Đêm đêm, Như Lan lúc đó mớI 11 tuổi, con gái ‘thèm’ được nằm kề sát bên ngoại, để nghe ngoại ‘ngáy’ và quạt cho ngoại ngủ yên. Rồi mỗi năm, con đã tìm một cái gì đó làm trong nước, đặng có cớ để về với mẹ, được ôm mẹ trong vòng tay cứng cáp của mình, dỗ dành ‘em bé mẹ’ ‘bắt phải ngoan’ thì mới được con cưng chìu.

Mỗi năm, tuổi mẹ càng cao, thể xác mẹ càng suy yếu, mẹ không còn nhớ gì, chỉ một câu chuyện, mẹ có thể lập đi lập lại cả mấy mươi lần trong ngày, mà vẫn chưa hết. Về sau, mỗi khi mẹ mở miệng là các cháu chắc của mẹ đã đứng chung quanh, đồng lập lại câu nói đó để được nghe mẹ cười thích thú, mắt nhắm tít, miệng nhe hàm răng đã rụng gần hết.

Mẹ ơi, con còn nhớ rỏ những năm xưa, khi con vừa mười lăm, mười sáu, sống với bố mẹ ở Quang Trung. Mỗi sáng, mẹ dậy thật sớm, nấu cơm, chiên cá chan nước mắm pha chanh cho chúng con ăn sáng trước khi đi học. Đứng bên cạnh nhìn mẹ nấu cơm, nét mặt thật dể thương với nước da rám nắng vì vất vả lo cho heo ca gà vịt cả ngày, mẹ đã không quản khó nhọc, lo lắng cho chúng con với cả lòng thương yêu. Ngồi nhìn con với chị Tâm ăn, sau đó còn gói phần ăn để chúng con đem theo, vì từ Quang Trung đạp xe ra Saigon đi học. Buổi trưa, hai chị em ngồi ăn cơm với nhau ở công viên Tao Đàn, những giờ phút đó con chỉ ước ao ‘giá nhà mình đừng xa quá’. Sau đó một thời gian cực khổ, tìm được ngôi nhà ở đường Phan Đình Phùng quận ba, chúng con mới hết làm cua rơ xe đạp chặn đường ‘Quang Trung Saigon’ mỗi ngày…

Trở lại chuyện xa xưa hơn nữa, khi con, anh Phát và em Đạt mới chừng 6, 7, 8 tuổi, mẹ không có ở nhà thường vì mẹ bận đi buôn bán xa, chúng con đã được chị Cúc thay mẹ chăm sóc, con nhớ hoài, cả tuổi trẻ chúng con không được có mẹ bên cạnh, mỗi buổi chiều, sau khi đi học về, tắm rữa xong, trước khi ăn cơm tối, ba anh em dắt nhau ra đường cái, nhìn xe qua lại, cứ cầu mong mẹ ngồi trên một chiếc xích lô nào đó về với chúng con, nỗi nhớ mẹ khi con còn bé đã ám ảnh, ray rức con cho tới bây giờ…

Lập gia đình, ở bên này, con cũng thường vắng vì đi trình diễn, nhưng bây giờ phương tiện thông tin quá tiện lợi nên cũng rất tốt. Những năm trước, khi chưa có diện thoại cầm tay, mỗi khi đi diễn xa, con vẫn gọi điện về cho gia đình để các cháu của mẹ được nghe tiếng con, được nghe con kể mọi việc làm con hằng ngày. Có những nơi, trung tâm nghỉ hè cho trẻ em trong rừng, hoặc ở bờ biển không có điện thoại, thì hôm đó, con buồn vì mình không nói chuyện được với gia đình. Con tin chắc các con của con cũng mong mẹ chúng như khi con còn nhỏ chờ mong mẹ vậy.

Có một lần, khi Như Lan mới có 1 tuổi, con phải đi qua tiểu bang New Orleans 1 tháng để dạy học, chị Cúc lại thay con chăm sóc các cháu cũng giống như ngày xưa khi con còn bé, chị Cúc đã thay mẹ để lo cho con. Bây giờ thì chị Cúc lại phải thay con mà chăm sóc cháu. Mỗi ngày lúc con gái vừa thức dậy cũng như trước khi con gái đi ngủ, con phải gọi điện thoại về cho cháu, chị Cúc nói mỗi khi nghe tiếng con gọi, lúc đầu cháu đưa mắt tìm xem mẹ ở đâu. Sau đó thì biết rằng chỉ được nghe tiếng mẹ qua ống điện thoại mà thôi, nên mỗi khi chuông reng, cháu đã bò tới chỗ điện thoại cầm ống nghe mà để lên miệng ‘cắn’ vì nghĩ rằng mẹ đã đến với mình…

Con nhớ rất rõ nỗi nhớ mẹ, thiếu mẹ khi mình còn bé nên con rất thông cảm cho những đứa bé bị xa cha mẹ khi còn thơ ấu. Lúc Như Lan được ba tuổi, nói sõi hơn, con cũng đang chuẩn bị để đi dạy bên tiểu bang Texas, những lúc phải đi xa nhà lâu, con hay chuẩn bị tư tưởng các cháu bằng cách nói cho chúng biết mẹ sẽ đi vắng trước nhiều ngày, Như Lan hốt hoảng ôm chặt lấy con mà nói với giọng nói cuống quýt như sắp bị tra tấn ‘mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con’, con trai con thì buồn thỉu buồn thiu, không nói không rằng, ôm em không cho quấn chân mẹ.

Hình ảnh Long ôm em gái đang la khóc vì không chịu xa mẹ, làm con nhớ tới khi con còn bé, mẹ cũng ‘đã lén bỏ’ để đi, vì chúng con không muốn, mà mẹ cũng vẫn đi mà không một lời dặn dò, trước khi rời nhà. Không biết mẹ có biết rằng, chúng con nhớ mẹ ray rức biết chừng nào mỗi khi chiều tối không?…

Con đã từ chối chuyến đi này. Trong bốn năm kế tiếp, con không nhận lời đi dạy xa để được ở nhà với các cháu và mới tiếp tục trở lại với điều kiện có cái đuôi con gái bên cạnh…

Mẹ ơi, hai năm trôi qua, nếu còn sống thì mẹ đã được 98 tuổi rồi. Bây giờ mỗi khi muốn gặp mẹ, con chỉ biết cầu nguyện và nói chuyện thầm với mẹ trong tim mà thôi. Hình bố mẹ chụp khi đám cưới con, con đã phóng ra to và chưng ở phòng khách, như thế, con được thấy bố mẹ cười với con mỗi ngày, mỗi phút giây và trong lúc này.

Bây giờ, mẹ không còn nữa, nhưng mẹ vẫn sống mãi trong tim con. Con không còn háo hức mỗi năm khi hè tới, bây giờ, có dịp để đi Việt Nam nữa hay không, đối với con không còn quan trọng nữa. Con cũng đã không ân hận vì con đã tạo dịp để mẹ được gặp các cháu ngoại, cũng như con đã được ôm mẹ trong tay, đêm đêm ngủ bên cạnh và nâng giấc khi mẹ mỏi mệt trong những năm cuối của tuổi già sức yếu dù không được nhiều nhưng có cũng còn hơn không. Hôm nay hát lại bài Lòng Mẹ mà nhạc sĩ Y Vân đã sáng tác, từng chữ, từng câu, từng giòng nhạc như mật rót vào lòng con, mới cảm thấy nhạc sĩ đã để lại một bài ca vinh danh Lòng Mẹ tuyệt vời. Nhất là giờ đây, con cũng đã là mẹ, cũng đã trong vai mẹ nên con rất hiểu lòng bố mẹ lo lắng thương yêu con cái như thế nào…

 

Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạc dào
         Tình mẹ tha thiết như vầng trăng tròn ngọt ngào
         Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào
         Tiếng ru êm đềm theo dần năm tháng mẹ yêu…
         Thương con, thao thức bao đêm trường
         Con đã yên giấc, mẹ hiền vui sướng biết bao
         Thương con, khuya sớm bao tháng ngày
         Lặn lội treo neo, nuôi con tới ngày lớn khôn
         Dù cho mưa gió không quản tháng ngày mẹ hiền
         Dầm mưa giải nắng cho bạc mái đầu buồn phiền…

 

Khi con gái con còn nhỏ, mỗi lần đi dạy xa, trên xe lữa, con viết nhiều bài thơ cho cháu. Có một lần, trường cháu trình diễn, con lại vắng nhà. Con đã nhờ chị Cúc đi với cháu thay con. Lúc con về, con gái thủ thỉ :

  Mẹ ơi, hôm nay trình diễn, trường đông lắm, có rất nhiều
mẹ, nhưng con không có mẹ.

Nghe con gái ngây thơ nói, tim con se thắt, thật tội nghiệp cháu gái của ngoại, phải không mẹ.

 

         Con thật hư phải không mẹ, vì mãi tới hôm nay, con mới dám viết đôi dòng gửi mẹ, mẹ đừng có la con nhé, thỉnh thoảng, con sẽ nhắc lại những kỹ niệm, những hình ảnh mà khi mẹ còn sống mẹ đã cho chúng con sau mẹ nhé.

 

Con hôn mẹ và mong rằng bố sẽ đọc ké thư này với mẹ, mẹ nhé.

 

                                                                  Phương Oanh.

 

 

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.