2008 05 10 Yêu nghề và sống vì nghề – 45 dạy học

 

Mar 10, ’08 1:34 AM
pour tout le monde

 45 năm là cả một thời gian
thật dài, tôi may mắn là được sống trong nghề tôi đã chọn mà không bao giờ tôi nghĩ tới.
Cổ nhân đã bảo: nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Có lẽ tôi là người được diễm phúc này không phải đổi nghề như bao bè bạn khác khi rời xa Việt Nam từ năm 1975.

Cả cuộc đời tôi, lúc nào cũng có cây đàn tranh bên cạnh, khi còn sống với bố mẹ và anh chị em, tôi chỉ biết ngày ngày đi dạy, hết trường nhạc, đến trường trung học trong quận 7 ở Chợ Lớn, rồi về
nhà lại tiếp tục dạy lớp đàn ở nhà. Việc làm cũng chưa hết, còn phải đi thu ở đài phát thanh, đài truyền hình với các ban Hương Bình ca Huế, ban Phụng Minh Ca Bắc, chương trình tìm hiểu dân ca
dân nhạc Gió Khơi, ngoài ra còn đến với các phong trào văn hoá Duy Linh, Phong trào Về Nguồn, phong trào Du Ca v.v…. 30 tuổi, bố tôi bảo đã đến tuổi phải lập gia đình, con không nên tiếp tục
cuộc đời như thế.. bố mẹ không yên tâm. Suy nghĩ thật là lâu, cân nhắc thật là kỹ vì không muốn cuộc sống mình bị xáo trộn, nhất là tôi lại là người đi làm để nuôi gia đình…

Chuyện tới phải tới, ngày lập gia đình đã quyết định, tôi đi lấy chồng mà lòng không yên vì không biết gia đình ba mẹ mình sẽ ra sao khi tôi không còn ở nhà như ngày trước…

Thời gian thay đổi, tôi đã định cư tại Pháp và lập lại lớp đàn tranh Phượng Ca.
Lúc đầu, mỗi ngày tôi đi dạy ở Paris 5, nhà của nhà văn Minh Đức Hoài Trinh. Sau đó thì anh Phạm Gia Liêm đã hy sinh cho mượn nhà để tiếp tục.  Nơi đây có trường đại học Paris 7
rất nỗi tiếng và có rất nhiều sinh viên Việt Nam theo học. Từ đại học, các em đã đến học đàn rất đông, nhờ thế mà phong trào học đàn tranh đã được tạo nên và đã lan qua các nước lân cận như Bỉ,
Hòa Lan, Thụy Sĩ…Do đó, tôi lại làm việc như ngày xưa trong môi trường người Việt mà không cần phải nói tiếng Pháp gì cả…và tôi cũng không cần nghĩ gì ngoài mục đích gìn giữ và phổ biến âm
nhạc dân tộc đến người Việt, đến giới trẻ Việt tại đây.

Vài năm sau, khi cha Ngô Duy Linh rời Pháp qua sống ở tiểu bang New Orleans, mỗi năm vào tháng 8, cha vẫn gửi vé may bay để tôi sang dạy đàn tranh cho trẻ em nơi giáo xứ cha ở. Trong 1 tháng sống
tại chổ, tôi mới thấy người Việt Nam tinh thần dân tộc rất mạnh và không thích hội nhập vào xã hội nơi mình sống, cái nhìn này đã làm tôi thay đổi cách sống của mình khi trở về Pháp. Sống nơi xứ
người mà không hội nhập thì mình sẽ bị cô lập và thiệt thòi, vì không ai biết tới mình, biết tới văn hoá của mình. Suy nghĩ như vậy, tôi cố gắng đem sự hiểu biết của mình về âm nhạc dân tộc đến
với mọi người, nhờ đó mà từ từ đàn tranh có mặt khắp nơi đại diện cho văn hóa Việt Nam trong các chương trình văn hoá các nước.

Tôi đã cố gắng làm việc và sau hơn 10 năm, đàn tranh được chính thức dạy ở nhạc viện tỉnh Sevran cách Paris chừng 18 cây số. Và bây giờ nhạc viện Antony, phía nam Paris cũng đã có lớp đàn tranh
Việt Nam, chưa kể các chi nhánh Phượng Ca ở khắp nơi.

Trên 30 năm sống trong nghề tại Pháp tôi rất vui và hảnh diện với sự miệt mài của mình, để giờ đây, có những lớp đàn tranh do chính học trò mình đã tốt nghiệp nhạc viện với bằng cấp nhạc viện
Pháp về môn đàn tranh điều khiển. Cũng như những chi nhánh Phượng ca ở các nước cũng được chính tay các em làm ra mà không cần sự có mặt của cô giáo.

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.