2008 04 28 Linh muc Ngo Duy Linh

Apr 28, ’08 12:54 PM
pour tout le monde

xin phep linh muc Tran Cao Tuong duoc  chep lai bai viet nay vao blog cua
Phuong  Oanh.

GIẤC MƠ CHO TRÒN VỚI THÁNH CA

CỦA CHIM THĂNG CA NGÔ DUY LINH 


Lm. Trần Cao Tường

 Kể truyện chim Thăng Ca thì phải bắt đầu bằng những
con chim « bạn ». Từ lúc về hưu năm 1991 đến tháng 9 năm 1996, chim Thăng Ca Ngô Duy Linh ở lại với chúng tôi tại nhà xứ đường Westwood, Marrero
Louisiana. Cái thú của ngài là tụ họp các loài chim về ở vườn sau nhà. Ngài ra chợ mua gạo và đậu phộng về
dụ chim hồng y (cardinal). Lòai chim có tiếng hót tuyệt vời này màu đỏ, có
mào rất sang và oai, chắc vì vậy mà được đặt tên là hồng y. Chim Thăng Ca  nhà mình về tuổi mùa thu lá bay thì răng cũng bay theo chỉ còn lại hàm răng giả, vậy mà huýt sáo theo điệu
chim hồng y thì hết xẩy: bổng lên vòi  vọi thành ba hồi rồi kết bằng ba tiếng chụt chụt chụt ngắn mà thanh, rất tài tình. Nghe tiếng « bạn bè » gọi, con chim hồng y từ mãi đâu liền bay
sà xuống. Thế là chim Thăng Ca mắt sáng lên, nét mặt tươi rói, vung tay tung một hạt đậu phộng cũng giống như khi vờn nhịp một bài hát đắc ý cho « thần nhạc lên ngôi », hai bên tâm tình gì
với nhau mà ríu rít lắm. Cứ thế, cứ thế mà các loài chim kéo nhau về tới tấp cả vườn làm thành một liên ca đoàn nhiều bè nhiều giọng vui vẻ quá chừng, nhất là vào lúc sau trưa.

   Có thời gian tôi nuôi một con chim cockatiel màu vàng óng rất đẹp và khôn. Loài chim này rất thân người, thường đậu trên vai và ăn những gì mình đang ăn trên bàn cơm. Mỗi lần tôi
đi đâu về là nó nhảy nhót hót vang đón mừng hé lô hé lô thật lí lắc. Chim Thăng Ca nhà mình lại cũng mê nó lắm, đặt tên cho nó là Dũng Lạc. Một hôm tôi để nó chơi ngoài sân mà đâu có ngờ nó
leo lên mái nhà hồi nào không biết. Thay vì lên bắt nó xuống tôi lại lấy cái que khều nó làm nó hoảng sợ vụt bay lên cây mà không biết cách nào bay xuống, vì nó chưa bao giờ học bài đó. Tôi
lại giơ que lên hy vọng nó đậu vào đó mà đưa xuống. Lần này nó còn hoảng hơn nữa, liền tung cánh bay đi mất về phía tây. Tôi thua xa chim Thăng Ca về chuyện này. Cách tỏ tình của tôi và nó
khác nhau, nên sinh hiểu lầm tai hại. Buồn quá!

 

Tôi thì buồn vào trong, nhưng Chim Thăng Ca nhà mình thì buồn ngơ ngác tỏ lộ ra ngoài, trông thấy mà tội. Cả buổi chiều hôm ấy, ngài vác xe đi tìm chim bạn Dũng Lạc, lái từ từ qua các con
đường gần đó, rồi bọc lên khu rừng cây phía trên: vào rừng như thể tìm chim. Mãi gần tối mới lái xe về, mà hai mắt đỏ hoe. Chim Thăng Ca lẩm bẩm: trời lạnh quá, không biết đêm nay nó ngủ ở
đâu, lấy gì mà ăn, tội nghiệp!

 

Hai ngày trước khi chim Thăng Ca qua đời, linh mục Vũ Hân và tôi đi thăm ngài ở Arlington Texas, vẫn chứng kiến cảnh ngoài vườn đang đầy chim sẻ nhảy nhót vui vẻ. Hằng ngày ngài vẫn cho
chúng ăn. Ngài bay đi, chắc chúng đói, tội nghiệp. Và mắt chúng thế nào cũng đỏ hoe vì nhớ « bạn ».

 

CHIM THĂNG CA TUNG CÁNH GỌI ĐÀN

Vẫn biết lúc mới sáng tác vào giữa thập niên ’40, nhạc sĩ Ngô Duy Linh lấy tên là Thăng Ca, nhưng mãi cho đến khi ngài qua đời, cái đầu óc tối tăm của tôi mới được vỡ lẽ ra rằng Thăng Ca là
tên một loài chim. Linh mục Vũ Hân trong bài viết « Những Niềm Vui Bên Cha Ngô Duy Linh » đã dí dỏm tả lại cảm nghĩ háo hấc vào thời được hát những bài đầu tiên trong nhà thờ bằng tiếng Việt,
vì trước đó chỉ hát bằng tiếng La-Tinh hay tiếng Pháp thôi. Khi hát những bài như Con Thờ Lạy Chúa Giêsu và Chúa Yêu Bé Thơ của Thăng Ca thì ai cũng ao ước được gặp chính nhạc sĩ mới toanh
này, và trong trí vẽ ra ngay hình ảnh một nhạc sĩ trẻ « có dáng vóc mảnh mai nhẹ nhàng, giống như loài chim thăng ca ở bờ biển, thân hình nhỏ bé như con sẻ, sắc lông mầu nâu, mỏ màu vàng, mỗi
lần hót là bay lên cao chừng mươi mười lăm feet, bay đứng tại một chỗ trên không và hót khúc sáo líu lo dài tới ba bốn phút. Chúng tôi vẫn không đoán ra Thăng Ca là ai, cuối cùng nhạc sĩ
Thanh Hương Lê Văn Tế cho biết Thăng Ca là cụ hai Liên (tức là thầy Linh). Ôi chao, Thăng Ca to thế, có lẽ cụ nặng tới 70 kí. Cụ có thân hình to lớn, dáng đi đứng vững chãi, giọng nói như
sấm. Cụ mà vào chơi sân túc cầu hoặc bóng rổ thì các bạn đồng đội yên tâm dễ thắng. Chúng tôi thắc mắc làm sao cụ dám bay lên cao mà hót líu lo như
chim thăng ca! ».

Ấy thế mà chim Thăng Ca Duy Linh lại có thể bay được và tập cho người khác cùng bay. Trong bài hát cho Nhóm Chim Non Dũng Lạc của ngài có câu: « Chim Thăng Ca tung cánh gọi đàn: Thiếu Nhi,
Thiếu Nhi, cùng chen vai sát cánh. Chim Thăng Ca đang thúc giục rằng: Thiếu Nhi, Thiếu Nhi, tiến tiến lên không ngừng ».

Trong nghi thức an táng, trên quan tài thường đặt một vật gì tượng trưng nhất cho cuộc sống của người vừa qua đời. Như vậy, ngày 28 tháng 2 năm 1998 trong lễ an táng của Cha Ngô Duy Linh tại
nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời ở Avondale, Louisiana, phải để biểu hiệu một con chim thăng ca là đúng nhất. Ở đây, con chim thăng ca đã hiện hình thành một tập sách các bài hát soạn cho Ngày Tôn
Phong Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 1988 tại Roma mà nhạc sư Ngô Duy Linh đã dầy công tập luyện và điều khiển thánh ca cho biến cố quan trọng này. Trong đó bài « Ngày Vinh Thắng » của ngài có
thể coi là cao điểm của ước mơ và viễn kiến của đời ngài: 117 con chim Dũng Lạc đang tung cánh bay lên gọi đàn.

 GIẤC MƠ CHƯA TRÒN

Đang học ở Paris để lấy thêm bằng chuyên môn cho việc mở thêm ngành âm nhạc cho Trường Đại Học Sư Phạm Đà Lạt, mùa hè năm 1973, linh mục Ngô Duy
Linh trở lại Việt Nam để xếp sắp việc khai giảng cho niên khóa 1973-1974. Ngày 11 tháng 10 năm 1973 ngài đã viết thư cho ông tổng giám đốc Việt Tấn Xã để phổ biến rộng trên đài
truyền hình qua một cuộc phỏng vấn trong đó ngài nói rõ quan điểm:
« Âm nhạc là môn học rất cần thiết cho việc giáo dục con người toàn
diện. Thật vậy, ngoài hai môn đức dục và thể dục, chủ đích thiết yếu của nền giáo dục con người là lý trí và tình cảm. Tình và Lý phải được giáo hóa song song, nếu không, con người sẽ mất
thế quân bình. Lý dễ chia rẽ, Tình dễ hòa hợp. Thế mà âm nhạc là tiếng nói trực tiếp của tình cảm. Nói cách khác, âm nhạc là phương thế truyền cảm hữu hiệu, là ngôn ngữ diễn tả tâm tình
xứng hợp nhất. Hội nghị quốc tế  về giáo dục âm nhạc có một quyết định rất đáng chú ý: « Ta:t cả trẻ em có  quyền học tập âm nhạc ». Trẻ em các nước tân tiến hầu hết đã được
hưởng  quyền lợi đó. Tỉ dụ tại nước Pháp, âm nhạc đã được giảng dậy cẩn thận từ mẫu giáo đến đại học. Ngoài việc đặt âm nhạc là môn nhiệm ý trong mọi ngành thi tú tài, Pháp còn thiết
lập những trường trung học công lập về  nhạc để thi lấy bằng tú tài âm nhạc, giá trị tương đương với mọi bằng tú  tài kỹ thuật khác. Tại Nhật Bản, từ lớp mẫu giáo đến hết bạc
trung học, các học sinh đều buộc phải học âm nhạc. Trong các kỳ thi tú tài, âm nhạc là môn thi bắt buộc và mang hệ số 2, ngang hàng với toán, lý hóa.

Viện Đại Học Đà Lạt cảm thấy sự chênh lệch trong nền giáo dục « trọng lý khinh tình », đồng thời nhận thức rõ rệt tầm quan trọng của âm nhạc trong
việc giáo dục tình cảm để kiện toàn sứ mạng giáo dục toàn diện con người, nên kể tư niên khóa 73-74, viện quyết định mở ngành chuyên môn âm nhạc song song với hai ngành cố hữu Khoa học và
Văn chương của Trường Đại Học Sư Phạm. Mục đích của ngành chuyên môn này là đào tạo những giáo sư giảng dậy âm nhạc trong các trường trung học, nhờ đo con em chúng ta được hưởng quyền giáo
dục âm nhạc để phát huy tình cảm của mình song song với sự lớn mạnh của lý trí, hầu trở nên con người trưởng thành cả Tình lẫn Lý ».

 TÂM HUYẾT CỦA MỘT LOÀI CHIM

 

Giấc mơ của linh mục Ngô duy Linh đưa nhạc vào chương trình giáo dục tại Việt Nam chưa tròn vì cơn lốc 1975. Nhưng nét nhạc của ngài luôn hướng tới hoài bão làm cho những đứa con của chim
Tiên có thể mọc cánh. Chả lẽ mẹ là chim Tiên mà các con lại không biết bay! Hơn nữa, những bài hát của ngài thường mang nhiều làn điệu ngũ cung sắc nét văn hóa Việt có sức nâng cao tâm hồn,
cho con người có thể mọc cánh bay lên. Hồn dân tộc không phải là cái gì được tạo ra, nhưng nó đã có sẵn trong huyết quản, đợi đúng độ rung của âm giai ngũ cung là bừng sống dậy. Trong lễ an
táng của nhạc sư Ngô Duy Linh, nhạc sĩ Phạm Duy đã nói lên vài lời ai điếu, kể lại kỷ niệm lần đầu tiên về cuộc gặp gỡ năm 1954 giữa ba chàng sinh viên trẻ tuổi du học về nhạc là Duy Linh,
Hải Linh và Phạm Duy, tại miệng hầm métro Opéra ở Paris. Cả ba đều cùng một chí hướng phải xây nền tân nhạc Việt trên bậc ngũ cung.

 

Từ biến cố phong thánh năm 1988, trong mắt của con chim Thăng Ca, một thị kiến đã bật sáng, phương cách và con đường cho người mình có thể mọc cánh vươn lên đây rồi: một đàn chim mà con
chim đầu đàn là Dũng Lạc đang bay lên trong « Ngày Vinh Thắng ». Ngài vẫn thường tâm sự: phong thánh đâu phải để an ủi lớp dân mình thấp cổ bé miệng cho bớt tủi, cũng không phải để hãnh diện
hão cho đỡ mặc cảm rằng mình cũng oai vì có nhiều vị thánh tử đạo như ai, nhưng là ân huệ của Hội Thánh để người mình có thể hình thành một con đường, gọi là đường tu đức, là một lối sống làm
mọc cánh mà vươn lên được, bay lên theo đàn chim Dũng Lạc, sống thảnh thơi hơn, an nhiên sung mãn vượt khỏi cơn lốc xô bồ lúc chuyển mình bước sang ngàn năm mới. Linh mục Phạm Văn Tuệ cũng
một lòng như vậy: « Mọi lễ kính, mọi điều hãnh diện, nếu không là hoa trái của ơn thánh và của sự đổi mới, thì đều là những điều vô tích sự và thật là luống công ». Đã có thời điểm tôn phong vị
thánh trẻ Têrêsa làm tiến sĩ Hội Thánh với lối sống giản đơn rất cần cho thế giới phức phạp đến rợn người này, thì cũng có thời điểm tìm ra được giải pháp sống an nhiên thanh thản qua đường
Dũng Lạc giữa những rối loạn trong lúc cựa mình bước vào ngàn năm mới:

 Đông qua tiết lại thời xuân tới
Khổ tạm mai sau hưởng phúc an.

        Con đường Dũng Lạc tròn dâng

An nhiên đạo sống chứng nhân anh hùng

                              
(bài Gương Bất Khuất)

 

   DUONG LAC,LOI BAY LÊN
 

Niềm hãnh diện với thế giới nằm ở chỗ là cả một đạo sống Phúc Âm theo tinh thần Việt đã được công nhận và giới thiệu cho con người thời đại đáp ứng đúng thời điểm. Đây quả là một tin vui gửi
thời đại mới. Niềm hãnh diện này phải như một trào lưu bộc phát, gợi hứng cho những sáng tác thơ văn Công Giáo, cho những sáng tác về thánh ca đầy thần khí có sức tác động tập thể dân Chúa
cũng như chuyển đạt được sứ điệp Tin Vui đến với anh chị em ngoài Công Giáo. Chim Thăng Ca Duy Linh đã vang lên tiếng hót gọi đàn, với ý thức rõ ràng về « sức cảm hóa vạn năng của âm nhạc ».
Ngài ao ước có nhiều nhạc sĩ cùng gom sức khơi lên nguồn cảm hứng này.

 

Với tâm huyết bồi đắp cho nét văn hóa và nếp sống đạo đặc sắc của người Việt mà dịp phong thánh là cơ hội quí báu phát triển tinh thần này, năm 1988 linh mục Ngô Duy Linh dấn thân nhận
nhiệm vụ trưởng ban thánh ca cho Lễ Phong Thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Roma, đưa nét dân nhạc vào phụng vụ với nhóm Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc của Phương Oanh từ Paris. Bản « Ngày Vinh
Thắng » đã đi vào lịch sử Giáo Hội Việt Nam qua biến cố này. Tháng 7 năm 1989, ngài điều hành thánh ca cho Đại Hội Công Giáo Kỳ III tại California với chủ đề Sống Tinh Thần Các Thánh Tử Đạo
Việt Nam. Đúng hoài bão của ngài rồi. Chim Thăng Ca đã làm bừng bừng lửa dậy giữa « thủ đô tỵ nạn » ở Cali với Ngày Vinh Thắng. Và nhiều lần ngài đã hết mình chuyển lửa cho Miền Đông Nam Hoa Kỳ
trong những dịp tụ họp mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, đặc biệt là dịp kỷ niệm 5 năm phong thánh năm 1993 tại Baton Rouge, với những Nhóm Chim Non Dũng Lạc do ngài đào tạo mới ra ràng.

 

Và từ ngày đó, các bài sáng tác của nhạc sư Ngô Duy Linh đều hướng về một chủ đề mà thôi, kể cả những bài đào tạo các nhóm Chim Non như Đàn Chim Dũng Lạc, Chim Thăng Ca… Khởi đầu là bài
« Ngày Vinh Thắng » với những tiếng trống lệnh như tiếng trống đồng vang lên từ động Đông Sơn, bừng lên những bó đuốc từ động Mê Linh, động Hoa Lư, động Lam Sơn. Ai nghe bài này mà chả thấy máu
mình sôi lên, mắt mình sáng rực nhìn thấy thị kiến một đàn chim Việt đang bay lên theo cánh chim Tiên suốt dọc dài lịch sử, vượt lên khỏi những bầm dập bi thảm của Việt tộc. Tiếp đến là các
bài như Gương Bất Khuất, Tình Yêu Tuyệt Đối, Khúc Sáo Ân Tình, Ngoài Vũ Trụ, Âu Ca Dũng Lạc…

 

Đây là một thí dụ quảng diễn đường tu đức hay phương cách mọc cánh của Đàn Chim Dũng Lạc, thể hiện Tin Vui Đạo Chúa bằng hình ảnh nét văn hóa Việt: « Người trẻ thì nghiêng ngả đổ nhào,
người già thì rã rời mệt mỏi, nhưng ai tin vào Chúa thì họ sẽ mọc cánh bay cao như chim phượng hoàng, họ đi mà không mỏi, họ chạy mà không mệt » (Isaia 40:31). « Ai tin vào Thầy thì từ lòng họ
một dòng sức sống sẽ bừng lên » (Gioan 7:37). Con chim phượng hoàng nói lên dũng lực của Chúa, cũng như chim bồ câu vốn là hình ảnh Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh. Đúng là chim thần. Trong
văn hóa Việt có hình ảnh chim tiên và rồng lửa. Con chim tiên chính là loài chim âu thường bay rợp ở cánh đồng Tương của sông Dương Tử nơi phát xuất tộc Việt, vì thế mà tổ mẫu người mình có
tên là Âu Cơ. Như vậy, trong huyết quản dân Việt đã có sẵn một cái gì na ná giống trong tiềm thức cộng thông từ Kinh Thánh một cách thật sửng sốt rồi. Về ý nghĩa biểu tượng, chim âu rất giống
chim bồ câu trong hình dáng và tính tình: mắt sáng, nhẹ nhàng, thanh thản, hiền từ, đơn sơ, khôn ngoan, xinh đẹp… nét hùng dũng của rồng, nét an lạc của tiên, giống nét bẩy ơn làm nên đường
bay của chim Dũng Lạc. Chẳng lạ gì dân Việt tiếp nhận Tin Vui Đạo Chúa nhanh hơn các nước Á Đông nhiều.


  Niềm tin mọc cánh chim âu,

   Lòng đầy thần lực tuôn trào suối thiêng.

Đường Dũng Lạc, lối bay lên

    Hùng dũng an lạc như tiên như rồng.
    Bước theo đạo sống vuông tròn
   Mang gươm thập giá khơi dòng tình yêu
        Con đường nghiền nát trầu cau
        Nên màu đỏ thắm nên màu sắt son.

       (bài Âu Ca Dũng Lạc)


Cũng trong bài trên, hình ảnh thập giá trong Đạo Chúa được diễn tả qua phong tục trầu cau. Khi bị nhai nát tưởng như đã vất đi thì trầu cau lại trở thành màu đỏ thắm là màu tình yêu son
sắt thủy chung. Đây cũng là hình ảnh na ná giống lưỡi gươm đã đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu trên đồi Can-Vê khơi mạch dòng tình mà mỗi ngày trên bàn thờ hy tế, linh mục cầm lấy chén rượu do
bao trái nho bị nghiền nát mà thành « của uống thiêng » dòng sức sống tình yêu.

      GIẤC MƠ ĐÃ TRÒN


Đàn chim Dũng Lạc 117 con đã có thể mọc cánh bay lên, không gì cản trở nổi, không một sức mạnh nào khống chế được nữa như được diễn tả trong
bài Tình Yêu Tuyệt Đối:

Không có gì, không có gì, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Không có gì, không có gì, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô.

 

Dù là gian truân hay cùng khốn, bắt bớ, đói khát hay bị lột trần, dù là hiểm nguy hay gươm giáo… Dù là sự sống hay sự chết, quyền thần, quản
thần hay thiên sứ…

Con đường có thể mọc cánh bay lên của đàn chim Dũng Lạc đã trở thành đường tu đức. Cả thế giới công nhận rồi. Giấc mơ trước kia chưa tròn thì nay đã tròn. Đường vươn lên cao này do
chính Đức Giêsu dẫn lối: « Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường, và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng…
Bấy giờ từ trong đám mây có tiếng phán ra: Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người » (Luca 9:28,29,35)

 

Được đưa lên cao một chút thì tầm nhìn sẽ đổi nhiều lắm, những tiêu chuẩn giá trị cũ đều trở thành hết sức tương đối. Từ trên phi thuyền, từ trên máy bay hay từ trên núi nhìn xuống, những
nhà chọc trời, những bằng cấp, những chỗ ngồi thế đứng địa vị, những chiếc xe láng, những bon chen hơn thiệt… đều trở thành nhỏ nhoi một cách tội nghiệp. Mà cả trái đất cũng là một phi
thuyền đang bay vào khoảng trống vô biên, đang chuyển vào ngàn năm mới. Nhìn lại lịch sử con người từ cái ngày còn ở trong hốc đá cho đến khi biết mặc quần jean, mấy ngàn ngàn năm tưởng như
một nháy mắt. Những thành quả, những phát minh, những lập thuyết, những « đỉnh cao trí tuệ loài người », những đền đài lăng tẩm, những bon chen đập đánh, những kinh tế thị trường hay quốc
doanh, những vênh mặt tự hào về trí lực con người, những con tàu vĩ đại như Titanic… tất cả bỗng chốc thành chuyện nhảm nhí. Cuối một thế kỷ, cuối một ngàn năm, cuối một vòng xoay của một
chấm nhỏ li ti trong giải ngân hà, loài người ngồi tính sổ, rốt cục rồi cũng phải buông một câu như tiếng thở dài thành một công án với Du Tử Lê: hoa nào tin quả đắng đến không ngờ.

 

Dòng nhạc và hướng bay của chim Thăng Ca Duy Linh đang giúp mỗi người đưa tầm mắt lên cao một chút, sẽ khám phá ra vẻ sáng láng huy hoàng đích thật của con người mình, vượt qua được lớp
bụi bặm phù du. Con mắt người thời đại đang bị bít lại, nhìn lên chỉ thấy những ống khói đen thay cho mây trời thênh thang, nhìn xuống chỉ thấy bầy nhầy những bị thịt ham hố đam mê, nhìn gần
chỉ thấy những bon chen chộp giật của bầy kên kên trên xác chết cuối một thế kỷ, cuối một ngàn năm. Thì đây một nhãn quan mới cũng được khai mở như tâm tình của nhà thơ Nguyễn Khánh Hòa ở New Orleans:


Con mắt nhìn
lên trời cao xanh ngát

Con mắt nhìn
xuống biển rộng bao la

Con mắt nhìn
gần quên điều nhỏ nhặt…

 

Một trong những bài sáng tác cuối cùng của nhạc sư Ngô Duy Linh là bài « Ngoài Vũ Trụ » trong Ngày Hàn Mặc Tử dịp Phạm Duy về New Orleans trình bày Trường Ca Hàn Mặc Tử tại hội trường Lê
Bảo Tịnh (Avondale). Nhạc sư Ngô Duy Linh như đã linh cảm thấy ngày bay lên của con chim Thăng Ca. Đây cũng là lời thơ của Hàn Mặc Tử diễn tả thị kiến về cảnh sáng láng khi được đưa lên cao
một chút. Nghe bài này, mỗi người có thể cùng hòa nhập với thị kiến của con chim Thăng Ca mà đưa tầm mắt nhìn cao hơn, vượt ra khỏi những tù túng, cho tâm hồn tìm lại nét đẹp nguyên sơ:

 

Ra không gian
là vượt hẳn thượng tầng

Tấp tới đến ở
ngoài kia vũ trụ,


Nơi khí tượng
bốc ngùn muôn tinh tú,

Nơi không cho
hồn lai vãng quan chiêm.

Sáng vô cùng,
sáng láng cả mọi miền,

Không u ám
như cõi lòng ma quỉ.

Vì có Đấng
Hằng Sống hằng ngự trị,

Nhạc thiêng
liêng dồn trổi khắp hư linh.

     NGÀN NGÀN DẶM BAY ĐI

Phạm Duy đã có lần mơ sau hai ngàn năm lẻ được dừng chân cuối Con Đường Cái Quan ở Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau, để « ăn cá nướng trui ngày mưa » với niềm hân hoan « đường đi đã tới ».

 
Cửu Long Giang, gió về vui trên sóng sông

Uốn quanh như chín con rồng ôm chặt đứa con…

Người về Hậu Giang xây tổ uyên ương

   Có cánh đồng lúa chín uốn mình trên sóng sông…

Nhưng rồi biến cố ’75 đã hất đàn chim bay loạn xạ khắp nơi. Năm mươi con bị đẩy lên núi vào « Cổng Trời » hay đi kinh tế mới trở về thời đồ đá đúng chỉ tiêu. Năm mươi con xuống biển
vượt biên khổ nhục, những xác con của mẹ làm mồi cho hải tặc Thái hay cho cá mập biển Đông.

 

Bài hát « Giấc Mơ Chưa Tròn » của Nhất Chi Vũ với nhạc ngũ cung đã diễn tả đúng tâm trạng của thời điểm năm 1984 qua đại hội Công Giáo Kỳ II tại New Orleans sau 9 năm ly hương mà vẫn thấy
mình chẳng giống ai. Và từ đó bài hát này với hòa âm của chim Thăng Ca Duy Linh, đã trở thành bất hủ, khơi động từ trong mạch máu những sợi rung ray rứt nhức nhối khiến phải trăn trở trằn
trọc khôn nguôi. Chim xa bày còn thương cây nhớ cội, người xa người tội lắm ai ơi. Nó xoáy sâu vào tim đen của Bầy Chim Bỏ Xứ như Phạm Duy: « Bầy chim buồn bã rủ nhau trốn quê hương. Vì đâu bỏ xứ để lê kiếp tha phương. Chim hỡi chim ơi! »

Dâng lên Cha từ nhân, giấc mơ chưa tròn ôm ấp bao tháng ngày,

Nên như rượu thánh, bánh tinh tuyền dâng trước thiên tòa.

Xin Cha thương nhận đây, giấc mơ chưa tròn nơi xứ lạ quê người,

Cho bao người Việt Nam đón nhau về khắp trời nở hoa.


Đây là những giấc mơ chưa tròn: Giấc mơ « đem êm ấm thanh bình cho dân » khi vào lính. Giấc mơ hy sinh tần tảo « cuộc đời buôn thúng bán bưng, để đem cơm áo nuôi đàn con thơ ». Giấc mơ đi tu
« để nên nhân chứng cho tình yêu thương ». Giấc mơ góp phần xây dựng một quê hương ngóc đầu lên được. Kể cả giấc mơ đưa « sức cảm hóa vạn năng của âm nhạc » làm mọc cánh trong chương trình giáo
dục Việt Nam. Tất cả mọi giấc mơ đều tan vỡ, đều hụt chân, đều lỡ bước!

Giờ gặp nhau
trên vùng đất lạ

Ôi bao là nhớ
quê nhà xa xăm.

Quả thực người Việt lúc ấy với tâm trạng như cây tàn lụi, chẳng ai nghĩ tới chuyện an cư lạc nghiệp ở quê người này, mà chỉ mong hẹn đón nhau về thì đời mới nở hoa được thôi. Nhưng rồi với
sức nhẫn nại chịu đựng và với nếp sống đức tin vững mạnh do gia sản tiền nhân để lại, sau vài chục năm, đầu cành khô bỗng hoa nở tràn. Ở khắp các giáo phận, nhiều cộng đoàn ái hữu đã trở
thành giáo xứ pháp nhân chính thức như bất cứ giáo xứ địa phương nào khác. Nhà thờ mọc lên khắp các tiểu bang, do sức đóng góp của giáo dân chứ không phải đi ăn xin nữa. Từ những người được
mở tay đón nhận, bây giờ trở thành chỗ trông chờ « viện trợ » cho giáo phận địa phương gương sống đạo và tiềm lực gia sản có thể đóng góp hồi sinh
tinh thần bạc nhược và rối loạn của xã hội này.

 
THỂ HIỆN HOÀI BÃO

Thời điểm 1998 lúc chim Thăng Ca vụt cánh bay lên, nhiều người bỗng nhận ra lời trăn trối của Mẹ Huyền Trân với không phải chỉ ngàn dặm ra đi vào đất Huế, mà là ngàn ngàn dặm bay đi: con
đường thế giới xa xôi, trong lòng dân chúng nơi nơi. Thì ra biên cương nước Việt không còn bị chặn lại ở mũi Cà Mau, mà nay đã bung ra khắp các lục địa. Bây giờ là những cộng đồng Việt khắp
nơi với nhà thờ, đình chùa, hội trường. Bây giờ là Sài Gòn Nhỏ ở quận Cam, là phố Việt ở San Jose, ở Houston, ở Boston, ở Sidney, ở Paris… là làng Việt thuần túy ở New Orleans.

Cuộc sống của mỗi người Việt hôm nay cũng được đánh đổi bằng bao tủi nhục của biết bao nhiêu người đã ngã gục nằm xuống, chết tức tưởi trên mọi nẻo đường đất nước, trên đường vượt
biên, trong các nhà tù, cho mình sống còn mà làm một cái gì trả nợ, trả ơn, trả nghĩa cho quê hương, cho dân mình. Xác của bằng ay người đã chết không phải là phi lý vô nghĩa, mà đang dồn
lại, tích tụ thành tinh anh cho lớp trẻ đứng lên, chứ không chịu cúi mặt nhục nhằn mãi được. Cuộc ra đi và sống sót của mỗi người đâu có phải là
tình cờ.

 

Việc ra đi là một đau buồn cùng khốn, nhưng cũng có thể là một cơ may để dân mình vượt ra khỏi mảnh đất đã quá chật hẹp mà vươn lên với thế giới. Hãy quí yêu xây dựng mảnh đất mới, do máu
xương và khổ nhục của những Huyền Trân mới. Và hãy cố mà ngóc đầu lên, trả món nợ cho xứng với những người đã chết cho mình. Mỗi người trong vị thế khác nhau đều có thể góp tay « mở mang bờ
cõi mới », bằng cách làm một cái gì tích cực, cụ thể, để bồi đắp cho cộng đồng mình, như lời người vượt biên theo bước mẹ Huyền Trân trong Con Đường Cái Quan của Phạm Duy:

 

Ai đi trên đường là dặm đường?

   Đi đâu mà vội vã, cùng là hò khoan…

Năm tê trong lúc sang xuân

Tôi theo công chúa Huyền Trân tôi lên đường.

Đường máu xương đã lắm oán thương

Đổi sắc hương lấy cõi giang san.

CHO VUÔNG TRÒN GIẤC MƠ

 

Thăng Ca là tên một loài chim mà cũng là khúc hát nâng cao, là hoài bão góp phần làm cho người mình có thể ngóc đầu lên. Mà để có thể ngóc đầu lên, thì gia tài giầu quí nhất cha mẹ để lại
cho con chính là cái gốc và đôi cánh. Cái gốc là căn cước gồm những nét văn hóa rễ của một sắc dân. Đôi cánh là hướng đi và cách thức vươn lên chứ
không đóng bít để bị đào thải.

 

Người Do Thái đã có thể tái lập quốc vào năm 1948 bằng sách lược Kibbutz của phong trào Sion, tức là tạo lập được những làng cộng đồng làm căn bản. Các thành viên đều phải qua hai năm
« nhà tập » học hỏi tinh thần Do Thái với những nét văn hóa căn bản và thao luyện đối đầu với gian khổ rồi mới có thể được nhận vào làng. Ben Gurion thủ tướng đầu tiên của Do Thái đã tuyên bố
một câu để đời: « Hằng trăm bài diễn văn, hằng ngàn cuộc hội thảo điều nghiên về cách thức phục hưng đất nước cũng không bằng lập được một làng cộng
đồng Kibbutz ».

 

Chim Thăng Ca đã thể hiện cái gốc và đôi cánh từ năm 1982 cụ thể nơi một cộng đoàn nhỏ bé nhưng mang đầy chất Việt tại Avondale, Louisiana, thuộc tổng giáo phận New Orleans. « Mở mang bờ
cõi » thì phải có đất, phải có lực, chứ không phải những khua múa bề ngoài cho đỡ tủi. Chính nơi đây, ngài đã xây dựng ngôi nhà thờ đầu tiên cho họ đạo. Khi về hưu năm 1991, ngài bắt đầu đào
tạo những cánh Chim Non Dũng Lạc, và tiếp tay tập bay cho ca đoàn Ca Lên Đi của họ đạo cùng với Nhị Long và Hoàng Bổn cho tới năm 1996. Cũng vẫn chỉ một hoài bão, một tâm huyết, như khi còn
làm giám đốc nhạc viện Huế hay phó viện trưởng đại học Đà Lạt, là xác tín vào bản sắc người mình với những nét văn hóa có sức mọc cánh vươn lên, đáng cho các sắc dân khác kính phục. Cũng vẫn
là đường bay của đàn chim Dũng Lạc được công nhận và giới thiệu cho thế giới qua dịp phong thánh.

 

Chim Thăng Ca đã đem nét văn hóa Việt vào thánh ca, mở ra một hướng bay rõ rệt. Dịp ngài bay đi, Nhất Chi Vũ lại bỗng nghe theo tiếng gọi đàn mà xòe cánh gửi đến tôi bản « Lễ Vật Đầu
Xuân ». Giấc Mơ Chưa Tròn trước kia thì nay đang vuông tròn với niềm tin yêu của đàn chim Dũng Lạc. Bốn góc cạnh của cuộc đời vẫn luôn là những chuyện trời ơi đất hỡi tứ tung. Vẫn luôn là
những màn bị đuổi bắt phải chạy trốn, vẫn luôn là cảnh tù đầy cực khổ. Vậy mà chim Dũng Lạc đã có thể biến chế thành tứ linh, thành lễ vật tròn dâng mà bay lên. Hình ảnh và cung điệu mang bản sắc văn hóa Việt, đường tu đức Việt:

 

Này đây tấm bánh chưng xanh

Đượm tình hương lá ươm tình quê hương.

Này đây tấm bánh dầy tròn,

Đơn sơ từ bột, sắt son một long.

Và đây ly rượu nếp trong,

Cất lọc từ lúa chín thơm đầu mùa.

Dâng lên ý tứ xuân sang

Dâng lên tất cả lòng thành,

Xin Người nhận lấy rộng ban ơn lành.

 « Con đã dự định sẽ trao tận tay cha dịp lễ an táng cố Ngô Duy Linh nhưng lại đình hoãn vé máy bay, vì lòng con lúc này hoang mang như tâm trạng một con chiên mất chủ, mất trí. Buồn
chơi vơi và lạc lõng vô cùng. Bởi lẽ hầu hết những bài hát của con đều được cha Ngô Duy Linh xem trước trong suốt mười năm nay. Lễ Vật Đầu Xuân không kịp tới tay Ngài để được xem lại và hòa
âm cho ca đoàn lớn. Thôi thì chúc người ra đi an tâm vững chí, người nhớn giao việc cho trẻ ở lại ».

 

NHẬN ĐUỐC CHUYỂN LỬA

 
Lửa là biểu tượng của sức mạnh, của hùng khí. Trong các thế vận hội, lửa được châm thành đuốc chuyển tới từ gốc bên Hy Lạp nơi phát sinh truyền thống đua tài lực sĩ. Người trước chạy hết
quãng đường thì trao bó đuốc lại cho người chạy tiếp cho tới khi đạt đích. Dịp lễ an táng nhạc sư Ngô Duy Linh, rất đông môn sinh từ các tiểu bang tụ họp về hát bài ca bái biệt. Chim Thăng Ca
Duy Linh an nghỉ bên cạnh nhạc sư Hải Linh tại nghĩa trang Avondale, Louisiana. Hai người bạn tri kỷ chắc lại tiếp tục hàn huyên ươm mơ giấc mộng vào đời với điệu nhạc « vinh danh Thiên Chúa,
tán tụng quê hương » và tiếng chim hót theo làn điệu Việt líu lo gọi đàn.

Điệu vũ vuông tròn mọc cánh đây rồi. Đường tu đức Việt đây rồi. Hướng bay đây rồi. Đã đến lúc nhận bó đuốc để tiếp nối chuyển lửa bằng nhạc, bằng thơ, bằng văn, bằng mọi hình thức nghệ thuật,
góp phần khơi lên hứng khởi theo đường bay Dũng Lạc cho vuông tròn giấc mơ, thành phong trào Dũng Lạc. Cuộc phục hưng nào cũng bắt đầu bằng những góp sức xem ra nhỏ bé, như sách lược phong
trào Kibbutz, như câu truyện chú bé làng Phù Đổng, để bỗng một ngày vươn vai thành rồng lửa.

 

Tiếng hát đơn thành của các em Chim Non Dũng Lạc vang lên tiễn đưa chim Thăng Ca bay vào trời mới và đất mới, diễn tả thật cảm động đến trào nước mắt về cuộc hành trình của một loài chim, với lời thơ Tagore quyện theo dòng nhạc êm ả như điệu ru:

Chính Chúa là bầu trời và cũng là tổ ấm,

Chúa ấp ủ hồn con bằng màu sắc âm thanh,

Bằng hương hoa ngào ngạt, là tình yêu của Ngài.

Con như cánh vạc bay vào không gian vô hạn

Lên tận cõi thinh không, nơi Chúa ngự huy hoàng.


Lúc này thì chim Thăng Ca đã vút cánh bay về miền ánh sáng như trong thị kiến của Hàn Mặc Tử: Phượng hoàng bay trong một tối trăng sao, mà ánh
sáng không còn khiêm nhượng nữa.

 

    Ai tới đó mà chẳng nao thần trí,

Tòa châu báu kết bằng hương kỳ dị

Của tình yêu rung động lớp hào quang…

 Lm. Trần Cao Tường

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.