2009 01 19 Tưởng niệm nhạc sư Nghiêm Phú Phi – Một đời cho âm nhạc

 

Jan 19, ’09 5:58 PM
pour tout le monde

cam on Phi Yen da gui bài viet den.
PO.
Thursday, January 15, 2009




medium_NVHN-090116-NghiemPhuPhi-01.JPG

Thầy cô và nhạc sinh trong đêm nhạc tưởng niệm “Nghiêm Phú Phi – Một Ðời Cho Âm Nhạc” tại phòng thu đài truyền hình SBTN ngày 11 Tháng 1 năm 2009. (Hình: Vũ Ðình Trọng/Người Việt)

medium_NVHN-090116-NghiemPhuPhi-02.jpg

Nhạc sinh Dennis Nguyễn, 13 tuổi. Em là cháu ngoại nhạc sư Nghiêm Phú Phi và được ông ngoại dạy đàn từ năm 6 tuổi. Sau khi nhạc sư Nghiêm Phú Phi qua đời, em chuyển sang học với thầy Phạm Tấn
Triệu.

Nhạc sư Nghiêm Phú Phi sinh ngày 9 tháng 7 năm 1930 tại Sài Gòn.
Ông theo gia đình về lập nghiệp và học tiều học tại Bà Rịa. Năm 12 tuổi, ông trúng tuyển vào trường trung học Pétrus Ký, đồng thời theo học nhạc với các giáo sư Nguyễn Văn An, Trần Anh Tuấn, Trần
Văn Trạch và Võ Ðức Thu.

Năm 1949, ông sang Pháp, học nhạc với các thầy Marguerite Chastel,
George Schwart, Delausnay, và Challan. Năm 1995, ông tốt nghiệp ưu hạng về trình diễn piano và hòa âm tại Conservatoire National Superieur De Musique De Paris.

Về Việt Nam năm 1955, ông tiếp tục diễn tấu dương cầm cho các sân
khấu và đồng thời ông cũng dạy dương cầm cho trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn, ngôi trường mà sau đó ông được cử làm giám đốc cho đến biến cố đau thương 30 Tháng Tư năm 1975. Suốt 20
năm, ông làm nhạc trưởng và soạn hòa âm cho các trung tâm băng nhạc đĩa nhạc, các trung tâm phim ảnh, đài phát thanh Saigon, đài Tự Do và truyền hình. Ông từng trình diễn tại nhiều quốc gia Âu
Châu, Á Châu và Hoa Kỳ.

Ông đã soạn một khúc nhạc giới thiệu ba nhạc cụ cổ truyền cùng một
nhạc cụ Tây Phương là đàn Tranh, đàn bầu, đàn nhị và piano. Tiết mục này được người nghe tán thưởng khi được trình diễn nhiều lần tại Việt Nam và tại các nước Ðông Nam Á. Ðiều này cho thấy nhạc
sư Nghiêm Phú Phi dù tốt nghiệp tại Pháp nhưng luôn chú trọng đến âm nhạc cổ truyền Việt Nam trong phần hòa âm. Nghệ thuật hòa âm của ông đã chắp cánh cho trường ca “Mẹ Việt Nam”, “Con Ðường Cái
Quan” của Phạm Duy hay “Hội Trùng Dương” của Phạm Ðình Chương bay xa hơn, cao hơn. Hồn quê hương như đẹp hơn, mạnh mẽ hơn khi giai điệu được thể hiện bằng những nhạc
khí dân tộc và âm giai ngũ cung.

Ðịnh cư tại Hoa Kỳ năm 1984, ông mở lớp dạy piano tại Little
Saigon, California. Ngoài việc đào tạo những tài năng âm nhạc và piano, ông vẫn tiếp tục sáng tác, hòa âm… cho đến khi ra đi vào ngày 16 tháng 1 năm 2008.

Cũng vào tháng này năm ngoái, sau khi được tin nhạc sư Nghiêm Phú
Phi qua đời, nghệ sĩ Quỳnh Giao có viết:

“Ông bị polio và phải chống nạng, điều ấy, ai cũng biết. Ông là
bậc sư về nhạc cổ điển Tây Phương, tốt nghiệp ở những lò đào tạo danh tiếng nhất của Pháp, và rất khó tính khi dạy nhạc. Ðiều ấy, chúng ta cũng có thể biết, học trò đích thực của trường Quốc Gia
Âm Nhạc thì càng biết. Nhưng ông là nhạc sĩ có tâm hồn Việt Nam và muốn đưa âm nhạc Việt Nam lên ngang tầm thế giới. Một số người yêu nhạc và hiểu nhạc thì có thể hiểu được ước nguyện đó của ông.
Ông có một số tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng những bài divertissements dựa vào âm giai ngũ cung hoàn toàn Á đông, nhưng chỉ được trình bày đôi lần trên sân khấu trường Quốc Gia Âm Nhạc, có
nhiều bản còn chưa được phổ biến…

Ðiều mà ít ai biết, Nghiêm Phú Phi còn là một cái
neo.

Ông ràng chúng tôi lại với nhau, với kỷ niệm và tình cảm của năm
xưa. Bất cứ ai đã từng làm việc trong trường Quốc Gia Âm Nhạc hay đài phát thanh thời xưa mà ghé thăm miền Nam California đều liên lạc với Nghiêm Phú Phi. Ông giữ mối giao tình bền chặt với từng
người và liên lạc với mọi người để gần xa, từ Úc, từ Âu hay từ Việt Nam, đều có những buổi hội ngộ rưng rưng nước mắt, ngay tại nhà ông.

Ðúng 10 năm trước, Mai Thảo ra đi đã đem theo cái neo ràng buộc
nhiều anh chị em cầm bút với nhau. Bây giờ đến lượt Nghiêm Phú Phi trong lãnh vực âm nhạc và phát thanh.

Làm sao chúng tôi không khỏi thấy một sự trống vắng, một nỗi bơ
vơ?”

Một năm sau ngày ông mất, có lẽ, nỗi trống vắng và bơ vơ…. vẫn
còn đó!

 

 

 

Vũ Ðình Trọng

 

 

Tưởng niệm…

Chủ Nhật vừa qua, 11 tháng 1, năm 2009, tại phòng thu đài SBTN, buổi
tưởng niệm “Nhạc Sư Nghiêm Phú Phi – Một đời cho âm nhạc” đã được gia đình và học trò ông tổ chức. 16 tác phẩm cổ điển dành cho piano được các em từ 7 đến 18 tuổi trình tấu. Ða số là những học
trò của nhạc sư Nghiêm Phú Phi, trong đó có em học từ năm 4 tuổi. Sau khi ông mất, các em chuyển qua học cô Nghiêm Phú Phi Yến và thầy Phạm Tấn Triệu. Cả hai cũng là học trò của thầy Phi từ nhỏ,
và riêng cô Phi Yến, đọc tên họ cô, chắc chắn chúng ta cũng biết cô là con gái của nhạc sư Nghiêm Phú Phi. Ngoài ra, còn có sự tham gia của một số nhạc sinh của cô Diệp Tiểu Hồng, cô cũng là học
trò của thầy Phi.

Khán giả đài SBTN cũng có thể theo dõi chương trình này vào ngày 16
tháng 1 năm 2009. Cũng vào ngày này năm ngoái, nhạc sư Nghiêm Phú Phi đã ra đi.

Những bức tranh âm nhạc của các nhạc sĩ bậc thầy như Mozart, Hayden,
Beethoven, Schubert, Tchaikovsky… tạo ra được các em “vẽ lại” qua lăng kính nhỏ vẫn tạo được nét đẹp trong sáng, hồn nhiên. Nhìn các nhạc sinh nhỏ tuổi trình diễn, chúng ta mới thấy được công
sức mà thầy cô đã bỏ ra đào tạo các em. Những ngón tay nhỏ bé bên phím dương cầm vẫn đủ sức tạo được những âm thanh đẹp, hình ảnh sống động của những đợt sóng vỗ vào bờ, hay một đoàn quân với
bước chân hùng dũng… Người không hiểu nhạc cổ điển, cũng có thể cảm nhận được nét đẹp của thiên nhiên, của một ngày hè oi ả với làn gió lướt nhẹ trên mặt hồ tạo thành những con sóng lăn tăn
hiền hòa, thơ mộng…

Ðáng chú ý là bài kết chương trình, nhạc phẩm Concerto cung Ré thứ số
20, chương 1 của nhạc sĩ Mozart, do em Dennis Nguyễn biểu diễn cùng với thầy Phạm Tấn Triệu đệm piao thay cho dàn nhạc symphony. Nhạc sĩ Mozart viết concerto cho piano bằng tất cả những kỹ thuật
chạy ngón, nhảy quãng xa với tốc độ nhanh nhưng giai điệu rất trong sáng. Ðể biểu diễn được các concerto, pianist phải có kỹ thuật hoàn chỉnh để tạo được âm thanh đẹp, và phải thể hiện đúng thời
kỳ tác giả đang sống. Ðây là một trong những tác phẩm thường dùng để thi tốt nghiệp đại học âm nhạc tại Hoa Kỳ, nên khán giả không khỏi ngạc nhiên khi nghe Dennis
Nguyễn, 13 tuổi đã thể hiện thật thành công bản concerto này.

Nhạc sĩ Trúc Hồ, cũng là học trò cũ của nhạc sư Nghiêm Phú Phi, trong
phần tưởng niệm, đã nói về người thầy năm xưa với tất cả lòng biết ơn và kính trọng:

“Thầy là người nhẫn nại với đệ tử, yêu âm nhạc, yêu học trò. Nhờ thầy
mà chúng ta có rất nhiều nhạc sĩ đã và đang đóng góp vào nền âm nhạc Việt Nam. Nhờ bao nhiêu năm học với thầy mà tôi có ‘nội công đương đối khá thâm hậu’ để ‘tung hoành giang hồ’ cho đến ngày hôm
nay. Tôi từng nói đùa với bạn bè, khi ta học nhạc thì nhạc cổ điển giống như ‘Cửu Âm Chân Kinh’ trong chuyện chưởng của Kim Dung. Tất cả nhạc sĩ đều phải học nội công đó từ nhạc cổ điển, nếu
không có nội công đó chúng ta dễ rớt lắm. Khi tôi qua Mỹ học nhạc tiếp và trở thành một nhà soạn hòa âm, tôi có dịp nghiên cứu hòa âm của những nhạc sĩ trước năm 1975, thì không ngờ ông thầy mình
lại là một nhà soạn hòa âm rất hay. Hầu hết tất cả bài nhạc nổi tiếng hồi đó của các nhạc sĩ Phạm Duy, Vũ Hoàng Chương, Anh Bằng đều được thầy soạn hòa âm. Tôi học hỏi
được rất nhiều từ cách hòa âm của thầy. Thầy là người kín đáo nên ít người biết, nhưng thầy đóng góp rất nhiều cho nền âm nhạc Việt Nam, những người học trò của thầy như Trúc Hồ, Trúc Sinh và
biết bao người khác vẫn tiếp tục đóng góp.
Những gì tôi làm được ngày hôm nay đều có nội công của thầy.”

 

… và tiếp nối

Cô Nghiêm Phú Phi Yến, thầy Phạm Tấn Triệu, và cô Diệp Tiểu Hồng, ba
học trò của nhạc sư Nghiêm Phú Phi vẫn tiếp tục con đường mà người thầy kính yêu để lại: dìu dắt và nuôi dưỡng những tài năng trẻ.

Thầy Phạm Tấn Triệu chia sẻ:

“Tôi học piano với thầy Phi từ năm 6 tuổi, cho đến khi vào học tại
trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn. Khi ra trường tôi được giữ lại làm giảng viên cho đến năm 2002 mới định cư tại Hoa Kỳ. Giáo trình dạy piano mà hiện nay
trong nước đang giảng dạy là do thầy Phi soạn sau khi về nước giảng dạy. Sau này, giáo trình ngày càng được hoàn thiện với sự đóng góp của rất nhiều thầy cô đi sau, nhưng vẫn dựa trên nền móng mà
thầy Phi đã xây dựng nên. Tôi đã học lại tại trường âm nhạc Hoa Kỳ nên có thể nói rằng, giáo trình dạy piano của hiệp hội thầy giáo California và một số trường đại học ở đây chỉ phù hợp với nhạc
sinh chọn piano là môn học chính, ngày nào cũng được gặp thầy cô. Với giáo trình của trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn trước năm 1975, nhất là giáo trình sơ cấp, chúng ta có thể cho
con em học song song với văn hóa mà lại hoàn thành chương trình trung cấp sớm hơn, 7 năm so với 10 năm của giáo trình Hoa Kỳ.”

Cô Phí Yến cho rằng để các em học có kết quả tốt đẹp, cha mẹ cũng phải
bỏ ra rất nhiều thời giờ để nhắc nhở các em luyện tập mỗi ngày, do đó việc các em biểu diễn thành công ngày hôm nay có công lao không ít của các bậc phu huynh.

Ðề cập đến phương pháp dạy piano cho trẻ em, thầy Triệu cho biết trong
giáo trình sơ cấp, các em được học những tác phẩm của hai thời kỳ âm nhạc là baroque và classic. “Âm thanh hai thời kỳ này rất trong sáng, hòa âm thuận đơn giản nên rất phù hợp với các em mới tập
đàn”. Anh cho biết thêm:

“Tư thế tốt mới tạo ra được âm thanh đẹp. Chúng tôi luôn chú trọng đến
tư thế của ngón tay, cổ tay, và cánh tay của các em qua các bài tập. Chương trình sơ cấp rất quan trọng trong việc hình thành tư thế đúng, nhờ đó các em dễ dàng bước sang chương trình trung
cấp.”

Cô Phi Yến cho rằng việc lựa chọn bài tập cho từng em cũng rất quan
trọng. Dù cùng một lứa tuổi, nhưng mỗi em có ngón tay, cánh tay dài ngắn khác nhau, nên thầy cô phải chọn bài tập phù hợp để các em phát huy hết khả năng của mình.

“Mỗi học sinh đều có một kế hoạch riêng khi bước chân vào trường,”
Thầy Triệu nói tiếp “và kế hoạch này chúng tôi cũng nhờ phụ huynh giúp sức để các em vượt qua được khó khăn lúc đầu.”

“Việc dạy sơ cấp bao lâu là tùy thuộc vào hai điều, thứ nhất là năng
khiếu và khả năng của nhạc sinh, thứ hai là sự đánh giá đúng mức của thầy cô. Việc chuyển các em sang lớp trung cấp sớm hay muộn quá cũng không tốt, nếu sớm quá là chúng ta bắt các em bơi trong
một biển nước mênh mông, còn nếu trễ quá, kỹ năng sơ cấp sẽ bị chai lỳ, và các em sẽ không phát huy hết khả năng của mình.”

Việc đào tạo một nghệ sĩ dương cầm giống như đào tạo một họa sĩ.
Mỗi em sẽ phải tự tạo ra được “màu sắc âm thanh” riêng của mình qua từng bài nhạc. Tiếp thu một giáo trình đúng qua sự giảng dạy của các thầy cô có tâm huyết,
chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều nghệ sĩ tài ba trong tương lai. Nếu không thì cũng được như lời thầy Triệu chia sẻ:

“Một nhạc phẩm cổ điển được sáng tác 3 lần. Ðầu tiên là tác giả, người pianist là tác giả thứ hai khi thể hiện bài nhạc bằng chính cảm xúc của mình, và khán giả chính là người sáng tác cuối cùng khi nghe và hiểu tác phẩm
qua cách mình cảm nhận.
Học sinh học nhạc cổ điển, dù không theo học lâu dài, nhưng ít nhất các em sẽ trở thành người sáng tác thứ ba, tức là người biết nghe nhạc cổ điển, biết tìm vẻ đẹp
của cuộc sống qua âm thanh.”

 

Ðó cũng là mơ ước của chúng ta!

 

Quý vị có thể tìm hiểu về hai lớp nhạc qua địa chỉ
sau:

Nghiem Phu Phi Music Class (cô Nghiêm Phú Phi
Yến)

16449 Ponderosa St., Fountain Valley, CA
92708

Phone: 714-460-3253

 

Spring Piano Art Studio (thầy Phạm Tấn
Triệu)

9652 Shannon Ave., Garden Grove, CA
92841

Phone: 714-767-8682

e-Mail: phamtantrieu@hotmail.com

Website:phamtantrieu.com

 


Copyright © 2002 – 2008 by Nguoi Viet, Inc.
Nguoi-viet Online
http://www.nguoi-viet.com/

Ce contenu a été publié dans Tiêng Viêt. Vous pouvez le mettre en favoris avec ce permalien.